Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Văn tế Văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam của Vũ Hoàng Chương (Sưu tầm)





Than ôi!

Đời chính trị lông hồng gieo núi Thái, ngẩng đầu lên sấm sét vẫn chưa nguôi;
Việc văn chương một tấc để ngàn thu, ngoảnh mặt lại đá vàng sao khỏi thẹn.
Muốn gào to hồn phách anh linh;
Để vọng khắp giang sơn tam biến.

Nhớ xưa tiên sinh:

Chào đời khi gió nổi Đông du;
Mài thép dưới trăng mờ Thế chiến.
Nghiệp truyền gia giáo, thuở nhập môn từng đất Bắc vui quê;
Vai nặng quốc thù, bước du học lại trời Tây vượt biển.
Rèn chí đấu tranh;
Đua tài hùng biện.
Chí khí ngày kia một kiên cường;
Tài năng ấy càng thêm phát triển.
Bao năm xuất ngoại, đã lưu tâm tại chỗ, từng mưu lừa chước dối thực dân;
Một sớm hồi hương, lại ngứa mắt trông ra, cả tấn kịch trò hề phong kiến.
Thi văn đoàn Tự lực thế tất phải xung phong;
Mà tuần báo Ngày nay phải kịp thời xuất hiện.
Vì dân vì nước đẩy mạnh phong trào;
Có chí có gan thiếu gì phương tiện.
Nào hia với hốt, phá cho tan trò hoạn lộ thanh vân;
Nay cấp mai bằng, cười đến tỉnh lũ thư sinh bạch diện.

Từ đó tiên sinh:

Lấy văn đàn làm nơi bái tướng, cờ phất dọc ngang;
Giữa chính trường cao giọng lập ngôn, bút mài sắc bén.
Làm sống lại tinh thần Yên Bái, nửa bước không lùi;
Cuốn ào lên tâm huyết Quốc dân, một dòng thẳng tiến.
Bôn ba nơi hải ngoại, Hàng Châu, Quỳ Châu, Liễu Châu;
Đối lập mọi cường quyền, chống Pháp, chống Cộng, chống Diệm.

Ai hay:

Gió gọi chưa lên;
Giờ nghe đã điểm.
Giữa cao trào Phật giáo, để hoằng dương chính pháp, lửa từ bi vừa thượng toạ thiêu thân;
Nêu đại nghĩa Nho gia, nhằm cảnh cáo độc tài, chén tân khổ cũng tiên sinh tuyên chiến.
Sét ngang tai, bạo lực thấy ghê hồn:
Trời cúi mặt, không gian chờ nảy điện.
Lửa-Cách-Mạng dâng về thư tuyệt mạng, thôi rồi tay lãnh tụ! Khắp các giới: thức giả, bình dân, sinh viên, đồng chí, cùng dạt dào tim vỡ máu sôi;
Người-Quay-Tơ đành bỏ trống guồng tơ, đâu nữa mặt kinh luân? Cả bốn phương: Cà Mau, Thuận Hoá, Bến Hải, Nam Quan, nghe giục giã sông dời núi chuyển.

Nhưng đau đớn thay:

Phút hạ huyệt súng gươm vây kín, muôn dòng châu đứt nối chưa tròn;
Buổi cầu siêu hương khói âm thầm, bao tiếng khóc dở dang còn nghẹn.

Cho nên hôm nay:

Mừng quốc gia vừa khắc bạo trừ hung;
Đẹp hy vọng sẽ hà thanh hải yến.

Dân chúng thủ đô hướng về tiên sinh:

Lễ Truy điệu mở đầu năm dương lịch, chạnh tưởng cồn dâu bãi bể, đốt hương lòng toả khắp mười phương;
Vườn Tao Đàn rung hết đợt âm giai, trông ra ngọn cỏ lá cây, hoà nước mắt vẩy quanh một chén.
Mong cảm tới tiên sinh;
Dám nề chi u hiển.

Hỡi ơi:

Tố Đoạn-tuyệt thành hồ đoạn tịch, mộng dẫu chơi vơi nửa cuộc, sử còn thơm danh liệt sĩ Tường Tam;
Phượng Nhất Linh hề thiên nhất phương, lầu tuy ngơ ngác bên sông, gió vẫn nổi tiếng văn hào họ Nguyễn.

(Sài Đô, 5-1-1964)
Vũ Hoàng Chương

Ghi chú:

1. Nguyễn Tường Tam (1906 - 7 tháng 7 năm 1963) là một nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ); và cũng là một chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm, và từng là Chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Về sau, ông còn là người sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng) và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Sau 1954, Nhất Linh vào sống ở Đà Lạt. Ngày 7.7,1963 ông uống thuốc độc tự tử để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông ra tòa xét xử về âm mưu đảo chánh bất thành.

2. Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976) là một thi sĩ nổi tiếng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Sau đó trở về Hà Nội lập "Ban kịch Hà Nội" cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.


Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn. Năm 1959 ông đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Thời gian 1969 - 1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai.

Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.



4 nhận xét: