Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (10)


            Năm Luyến đi thi Cao đẳng Sư phạm, kết quả điểm thi của cô đúng hệt như bố cô đã tiên liệu. Ba môn 5 điểm. Không hề gì. Khối người điểm cao hơn cô nhiều nhưng trường vẫn không báo nhập học hoặc địa phương không cắt hộ khẩu để nhập vào trường. Hồng vẫn quan trọng hơn chuyên, con cái các gia đình công chức binh sĩ miền Nam được gọi là ngụy quân ngụy quyền ở nông thôn đành đi cuốc đất làm ruộng cho hợp tác xã, ở thành phố thì đi làm thợ đụng, đụng cái gì làm cái đó. Sơ yếu lý lịch là cái giấy chứng nhận quái ác nhất trùm lấy cuộc đời của một con người. Rủi thay, con người đứng tên trong cái mảnh giấy ấy lại không có chút quyền chọn lựa nào. Nghiệp dĩ đời não đời nào đã đẩy y vào cái số phận đó. Luyến thì may mắn hơn nhiều.


        Bố cô đúng là chẳng nói gạt gì cô. Có thi và lí lịch tốt đã giúp cô vui chơi 3 năm ở trường Cao đẳng. Chính trị: Giương cao hai ngọn cờ, con người mới xã hội chủ nghĩa…; lao động: dọn chợ, đập nhà, trồng sắn, đào thuỷ lợi, tăng gia sản xuất…; chuyên môn: thầy đọc gì chép nấy, sách thư viện giấy đen đọc không ra chữ…; ái tình: cặp kè với tay sinh viên phụ trách đội văn nghệ của trường và lần cuối với một thầy giáo trong ban Giám hiệu nổi tiếng bình thơ hay tuyệt khi Luyến nghe phát động toàn sinh viên tốt nghiệp tình nguyện đi tăng cường cho huyện miền núi A lưới. Giọng hát của Luyến hóa ra là một bảo bối. Cô là nòng cốt của đội văn nghệ. “Hà Nội, niềm tin yêu và hi vọng” là bài ruột của cô. Đôi khi bạn bè cứ gọi tắt cô là Luyến Hà Nội là vì vậy. Tập văn nghệ tất nhiên là nhàn nhã hơn đi lao động xã hội chủ nghĩa rồi. Cô ở nhà mình chứ không ở khu tập thể như các bạn khác.
Khu tập thể Trường Bia dạo ấy là một kỷ niệm khó quên trong đời sinh viên của nhiều sinh viên như cô. Bên nữ phấp phới quần đen và vải màn, bên nam mi-dô rách và quần dài vá sau mạng trước. Cuộc sống quá vất vả và thiếu thốn khiến mọi người rất thiết tha chút hương đời nhạt phèo. Vài gói thuốc, một chiếc lốp sao vàng, cái xích xe đạp, một vài lạng thịt,… là những ước mơ thường trực xa vời đối với họ. Đời sinh viên vui có dăm ngày lãnh học bổng, rồi đâu vào đấy kham khổ, lây lất qua năm tháng. Sinh viên nam hút thuốc như ống khói tàu lửa, bán tem phiếu, lương thực rồi mua chịu các quán lân cận. Họ hay nhại thơ Tố Hữu rằng Học bổng anh chia mấy phần to nhỏ/ Anh dành cho bà chủ quán phần nhiều… Luyến may mắn hơn ăn cơm trắng, ở nhà riêng, đạp xe đi học. Cô thuộc loại ‘tư sản’ đối với các bạn bè lam lũ trong lớp. Tất cả trôi lềnh bềnh theo giòng thời gian làm sinh viên.
Vào mấy năm đầu thập kỷ 80, công cuộc cải tạo công thương nghiệp đang đi vào thắng lợi. Cửa hàng may đo, cửa hàng ăn uống quốc doanh, cửa hàng công nghệ phẩm … đang thế chỗ các tiệm hàng tư nhân. Ở các chợ có câu khẩu hiệu rất oách: “Con bò có một cái u/ Mấy người buôn bán là ngu như bò”. Chính vào cái thời điểm này, một cô giáo mới đã có mặt trong lực lượng giáo dục của xứ này.

 Chương 3

Lão Một Ngà, trưởng phòng Tổ chức Giáo dục Huyện, đã truyền bí quyết làm Hiệu trưởng của lão cho Dũng nhưng anh không sao học đòi được. Năm đó, anh đang làm Tổ trưởng Tổ Xã hội của trường Quảng Thuỷ. Tay hiệu trưởng trước tham mấy tấm tôn cũ thay ra từ các phòng học bị bão nên bị kỷ luật. Người tố cáo không ai khác hơn là tay Chủ tịch Công đoàn của y, người tình nguyện chở giùm các tang vật về nhà cho xếp của mình. Không còn đường chối cãi với thêm tội quan hệ bất chính dù chưa thành án, y đành nhận tội và về làm văn thư cho một trường bên kia sông Bồ. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi hưởng lợi, thế mới là chuyện đời. Dũng được đề bạt lên thế chỗ.
 Anh còn nhớ rõ như in cái chuyện đấu đá nhau thời ấy dù đã hơn mười mấy năm trời. Trường anh dạy năm đó còn là phổ thông cơ sở có hai mối tình ngang trái: cặp thứ nhất là tay chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp với cô giáo độc thân làm Tổng phụ trách; cặp thứ hai là anh chủ tịch công đoàn dân địa phương và cô giáo chưa chồng dạy lớp năm từ thành phố về. Thầy Hiệu trưởng thì nghe đâu có tình cảm sâu đậm với một cô giáo cấp hai cũng độc thân. Cặp đôi này nhà đều ở Huế, ngày ngày chờ đợi cò kè đạp xe đi về. Phòng Đội và phòng Hiệu trưởng trở thành cái tổ cu tình yêu cho hai cặp uyên ương địa phương. Toàn là nông thôn kết hợp với thành thị. Anh em giáo viên thường bảo phụ nữ đi xe đạp nhiều thì tăng đòi hỏi tình dục, ấy là ý muốn ám chỉ mấy nhân vật nữ này. Hóa ra quyền lực dù nho nhỏ cũng là đầu mối cho sự sa đọa.
Miếng ăn thời sau khi đất nước mới thống nhất dăm mươi năm đó đáng giá lắm. Đã vào thời hợp tác và tem phiếu, mọi người không còn sống để mà ăn mà phải ăn để mà sống, sống chứ đạn bom đâu để chết. Cái sống phút giây này mới chua cay làm sao! Hạt cơm leo củ sắn, củ khoai là chuyện bình thường, áo quần tem năm mét bán cả cho con phe, tem phiếu loại E mỗi tháng bốn lạng thịt chỉ đủ mua mỡ chan cơm. Nhân dân khổ đã đành mà giáo viên cũng đói rách vĩ đại. Thầy cô giáo rất dễ nhận ra vì cái dáng có học cộng với cái vẻ xơ xác của họ. Cuộc chiến giành xăm lốp xích  tăm đều đặn nổ ra trong hội đồng bất cứ trường nào. Trường Dũng dạy có một dãy nhà gạch xây từ hổi trước 75 và một dãy tranh tre tạm bợ rách nát do hợp tác xã dựng nằm ở góc trường làm nhà tập thể giáo viên. Chính trong thời gian làm căn nhà này mà Quý “Mù” chủ nhiệm hợp tác xã xóc trúng cô tổng phụ trách Đội.
Thiên hạ gọi hắn là Quý Mù vì hắn hay mang lúa hợp tác đi đêm “uỷ lạo” các mụ goá và gái nạ dòng trong vùng. Chẳng tốt lành gì, hắn tựa lão thầy bói mù cứ quơ gậy lung tung dò đường, may ra thì xóc trúng phải một ả hứng tình nào đó. Hơn 40 tuổi, vợ nhà quê, sẵn lúa hao hụt của hợp tác, lúa đổi heo, lúa công điểm… hắn tà tà mà cải thiện sinh hoạt tình dục. Chán hoa đồng nội, hắn vớ ngay cô tổng phụ trách Đội mới hai mươi mấy tuổi đầu. Trong lúc nghèo khổ, con người thường cần được an ủi và chia sẻ nhiều hơn. Con đường ngắn nhất đi đến trái tim vẫn là con đường đi từ cái bao tử. Vài ba tô bún bò và mấy bao gạo để cô giáo chở lên nhà cho gia đình đã khiến tình đồng bào trở thành tình chăn gối. Ông chủ nhiệm hợp tác xã bỗng siêng năng qua thăm trường thăm giáo viên vào bữa tối. Nói chuyện qua loa về việc “Tiếng kẻng học tập” ở các đội sản xuất, lớp học lẻ đặt tạm ở đình làng… là ông chủ nhiệm xin về ngay. Cô tổng phụ trách cũng biến mất theo. Cái phòng Đội chật hẹp lại đôi đêm xập xình tan tác cờ quạt một lần. Giáo viên ở tập thể cũng thừa biết nhưng ai lại thừa cơm đi canh ruộng bỏ hoang hay đi chọc ổ kiến lửa. Hơn nữa, mỗi tháng ai cũng được hỗ trợ bốn cân thóc từ hợp tác xã  của Quý Mù mà.
Phê “Đò” làm Chủ tịch Công đoàn thì đoạt được cái biệt danh này vì vợ anh chủ một chiếc đò máy chạy lên Huế. Phê đen và lùn, mặt mũi cục mịch trông chẳng khác chút nào anh phu đò máy suốt ngày lem luốc dầu khói nên cái biệt danh đó chết dí theo ông cán bộ công đoàn. Lúc đầu chia miếng cơm và sau chia nhau cái chăn cũng là con đường Phê đi đến giường cô giáo  lớp năm. Những ngày nghỉ việc ở trường, hắn đi thu tiền đò cho vợ, tất nhiên cũng tranh thủ dấu một ít tiền vào túi áo để tặng người yêu khốn khó. Ai lại nỡ phụ phàng với người trộm tiền vợ cho mình nên cô giáo lớp năm này gá nghĩa tạm bợ với anh phu đò. Tình yêu và miếng ăn là những đồng minh gan cật mà. Đâu đó bóng dáng của uy quyền và kinh tế in dấu lên các mối tình này. Được ăn, được ngủ và được bao che, không ai dám đả động.
Nghe đâu thì Phê đã gặp phải con hồ ly lông dài cả tấc. Phê viện cớ trực thay hiệu trưởng thỉnh thoảng hú hí với ả trong căn phòng nửa trước làm việc, nửa sau để cái giường cá nhân được gọi là phòng Giám hiệu. Hắn khoẻ nhưng lậm con hồ ly tinh này đến rộc cả người. Hẳn là máy kéo hai toa ra khác. Mụ vợ hắn cũng khoẻ như voi, cả ngày phơi nắng theo đò, xốc nách cả bao hàng như người ta bồng đứa trẻ. Đêm nào Phê Đò ngủ với tình nhân xong là mọi người biết ngay. Sáng sớm Phu lại đến dạy thay cho con hồ ly ngủ dưỡng sức. Hắn cũng mệt phờ râu nên sau khi viết mấy dòng lên bảng, thả cho lũ học trò tự học, tự la hét và gục xuống mặt bàn, nằm ngủ ngon lành. Thỉnh thoảng hắn mớ la lên hai, ba, bốn làm lũ học trò cười ré. Không đầy năm thì cơ sự bại lộ. Mụ chủ đò rủ bà chủ nhiệm hợp tác xã liên minh phục kích. Khi phòng Đội khép cửa và phòng Giám hiệu vang tiếng cười rúc rích trong một đêm trăng mờ thì hai con sư tử Hà Đông đồng loạt xông vào.
Hai thằng đàn ông dày mặt cố gắng đưa tấm thân trần truồng che cho hai cô giáo vơ áo quần chạy thoát về nhà tập thể và bịt mồm hai mụ vợ đang ra sức tru tréo. May mà trường cũng khá xa khu dân cư nên mọi việc được xử lí nội bộ khá êm thấm. Cái xui lại quật vào ông hiệu trưởng. Lí do buồn cười là hai tên nạn nhân đổ cho ông ta cái tội “ăng ten” cho vợ của chúng. Có ai biết và dám nói chuyện này nếu không là ông Hiệu. Làm như trong sạch lắm, để cho mày biết tay, chúng bàn với nhau. Thế là một cái bẫy được giăng ra để tròng ông hiệu trưởng vào cái tội tham ô. Tay này thơ ngây lại tưởng rằng Phê Đò đái công chuộc tội. Hồi ấy, một tấm tôn đáng giá biết bao, hơi cong queo một tí nhưng cũng đủ ngăn làm phên cho căn phòng riêng của vợ chồng anh ta dựng ké vào căn nhà của mẹ. Phê Đò chuyển bằng đò máy lên nhà cho anh ta ba tấm. Thế là tang chứng, vật chứng đầy đủ. Bao lần xin tiền hợp tác hỗ trợ sơ, tổng kết rồi đãi đằng cán bộ ban chủ nhiệm đôi xị rượu, vài dĩa mồi hữu nghị trong mấy năm qua cũng qui vào đầu anh ta ăn bớt. Anh ta thúc thủ chịu tội, mềm oặt như một con giun chết là thế đấy. 

28 nhận xét:

  1. "Hồng vẫn quan trọng hơn chuyên, con cái các gia đình ngụy quân ngụy quyền ở nông thôn đành đi cuốc đất làm ruộng cho hợp tác xã, ở thành phố thì đi làm thợ đụng, đụng cái gì làm cái đó. Sơ yếu lý lịch là cái giấy chứng nhận quái ác nhất trùm lấy cuộc đời của một con người."
    Cũng bởi cách nhìn phiến diện này mà VN đã bị chảy máu chất xám ngay trong nước anh VB nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May mắn là cái thời ấy đã qua. Bây giờ các cháu có học có tài là tìm được công ty nước ngoài tuyển dụng, lương cao, có cơ hội phát triển tay nghề. Con cái bạn bè mình đều khá cả. Thật mừng.

      Xóa
    2. Chị vào được blog tui rồi nè. Đọc được mấy phần rồi?

      Xóa
  2. Đọc truyện của anh em lại nhớ bộ phim Rừng chắn cát, cũng na ná giống truyện của anh vậy, anh tài viết truyện thật, xứ Huế thương vẫn mộng mơ đó chứ anh ơi ?

    chúc anh vui khỏe an lành (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện này mình viết trước Rừng chắn cát khá lâu. Phim còn hiền quá.

      Xóa
  3. Càng ngày em càng hiểu từ ''Giỡn'' thầy dùng trong đề này -Chốn sân trường là nơi văn hóa và kiến thức thầy nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  4. Đọc và nhớ lại cái thời đó mà buồn nẫu ruột! Coi chừng cái truyện ngắn... dài hơi này của anh sẽ là... chứng nhân lịch sử cho một thời đói khổ, hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái thời đó quá dễ sợ Giáo ơi. Mọi người đều sa vào khủng hoảng.

      Xóa
  5. Cố lên mệ VB. Vũ Trọng Phụng cũng như thế là cùng. Cái cô Luyến là bậc đàn chị của Xuân Tóc Đỏ mà. ( Hậu sinh khả úy..)

    Trả lờiXóa
  6. NT ra thăm anh Ba đây. Truyện anh đọc mãi mà hỏng hết, Thật hay anh à.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc phần này, những người làm nghề giáo như em thấy một cảm giác thật nặng nề trong lòng. Chưa thấy điều gì tốt đẹp, dù là chỉ một chút - ở những nhân vật này. Hình như họ dùng chốn sân trường để làm nơi "giỡn" thì phải- như cái nhan đề anh đã đặt vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên xây dựng có cột bê tông cốt tre, thì bên GD có vài người như vậy cho cân. Sự thật nói ra bao giờ cũng buồn nhiều hơn vui. Đôi khi thực tế nó còn phủ phàng hơn gấp mấy lần.

      Xóa
  8. Em lại qua đọc đây anh ạ! Em đọc mãi thuộc luôn một số câu rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình đang ngại là gv Huế (nơi mình chọn làm bối cảnh) chửi mình đây. Nhiều người bảo mình nói xấu quê hương. Eo ơi!

      Xóa
  9. Đọc mà hình như nỗi đắng cay của thời bao cấp ấy như mãi ám ảnh mình.Những điều anh viết chừng như tôi từng thấy những con người ấy,nó đốn mạt,ti tiện và ác độc hơn rất nhiều.Không gian Huế dù sao vẫn còn chút dễ thương nên người cũng còn người nhiều mà ngợm ít,chứ ra Quảng Trị,QB thì người ít ngợm nhiều.Vì vậy mà năm 76 tôi bỏ chạy vào Tây nguyên.Vài hàng chia sẻ cùng anh,Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng cay đắng như bạn. May mà trụ nổi qua mùa khó khăn. Viết lại vẫn e nhiều người không thông cảm, cho rằng mình bôi xấu ngành GD.

      Xóa
  10. Tấm hình sưu tầm ở đâu vậy? Sự tiều tụy của trường lớp kiểu này mình rất quen vì mình từng quản lý một trường ở Cần Thơ có 5 phân khu mà 4 khu là mây tre lá như thế. Có khu chỉ có cái mái lá và mấy cây cột!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tìm mãi mới có tấm hình ưng ý đó. Xưa phần lớn trường như thế. HS ít chứ không đông như chừ.

      Xóa
  11. Phần ni bác viết hơi "ác" đó nha !đọc mà tôi cho cho các nhân vật ấy quá !

    Trả lờiXóa