Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (11)




Lão Một Ngà nguyên là bộ đội phục viên gì đấy, được đi học Sư phạm 7 + 2 rồi sau 75 vào Nam làm giáo viên chi viện. Giỏi giang đâu không thấy chứ cái miệng lão cứ xoen xoét nói, nào nghị quyết, nào thông tư, nào chủ trương ... nghe muốn nổ cả não. Loay hoay một thời gian, lão lên làm Tổ chức. Lão có một cái răng nanh quá khổ, dài và cộm lên. Thời xa xưa ấy có sao để vậy chứ mấy ai quan tâm gì đến thẩm mỹ, làm đẹp như sau này. Giá lão là con gái thì tạm gọi là có cái răng khểnh duyên. Răng của lão bị anh em gọi đùa là cái ngà voi trời cho. Thế là lão có thêm cái bí danh Một Ngà một cách cay đắng.


Lão kết Dũng nên chọn anh. Được đề bạt, Dũng khăng khăng từ chối chức hiệu trưởng. Lý do anh đưa ra là không có năng khiếu quản lý và chỉ thích làm công tác chuyên môn. Lão Một Ngà gạt phăng đi và nói:
          - Chú em biết quái gì mà chuyên môn với chuyên khoai. Học Toán không nổi xin qua cái lớp Ngoại ngữ Tây U gì đó thuở nào mà quên rồi à? Anh mày biết ráo. Chú em làm quản lí là tốt đấy. Để anh đây bày cho chú em vài ba chiêu độc thủ. Không biết gì thì tốt nhất là làm cha thiên hạ.
Anh phân vân hỏi lại:
-   Sư phụ đừng xúi bậy, hại em tội nghiệp. Leo lên lưng cọp rồi trụt xuống khó lắm.
Lão nghiêm nét mặt bảo:
- Chú em sao không tin tưởng gì anh cả? Đinh Bộ Lĩnh giữ trâu, Trần Thủ Độ đánh cá mà còn xây dựng được cả triều đại. Chú mày con nhà nông dân, gia đình cách mạng nữa thì ngon quá rồi. Làm hiệu trưởng cái trường mười mấy lớp này có gì khó.
- Anh động viên em nên nói rứa chứ mấy ổng nớ có số trời định cả đó.
- Trời định hả? Chú em có đọc truyên Tàu không? Này, Lưu Bị, Lưu Bang toàn là nhát như cáy, chỉ giỏi có khóc lóc với núp trong lều. Thế mà chúng nên cơ nghiệp cả. Tài chúng làm sao so được với Trương Lương, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Hàn Tín…Thôi nói với chú em mà Lưu, Lý, Trương, Nguyễn này nọ là không ổn rồi. Sao không chịu đọc năm ba cuốn truyện Tàu mà học cách làm quan. Đây, anh mày tóm tắt cho chú em dễ nhớ: Làm xếp chỉ việc chỉ tay năm ngón và chê bai người khác thôi. Khoẻ lắm chú em ơi!
- Khoẻ sao được? Dũng vẫn thắc mắc
- Ối dào! Hiệu trưởng là phụ trách chung chung. Có tay giáo viên dạy giỏi nào được làm hiệu trưởng đâu. Giỏi mấy đi nữa mà Hiệu trưởng không đề cử đi thi, đề cử nhận danh hiệu thì cũng mạt rệp. Hiệu trưởng thời này chỉ việc đọc công văn  và tổ chức thực hiện là mệt đứ đừ hơi rồi. Chú mày nên lo chuyện đó đi là vừa. Cứ quát tháo ầm lên, lính tráng nó lo làm hết. Chú em có biết chuyện ba con két không?
Anh ngớ người ra hỏi:
- Tui không biết. Chuyện răng?
Lão Một Ngà cười hềnh hệch, há cái miệng để lộ cái răng ngà voi ở khoé miệng, nhìn anh một cách thương hại:
- Chú em đúng là trời sinh để làm quản lí. Biết ít và quen vâng lời. Thôi nghe đây! Có ba con két được bày bán ở chợ chim. Con thứ nhất giá một triệu đồng vì nó nói được tiếng Việt ta. Con thứ hai giá ba triệu đồng vì nó nói được thêm tiếng Anh và tiếng Pháp. Con thứ ba giá mười triệu đồng. Vì sao chú mày biết không? Tay mua chim ngạc nhiên hỏi, thế nó nói được mười thứ tiếng hả? Người chủ chim trả lời, không thứ tiếng nào cả nhưng nó là xếp của mấy con kia, nó không gật đầu thì không con nào dám nói. Chú em thấy không? Lù đù như chú em thì chỉ còn nước mà làm thủ trưởng, to nhỏ gì cũng được. Bổn phận của chúng ta là đè nén con em phía dưới. Thế thôi.
Ngậm ngự một hồi, Dũng nói:
- Anh Bằng hiệu phó em thấy giỏi lắm. Để anh ấy làm đi thì tiện hơn.
- Sao chú em gà mờ thế? Hắn là giáo viên 03 được lưu dung, dung tha cho đi dạy là ơn khoan hồng của Cách mạng chứ còn đề bạt gì. Anh em hắn là lính Nguỵ cả đấy.
Nói xong, lão nháy mắt cười mỉm. Tiếp theo, lão nói nhỏ:
- Hèn gì tụi nó cứ bảo chú em là Dũng ‘khù’. Chú em không biết là còn có dăm chút bổng lộc cho thủ trưởng sao? Làm dân thì có quái gì mà xây nhà xây cửa. Chú em định suốt đời chui ra chui vào nơi cái mái tôn nghèo thân yêu của chú mày sao? Chú em vốn thành phần lãnh đạo mà, có khác gì Lê Lợi có mệnh làm vua đâu. Đây là một cơ hội hãn hữu dành cho chú em đấy. Cả trưởng, phó gì cũng dính tội cả. Không phải là mệnh trời sao? Không thì còn lâu mới tới phiên chú em, không chộp lấy thời cơ sao? Bỏ qua thời cơ là tội ác đấy. Điều quan trọng nhất là đây là một nhiệm vụ mà tổ chức giao cho chú em. Chú quên lời thề rồi sao mà từ chối? Không biết thì học lần lần, học nữa, học mãi. Hiếu học là truyền thống của dân ta mà.
Cãi lại cũng không nổi, thế là Dũng nhắm mắt mà nhận làm hiệu trưởng. Phải nói là cũng vì anh tham một tí bổng lộc như lão Một Ngà gợi ý. Cả chục năm sau, anh cũng chẳng thấy mình yên tâm với chức vụ của mình. Càng lúc anh càng thấy mình vụng thêm ra, ngu ra và ngớ ngẩn tệ. Anh vừa không đành làm ác, vừa uất ức vì phải tuân lệnh cấp trên. Học trò cứ đều đặn lên lớp để hoàn thành cho xong nhiệm vụ giáo dục Huyện giao: Không một học sinh nào không có cơ hội học tập. Ui chao, nói sao mà dễ thế, nhiệm vụ sao mà cao cả thế? Chí ít đó là một nhiệm vụ không ai có quyền từ chối. Dẫu không đứng lớp nhiều nhưng sau cả chục năm làm hiệu trưởng, anh thừa biết lũ học trò nhà quê lam lũ thiếu thốn của trường anh thế nào chứ. Không phải tất cả nhưng sao nhiều đứa ngớ ngẩn đến kỳ lạ, e đến cả một phần tư lớp học. Ôi, những thằng học trò trời đánh cứ nhăn răng cười như đười ươi nắm ống tre, viết chữ như gà bươi đống rác, ngồi trong lớp chẹp ẹp lên bàn như con ếch cũng lên lớp. Đôi khi nhìn chúng anh không khỏi chạnh lòng. Giá mà chúng được thư thả mà học, dẫu ở lại lớp đôi năm đã sao. Biết đâu được cứng cáp hơn, chúng sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Người ta khinh thường cái cấp I quá, người ta nôn nóng xoá mù quá. Giáo viên cũng quá ngoan ngoãn vâng lời cấp trên quá hay họ không muốn mang tiếng chống đối nhà nước, không phục tòng chủ trương. Vâng, cái không khí ngột ngạt của những năm chưa đổi mới vẫn còn hầm hập trên não bộ con người hôm nay.
Anh không hiểu sao cái cách lùa cả học sinh kém lên lớp như vậy được gọi là hội nhập khi chúng tựa hồ bệnh lí thần kinh. Mấy cái chỉ tiêu buồn cười tỉ như không quá một phần trăm bỏ học, lên lớp trăm phần trăm… đã giết chúng không gươm dao. Chúng không lên lớp ư? Chính anh lãnh đủ trước nhất. Xã phê bình, rồi Phòng phê bình, Sở phê bình thì đục đất mà trốn cũng không xong. Chính anh sẽ chịu tội với nhân dân vì anh yếu kém không dạy chúng lên được lớp, vì anh chưa hết sức dạy dỗ chúng. Phải sáng tạo, phải tìm đủ mọi phương cách, trong cái khó phải ló cho được cái khôn, phải… phải… Nếu không, trò kém là tại thầy giáo, đó là điều anh đã nghe và nói lại đến trăm lần. Anh thì không muốn mình mang tiếng yếu kém. Ôi, cái lưỡi hái tử thần có tên gọi là Chỉ Tiêu đã và đang cắt đứt sinh mệnh thằng nhóc con giáo dục. Năm nào anh cũng nhăn nhó với giáo viên: Mình không hoàn thành chỉ tiêu trên giao mà được à? Điểm là trong tay mình, các thầy cô phải tạo điều kiện cho mấy cháu học tập chứ. Mình phải phụ đạo thêm, con em mình vốn chỉ có nhác thôi chứ rất hiếu học. Chí ít học sinh còn ngày nào ngồi trên ghế nhà trường là tốt ngày đó... Anh nói láo nói phỉnh một hồi quen miệng và giáo viên cũng thừa biết chạy trời cũng không khỏi nắng, cãi lại thủ trưởng ích gì. Cái gì đã, đang và sẽ xảy ra ai cũng biết chứ riêng chi anh. Mọi người đều biết và mọi người đều giả như không hay biết điều chi.
Khổ nỗi hơn nữa là mấy cái trường cấp I đã ban cho chúng những chiếc bằng tốt nghiệp. Chỉ tiêu xoá mù mà, lớp 1, 2, 3 không cho phép để học sinh lưu ban mà. Giáo viên đã cầm những chiếc liềm quá sắc và nhiệt tình hoàn thành chỉ tiêu trên giao nên đã không ngần ngại gì mà thu hoạch non các cụm lúa chưa chắc hạt. Lũ học trò đúng 6 tuổi được lùa tới trường ấy không có con vịt còi, vịt cọt nào cả chăng? Suy dinh dưỡng, suy tư duy là chuyện thường tình. Lực bất tòng tâm, thế mà mấy cháu tà tà lên lớp như vịt bị lùa ra đồng. Cái khó nhất của chúng là được lưu ban, kể cả dẫu bố mẹ chúng có gãy cả lưỡi năn nỉ. Năm năm sau, chúng lên lớp 6 có đứa không thuộc nổi bảng cửu chương 4, đọc sách vất vả như vác tạ gạo, có giáo viên báo cáo với anh thế. Còn anh, anh lại nỡ nào đuổi chúng ra cho chợ đời hắt hủi. Anh lại bắt giáo viên phụ đạo, lại dạy thêm, lại động viên, lại khuyến khích… Tất cả đều như tuyệt vọng.
Nói như Quát, một giáo viên địa phương, thường xuyên chủ nhiệm lớp 9 trong trường, là rất chân thành: E phụ đạo khoảng nửa lớp anh Dũng ơi! Lớp 9 chi mà giải phương trình bậc nhất không ra. Tụi nó lại không chịu học nữa, quen nề rồi, bó tay anh ơi, đầu tư nuôi dăm con gà đá để tranh giải học sinh giỏi là xong. Tụi nó thì mình đồn đôn cho chúng ra trường. Cấp I thả liều thì mình chết thôi. Đó anh không đọc báo nghe đài à? Học sinh lớp 6 đọc không ra chữ thiếu chi. Tui thách anh cho tụi nó ở lại lớp coi. Chúng bỏ học ngay. Mấy năm trước anh chưa về, tụi tui dạy lớp bổ túc còn xanh mặt. Để tui kể cho anh nghe. Anh thừa biết mà cứ giả đò như không. Con trai to hơn cả thầy giáo xách cái mạng tới không nói chuyện thì nằm ngủ. Con gái mười lăm, mười sáu to đùng đùng cái xác mà đọc chữ ì ạch  như vần cái cối đá, chi cũng không biết, đi học bữa đực, bữa cái rứa mà vào lớp học thì bạn trai đứng đợi ngoài cửa. Thầy giáo ở xa có ai chịu dạy đâu, giao cả cho giáo viên địa phương, mỗi người ôm hai ba môn học. Mỗi đêm thời khoá biểu bốn tiết còn hai, rồi gió mưa bão lụt. Chín tháng học còn lại bốn, năm. Mười mấy môn học còn năm, sáu… Nhớ lại, tụi tui đã lạnh cả xương sống. Thôi thôi, thủ trưởng ơi, cứ êm êm qua ngày…
Xét cho cùng, các đồng nghiệp cấp I của anh cũng chỉ muốn hoàn thành xoá mù cho các cháu thôi. Cái vòng luẩn quẩn hình như vô tận. Hay là vì thật sự anh yếu kém? Các trường bạn còn tệ hại hơn sao vẫn đều đều có thành tích cao. Cái làm khổ anh và các giáo viên là cái kết quả cuối năm hay cuối cấp. Một trường học tốt không thể chỉ 60, 70 phần trăm học sinh lên lớp. Có tay châm biếm lại bảo lứa này học sinh khá hơn lứa năm ngoái. Khá đâu khi giáo viên chấm bài của chính học trò mình với ba cây bút đỏ, xanh và đen. Sai đâu chữa đấy cho trên trung bình. Giáo viên có người gọi đó là độc chiêu trị bá bệnh: không mất lòng hiệu trưởng, được lòng nhân dân. Những bài kiểm tra dễ dãi, những giờ làm bài kỷ luật lơ là, và còn nhiều trò mèo nữa cứu chuộc các thầy cô giáo. Quả là anh không phải là không thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của họ. Nhưng nhiệm vụ của anh thì sao? Cả nước đang đi học, cả nước đang học tập…
Về sau để khách quan hơn, cả Huyện tập trung về chấm tại một hội đồng. Đâu lại vào đấy cả, có biến tướng một chút thôi. Dũng nhớ năm nào đó, đề Ngữ Văn phần tự luận là “Học sinh hãy trình bày cảm nghĩ của em khi đọc đoạn trích ‘Kiều ở lầu Ngưng Bích’ (gồm tám câu lục bát)”. Sau mấy vòng chấm thử và lấy phần trăm, kết quả vẫn không vượt quá 50 phần trăm. Lý do đơn giản là học sinh không làm được bài tự luận vốn đã chiếm đến 6/10 của biểu điểm. Câu không ra câu, nội dung thì nói lung tung chẳng ăn nhập gì với chủ đề. Cô Kiều cứ ngồi xuýt xoa mãi nỗi buồn lắm mối của cô khi nhìn thấy nhiều cảnh tượng chung quanh là một cái quá xa xôi với lũ học trò ăn chưa no lo chưa tới này. Các thầy cô bộ môn Văn đã ra sức “vạch lá tìm hoa, đãi cát tìm vàng” hay “gạn đục khơi trong” như gợi ý của cấp trên vẫn chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế. Giải pháp cuối cùng là cán bộ phụ trách Ngữ Văn của Sở đành liều mạng chỉ thị miệng, học sinh nào viết bài có đả động đến cô Kiều buồn là xem như đạt yêu cầu Trung bình của bài tự luận, ngoài ra tuỳ cách trình bày diễn đạt mà cộng thêm những điểm khác. Y nhấn mạnh, chỉ một chữ buồn là đủ thấy các em có hiểu bài, ta phải thông cảm vì các em tuổi còn nhỏ chưa hiểu được các loại nỗi buồn nhiêu khê đó.  Hú vía, thế là môn Ngữ Văn đã đạt dược chỉ tiêu 80 phần trăm là đà trên Trung bình như trên giao. Mọi người đều mừng húm, từ giáo viên chấm bài đến cả chủ tịch hội đồng giám khảo. Giáo viên thì đổ tại cấp trên bật đèn xanh, cấp trên thì bảo tại giáo viên ở dưới chấm thế. Ai đi lục bài để xem lại thực sự nó ra sao. Những chiến thuật chấm bài như thế, khi nặng khi nhẹ cứ tiếp diễn mãi những năm còn thi tốt nghiệp cấp 2.
Nhiều đêm Dũng nằm suy nghĩ vớ vẩn. Anh e rằng anh đã suy nghĩ lạc đường hay nói như một giáo viên dạy văn là anh nhìn cuộc sống xã hội bằng “Đôi mắt” Nam Cao: chỉ nhìn thấy phần hạn chế. Khối học sinh giỏi Huyện, giỏi Tỉnh, giỏi Quốc gia ra đấy mà. Lần hồi, xã nào cũng hai trường cấp 1, một trường cấp 2. Thời anh còn nhỏ đâu có mấy đứa trẻ học hết được cấp 3 như bây giờ. Trên Ti vi ngày nào lại không thấy các hoạt động giáo dục đang khởi sắc được giới thiệu. Ngay cả trường đại học cũng được thành lập ở mấy tỉnh nhỏ. Bộ họ nói láo sao? Nền giáo dục thực đang bừng bừng phát triển như hoa đào gặp nắng xuân. Đúng vậy, anh thầm nhắc đi nhắc lại cho cái não ù lì của mình ghi nhớ.
 


52 nhận xét:

  1. Cái này thì Giáo có kinh nghiệm quá rùi, vì đã từng bị dụ làm Hiệu Trưởng 2 năm, sau đó xin từ chức cho lẹ. Rùi lúc làm GVCN thì nhứt quyết cho ở lại lớp mấy em học kém, chịu búa rìu của các bác lãnh đạo và cả GV trong tổ vì bị ảnh hưởng chung, hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rùi lúc làm GVCN thì nhứt quyết cho ở lại lớp mấy em học kém, chịu búa rìu ... Chuyện như bạn nói "Xưa rồi Diễm ơi". Chừ không ai DẠI như bạn cả. Hi hi

      Xóa
  2. Trời, được làm hiệu trưởng chứ sao lại bị dụ.
    NT qua thăm anh đây, chúc anh ngày mới nhiều khỏe, vui.

    Trả lờiXóa
  3. "Cái khó nhất của chúng là được lưu ban, kể cả dẫu bố mẹ chúng có gãy cả lưỡi năn nỉ.".Kết quả của guy trình đào tạo này là xã hội ta ..."nhiều thầy hơn thợ và tiến sĩ giấy nhan nhản.

    Trả lờiXóa
  4. Món chuyên môn thì em biết rồi, món chuyên khoai em chưa biết, ngon lắm phải ko anh Ba ? Chúc anh Ba vui khỏe với nghề trồng người đáng quý trọng anh nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là anh Ba đã cho tôi tìm lại những ngày tháng cười ra nước mắt một thời(Bi chừ cũng còn đầy ra đó nhưng biến tướng tinh vi và cao cấp hơn).Thân

    Trả lờiXóa
  6. Càng về sau càng sâu, càng cay...!

    Trả lờiXóa
  7. Không biết gì thì tốt nhất là làm cha thiên hạ...Mấy cái chỉ tiêu buồn cười tỉ như không quá một phần trăm bỏ học, lên lớp trăm phần trăm… đã giết chúng không gươm dao! Hay, hay quá đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghĩ mà thương cho mấy cháu trẻ con bác ơi! Cứ bưng nó lên kiểu "Nhổ mạ cho lúa mau lớn" quá độc ác.

      Xóa
  8. Tết Huế vui không anh?
    Chúc gia đình anh an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tết mô nữa hè? Mình chẳng quan tâm gì Tết với không Tết.

      Xóa
  9. Sang thăm anh, vì em chỉ học hết lớp năm nên không biết gì về "lưu ban" cả. chúc anh luôn vui vẻ bình an anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lớp 5 cũng không được ở lại lớp đâu. Cho lên cấp 2 ngay.

      Xóa
  10. Từ năm ngoái đến năm nay mới lại đến giao lưu với bác VB, mà bác cũng vậy, rất hiếm qua nhà Red. Nhưng phải nói thật lòng là chơi blog phải có thời gian và phải sự trao đổi chia sẻ qua lại thì mới có hứng bác nhỉ. Dạo này Red mất hết hứng khởi để vào blog rồi bác VB ạ. Blog nhà Red vắng như chùa Bà Đanh thì nói chuyện với ai mà vào chứ hiiii...
    Bài viết rất đúng, Red thích cách tính giá tiền của 3 con chim hiii... Thời nay có rất nhiều con chim 10 triệu, chúng có cái giá đó là vì vốn của chúng bỏ ra nhiều hơn gấp nhiều lần 10 triệu hoặc là con cháu, anh em của những con chim 10 triệu khác.
    hiiiiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đôi khi mình cũng nản với blog như bạn. Không tìm được người cùng tầng số.

      Xóa
  11. Em đọc hai lần rồi Nhưng tối nay rảnh về đọc lại nữa đã. Phải đọc kĩ để có thể nhớ tuyến nhân vật mà mình đang theo dõi nữa anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đơn giản mà. Chương 1: Giới thiệu Luyến và Dũng; chương 2: Luyến; chương 3: Dũng.

      Xóa
  12. "Người chủ chim trả lời, không thứ tiếng nào cả nhưng nó là xếp của mấy con kia, nó không gật đầu thì không con nào dám nói. Chú em thấy không? Lù đù như chú em thì chỉ còn nước mà làm thủ trưởng, to nhỏ gì cũng được. Bổn phận của chúng ta là đè nén con em phía dưới."
    "Giáo viên cũng quá ngoan ngoãn vâng lời cấp trên quá hay họ không muốn mang tiếng chống đối nhà nước, không phục tòng chủ trương"
    .
    Chẳng " GIỠN' chút nào anh VB ơi. Sự thật có khi hơn thế nữa.

    Trả lờiXóa
  13. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Trên Ti vi ngày nào lại không thấy các hoạt động giáo dục đang khởi sắc được giới thiệu. Ngay cả trường đại học cũng được thành lập ở mấy tỉnh nhỏ. Bộ họ nói láo sao? Nền giáo dục thực đang bừng bừng phát triển như hoa đào gặp nắng xuân."

      ĐẤT NƯỚC TA ĐANG TIẾN NHANH, TIẾN MẠNH LÊN CNXH MÀ!
      RỨA MÀ HÌNH NHƯ CHƯA TIẾN VỮNG CHẮC HAY RĂNG KHÔNG RÕ, NÊN SAU NHIỀU NĂM HOÀ NHẬP, ĐỔI MỚI, GIỜ LẠI ĐANG ĐỊNH HƯỚNG LẠI KINH TẾ GIÁO DỤC XHCN CHƠ HÈ!

      Xóa
    2. Sao mà xoá đi xoá lại thế thầy giáo? Mình kể chuyện thật đó.

      Xóa
  14. Hồi 76-80 nớ cô Huệ nói cho chóng mày ngu vài thế-hệ.Cho lên lớp tuốt.té sau ni hoc theo cách của cô hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Co Huệ thì vậy rồi còn cô HH thì sao? Cũng nhắm mắt mà cho hs lên lớp thôi.

      Xóa
  15. Cháu theo chân chú, sang thăm "ngôi nhà" của chú nè chú ơi!

    Trả lờiXóa
  16. KÍNH ANH VB
    XIN ANH VUI LÒNG EM KO CÓ SET ĐC EMAIL CỦA ANH NÊN KO NHỚ EM MUỐN GỬI THÊM CHO ANH MỘT SỐ BÀI TRONG TẬP THƠ KHƠI XA
    ĐC EMAIL CỦA EM
    lamngoc201278@yahoo.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình khá bận nên e là kg giúp được NM. Email mình là nguyenphucvinhba@gmail.com

      Xóa
  17. Anh không hiểu sao cái cách lùa cả học sinh kém lên lớp như vậy được gọi là hội nhập khi chúng tựa hồ bệnh lí thần kinh. Mấy cái chỉ tiêu buồn cười tỉ như không quá một phần trăm bỏ học, lên lớp trăm phần trăm… đã giết chúng không gươm dao. Chúng không lên lớp ư? Chính anh lãnh đủ trước nhất. Xã phê bình, rồi Phòng phê bình, Sở phê bình thì đục đất mà trốn cũng không xong. Chính anh sẽ chịu tội với nhân dân vì anh yếu kém không dạy chúng lên được lớp, vì anh chưa hết sức dạy dỗ chúng. Phải sáng tạo, phải tìm đủ mọi phương cách, trong cái khó phải ló cho được cái khôn, phải… phải… Nếu không, trò kém là tại thầy giáo, đó là điều anh đã nghe và nói lại đến trăm lần. Anh thì không muốn mình mang tiếng yếu kém. Ôi, cái lưỡi hái tử thần có tên gọi là Chỉ Tiêu đã và đang cắt đứt sinh mệnh thằng nhóc con giáo dục
    -----------------------------
    Quá sâu sắc! Em chỉ biết nói thế thôi anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng ghi lại được thực tế nền GD của ta. AI cũng biết thế mà.

      Xóa
  18. Ngày xưa em học dốt lắm, phải sinh ra vào thời bây giờ thì em lên lớp đều đều rồi, sang tham chúc anh luôn bình an hạnh phúc anh nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui đón bạn. Bạn dốt hay giỏi có hề chi mô. Cái mình quan tâm kg là một cá nhân nào hết. Ghé chơi nhiều nghe.

      Xóa
  19. Trả lời
    1. Còn chứ bỏ thế nào. Năm ni thi 02 môn bắt buộc. Khoẻ re!

      Xóa
  20. Thầy ơi -cùng cái thời mà thầy viết đây -GIẢM bớt sĩ quan quân đội ,ai tương đương giám đốc về làm giám đôc ....ai tương đương chức vụ nào được về nắm chức vụ ấy ....không cần biết đến chuyên môn Và .....chỉ tiêu cho an ninh đạt thành tích trong bắt tội phạm ...nói ra nhiều lắm-chỉ thấy cay cay thôi thầy à -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tổ chức là chuyên lớn lắm. Ai dám bàn. Chuyện trường học con nít con ranh vui hơn.

      Xóa
  21. Em đang mong tập 12 đây bác VBa nờ,nhân vật nào cũng có cá tính cả thật hay .

    Trả lờiXóa
  22. Tập 12 khi mô mới đăng hở Bác ?

    Trả lờiXóa
  23. Trưa nay đọc đến đây, tói đọc tiếp. Dưng mà không nói chi cũng ngứa miệng: Khi bọn em đi chấm thi vào cấp 3, cách đây vài năm, có câu hỏi: Bài thơ "Thăm lúa" do ai sáng tác? (đây là câu kiểm tra về phần văn học địa phương. Câu trả lời đúng là Trần Hữu Thung. Nhưng khổ một nỗi là HS không nhớ, ghi là Nguyễn Hữu Thung, vẫn cho điểm. Rồi có em ghi là Trần Hữu Thông, vẫn cho điểm. Có em viết sai chính tả: Trần Hữu Thu, chỉ đạo thi vẫn bắt phải cho điểm.(vì điểm quá thấp) Cuối cùng, phụ trách chuyên môn văn đi thông báo một vòng: cứ thung thùng thủng chi cũng cho điểm hết, không cho thì lấy điểm đâu mà tổng hợp!

    Trả lờiXóa