Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (14)


 Chương 4

            Quát đứng nghênh nghênh dưới một gốc cây bằng lăng còi trước nhà bảo vệ, mặt hồng hồng và thả hơi rượu khi Vũ chạy xe vào. Mùa đông, cây bằng lăng này đã không còn nhiều lá nữa, xơ vơ như chàng giáo viên dưới bóng của nó. Ánh nắng chói chang của một ngày nóng bất chợt như mùa hè đổ hầm hập xuống sân trường đúc xi măng. Sân trường vắng vẻ như mọi ngày trong giờ vào học. Lại một học kỳ mới sắp trôi qua. Lũ học sinh đã vào lớp để truy bài 15 phút đầu giờ, râm ran tiếng nói chuyện lẫn tiếng ôn bài. Ngoài đường đất quanh hồ cá cuối góc trường vẫn còn sót mấy trò nghịch ngợm rượt nhau la ơi ới, tiếc rẻ chút thời gian vàng bạc còn lại để vui chơi. Nhìn cái hồ hoang hoá đã lâu, Vũ nhớ lại ông hiệu trưởng đời trước, một tay khôn ngoan lanh lợi gấp nhiều lần so với Dũng, ông hiệu trưởng hiện nay.
           
             
            Cứ gọi gã đàn ông sem sém 50 tuổi ấy là tên Đẻ Bọc cho tiện đi. Vả lại, ta nào sợ gì gã nổi khùng vì gã giờ đã bỏ cái ghế hiệu trưởng mạt rệp này, bỏ luôn cái ngành giáo dục mà gã từng ca tụng là ngành nghề cao quý thiêng liêng nhất trên trái đất ngao ngán này để đi ngồi vào cái ghế giám đốc ở một nơi cách xa ngôi trường này cả mười mấy cây số. Gã đã nhốt vào góc nhà chiếc xe Dream Nhật hơn ba chục triệu bạc gã mua cách đây non mười năm mà ngày đó các giáo viên trong trường thèm đến rụng tóc. Ngày ngày, gã ngồi xe bốn bánh, có tài xế lái tới cơ quan, vài ba tháng lại đi Thái Lan, Sing-ga-po… để tham quan học hỏi. Dạo gã làm hiệu trưởng, gã đã làm nhiều cô giáo yếu tim trong ngôi trường này nằm mơ thấy gã hằng đêm, hiện hình như một con ác quỉ. Ấn tượng giáo viên sợ lão muốn vãi đái trong quần này đã khiến gã mỗi lần gặp lại đồng nghiệp cũ gã cứ xoa xuýt, vuốt ve như từng yêu thương họ vô cùng và giờ đây cách xa lòng gã lại nhung nhớ họ vô vàn. Gã hầu muốn dùng những lời ngọt ngào đó làm chiếc dao, cạo sạch vết nhơ đáng ghét ngày nọ và để cầm chân họ lắng nghe gã khoe khoang những thắng lợi hôm nay. Láu cá đến rứa đó thì quá quắt mất. 
            Sách lược của gã đơn giản vô cùng: Bất cứ việc gì cũng chỉ hai bước. Bước 1: Nhà trường thừa lệnh cấp trên, được sự nhất trí của Đảng uỷ xã và tất cả vì học sinh thân yêu. Bước 2: Ai không chấp hành lệnh nhà trường là có tội với nhân dân. Xong xuôi, gã hò hét, thúc hối, bất chấp mọi việc cho kì hoàn thành. Gã đồng hoá bản thân gã với nhân dân. Gã bảo, đây là chiến trường, đạn đã lên nòng, phải xông tới. Tội nghiệp bọn phụ nữ nhát gan, bọn thanh niên tơ đời vội vàng làm theo lệnh của gã mà cứ giật mình như thấy gã đứng rình rập sau lưng. Không khí nhà trường hệt những năm mới giải phóng, hầm hập kỉ luật sắt và nơm nớp lo âu: Không chấp hành là có tội với nhân dân. Thật là một điều quá khó hiểu nhưng thôi, ai lại muốn mình có tội tày trời đó.
Lấy chuyện đào hồ cá để hiểu sách lược của gã là cách hiểu dễ dàng nhất. Hãy nghe gã nói: Theo chỉ thị của Phòng Giáo dục về Môi trường Xanh, Sạch, Đẹp, trường ta đã soát xét lại mọi hoạt động trường đã làm vừa qua. Xanh là cái chắc rồi. Trên hơn hai héc-ta diện tích của trường, ta đã trồng gần một ngàn cây lưu niên gồm bằng lăng, phượng, bạc hà, keo tai tượng…Năm sau, ta sẽ trồng thêm một ngàn cây nữa. Bây giờ cây chỉ cao quá đầu người nhưng dăm năm nữa trường ta sẽ xanh um, mát rượi như một khu rừng phòng hộ, bằng lăng sẽ nở tím ngát cả một góc trời, phượng sẽ đỏ rực cả sân trường… Sạch cũng là cái chắc. Một ngàn mấy học sinh và hơn sáu chục giáo viên cán bộ ngày nào cũng làm vệ sinh, phong quang trường sở thì trường ta dứt khoát phải sạch. Đẹp là điều chúng ta cần có biện pháp cụ thể hơn. Nhà trường đã qui hoạch được các lối đi, các khu vực cần xây dựng tiếp. Theo bảng qui hoạch đó, một hồ cá sẽ được đào ở góc phải trường, cách vườn hoa đội viên năm mươi mét (dù chưa ai thấy cái vườn này ở đâu). Một con đường nhỏ sẽ chạy men theo hồ cá, dọc lối đi này, các ghế đá do các em ra trường tặng lưu niệm sẽ được bố trí ở dưới những gốc cây lưu niên hiện nay ta đã trồng. Cây sẽ toả xanh, hoa sẽ nở thắm, bóng râm phủ xuống các ghế đá, học sinh có chỗ vui đùa và thầy cô có chỗ nghỉ ngơi trong các giờ giải lao. Ven hồ ta sẽ trồng thêm một số cây liễu rũ để làm khung cảnh thơ mộng hơn. Hồ sẽ được thả hoa súng, thả cá trắm cỏ do trường mua và cá địa phương do học sinh góp. Cá thu được sẽ bán gây quỹ “Giúp học sinh nghèo” Học sinh có nhiệm vụ nuôi là đương nhiên. Kinh tế ta có, cảnh đẹp ta có… Tôi đã trình bày với Đảng uỷ xã và được sự nhất trí cao của họ… Ta cần làm vì học sinh của chúng ta. Mươi năm sau, có những học sinh về lại thăm trường, thầy trò sẽ ngồi dưới bóng cây bên hồ cá hàn huyên tâm tình, nhìn ra bóng liễu rũ xanh và hoa súng nở tim tím ….
            Ôi, chỉ có thiên đường mới có cảnh đẹp hơn đây thôi. Mọi người đều nhất trí như thường lệ, có ai khù khờ gì lại đi chống đối một ước mơ tốt đẹp như thế. Hoạ là điên thôi. Nhân ngày Quốc phòng toàn dân, gã vận động thanh niên Xã đoàn ra quân đào giúp trường mấy thước đất đầu tiên. Còn lại học sinh đoàn viên và giáo viên toàn trường đào vào ngày Chủ nhật, được gọi là Lao động công ích. Không biết bao nhiêu Chủ nhật xám đó trôi qua với cơm đùm gạo bới cho đến ngày hoàn thành hồ cá sâu gần ba thước. Tay mềm chân yếu, nhếch nha nhếch nhác, bùn đất vương vãi, ho hen bổ té là những kỷ niệm thỉnh thoảng anh em còn nhắc lại với nhau. Gã còn trổ tài văn nghệ, soạn bản nhạc “Ao cá trường làng” và tập cho anh em ư hử trong lúc lao động để tạo niềm vui làm việc. Những ngày còn lại trong tuần cũng chẳng thư thả gì, lên lớp, thao giảng, dự giờ, góp ý, rút kinh nghiệm… không ngơi nghỉ. Khí thế đại công trường giáo dục hừng hực bốc lên. Tất cả vì học sinh thân yêu mà. Dạy thêm, phụ đạo, bồi dưỡng, ngoại khoá Ngoại ngữ, võ thuật… gã Đẻ Bọc nhét tuốt vào ngôi trường này. Lớp học sinh chiều tan, đã có học sinh lớp đêm rải rác đến. Thầy lẫn trò sốt vó chạy theo các kế hoạch dày đặc của gã. Tiếng tăm của trường vang dội sang cả các huyện khác.
            Đợt thả cá đầu tiên kết quả không đem về con nào. Nhân dân địa phương cùng cơn lụt thường niên đã quét sạch kể cả những con săn sắt. Đợt hai cũng chịu chung số phận. Đợt ba không khác gì. Cái xứ Huế này thì năm nào lại không đôi ba cơn lụt. Hơn thế nữa, loài cá thường không sống bằng các mơ ước hão huyền, mấy ngọn lá và cỏ vơ vất mà học sinh thả xuống trong các buổi lao động chăm sóc cá chẳng thể tăng trọng cho chúng. Lâu đài nuôi cá gây quỹ trong mộng tưởng của gã tan tành. Vườn địa đàng ở hạ giới cũng tiêu điều. Gã Đẻ Bọc bỗng tìm được con đường tiến thân mới: Làm giám đốc một trung tâm sắp hình thành của Huyện. Ấy cũng nhờ các thành tích mà lão gặt hái ở nơi đây. Lão quên lửng cái hồ. Cỏ lại mọc đầy ven hồ. Mọi người không muốn nhắc tới cái thời kì gian khổ đó nên a tòng lãng quên. Rác cỏ được lũ học sinh lười biếng tống xuống cho mau việc trong các giờ lao động. Gã Đẻ Bọc ra đi, Dũng về anh càng không thấy được cái mộng tưởng của người tiền nhiệm có chút ý nghĩa nào. Cỏ lại mọc xanh phía ấy của ngôi trường. Cây được đốn bớt vì quá dày chen lấn nhau không lên nổi.
            Thoạt đầu, Vũ cũng như các anh em giáo viên cũng chỉ cho rằng gã Đẻ Bọc thuộc loại người mơ mộng quá nhiệt tình, một nét đặc trưng của những người giàu tưởng tượng nhưng ít học thức. Giới này khi nắm quyền bính thường xây dựng lắm mộng tưởng hoa mỹ để tỏ ra mình rất tài giỏi. Về sau, mọi người mới bổ ngửa ra, nhận thấy rằng gã chỉ bày ra lắm chuyện chỉ để hành hạ anh em cho mềm ra, cho dễ bảo và cho gã dễ bề thao túng. Còn ai rảnh rỗi đâu mà nghĩ suy về các chuyện gã làm, xem thử chúng đúng hay sai. Hơn thế nữa, gã lại trăm mưu ngàn chước mới đáng nể chứ. Trong một kỳ hiến máu, gã xung phong đi đầu danh sách khiến không tổ bộ môn nào đăng ký thiếu cái chỉ tiêu cao ngút ngàn được trên giao. Đến ngày hiến máu, gã than thở với anh em rằng mình bị bác sĩ từ chối vì hôm qua đi chảy, uống lỡ mấy viên trụ sinh. Rốt cuộc lại, trường vẫn vượt chỉ tiêu (đã được trừ hao) trên giao dù thiếu đi ngài thủ trưởng khoẻ mạnh và nhiệt tình. Mấy ngày sau, một giáo viên đi hiến máu đợt đó kể chuyện, anh em trong trường mới hiểu ra. Tay này đau bụng đi chảy thật sự, y đã kể việc bị từ chối hiến máu cho gã Đẻ Bọc nghe. Gã tức tốc chộp ngay kế sách đó và áp dụng bài học quí giá trên vào thực tế trước mắt để trốn cái nghĩa vụ mà gã đã hết lời ca tụng là cao cả  này. Quả là danh bất hư truyền!
            Gã Đẻ Bọc mưu mẹo lắm thứ chuyện khác nữa, kể cả việc vui chơi. Số là gã mê vô cùng cái món bài tiến lên. Lẽ tất nhiên đánh bài mà không ăn tiền thì còn gì là thú vị. Đồng tiền giúp cho các cơ bắp ít mỏi mệt hơn dù ngồi suốt cả đêm liền. Lão đúng là bậc chuyên viên môn tiến lên. Mỗi buổi tan trường là gã kè một số giáo viên ở lại để thư giãn sau những giờ dạy mệt nhọc. Vui chơi sau giờ hành chính mà, tội lệ gì, lão nói. Phần muốn lấy lòng thủ trưởng, phần thì muốn an thân, các giáo viên bữa ăn bữa thua, nhẹ nhàng nộp không biết bao nhiêu lương tiền cho chiếu bạc. Gã gần như không bao giờ thua. Tên nào liều mạng chặt heo cơ* của thủ trưởng dứt khoát sẽ nhận đủ một bài học về sách lược đánh bài tiến lên. Nào trường kỳ mai phục để ăn ba mù, nào đả thảo kinh xà để dụ heo cơ, nào vu hồi để chiếm thế thượng phong … tùm lum chiến thuật như một đại tướng xuất trận ngày xưa. Cuộc chiến không cân sức giữa thủ trưởng và các nhân viên luôn luôn dành phần thua cho các tiểu đệ. Năm ba chai bia và vài lát lòng được gọi là món chiêu đãi của người thắng cuộc. Vũ cũng không thoát khỏi cái thiên la địa võng của gã. Anh còn nhớ những chiều nhịn đói để đánh bài, và khi sạch túi, bụng xép ve thì bươn xe, lội những con đường bùn lầy để thoát về nhà. Thành, một giáo viên chiến hữu tiến lên khác, thì ăn nói văn hoa hơn, “Trên đường thủ trưởng ta đi nở không biết bao nhiều sòng tiến lên và la liệt không biết mấy xác chiến hữu.”
            Nghĩ lại Vũ cũng xót cho thân mình và các anh em khác. Đơn giản là không ai có ý chống lại “nhân dân” của lão Đẻ Bọc. Nhân dân ở đâu nào ai biết nhưng đại diện của họ dứt khoát là lão Đẻ Bọc. Lão có tên trong Hội đồng nhân dân xã mà. Lão lại là đảng viên duy nhất trong trường thời ấy. Lâu lâu lão đi họp chi bộ ghép với mấy trường bạn trong xã, anh em lại được nghe nghị quyết của bên đó. Tháng nào họp hội đồng, lão cũng điểm tin báo Nhân Dân cho giáo viên nghe nửa tiếng đồng hồ. Sau cái ngày Mỹ bị đánh sụp toà tháp đôi, trong buổi chào cờ đầu tuần, lão hớn hở nói thầy trò, ngay tại Niu- Oóc đế quốc Mỹ còn bị đánh cho xanh mặt toá máu. Công tác chính trị là thống soái mà. Anh em sợ sút dép.  Ui, choà choà, ai nghe lão mà không sợ mới lạ. Lão cứ như anh cánh sát giao thông, dùi bên hông, còi trên miệng, tay phải cầm biên lai, tay trái phẩy phẩy, anh em như chú tài xế đành chịu trận. Lão thường nói, nhân dân tin tưởng các thầy cô, giao con em cho thầy cô. Các thầy cô dạy chúng học mà không lên lớp là có tội với nhân dân. Hi hi, thôi cứ chấp hành thượng lệnh là xong.
Riêng có Dĩnh, bây giờ là Hiệu phó, thì vẫn xác tín vào mơ mộng của lão Đẻ Bọc. Cô nói:
            - Không ai nhiệt tình như anh ấy. Tiếc là anh chẳng còn ở lại với ngành. Có cái gì anh không xăng tay áo vào làm. Có anh trường rộn ràng cả lên, chứ có đâu êm êm như bây giờ. Trường phải gắn với địa phương, với nhân dân mới có tính xã hội chủ nghĩa.
            Nói cho tội, lão Đẻ Bọc cũng có làm, Tuy nhiên, mới nửa tiếng sau là đã có công vụ. Lão phải đi lo công vụ. Ai biết được cái công vụ đó ở đâu, với ai. Cán bộ mà. Vũ nhớ có lần trong Đại hội Cán bộ công nhân viên chức đầu năm học, lão bảo, các thầy cô không phải là cán bộ đâu, chỉ là viên chức thôi. Cán bộ là tụi tui nè, có phụ cấp chức vụ mới gọi là cán bộ. Ôi thôi rồi, anh em ngã ngửa ra. Trong cái trường chút chút xã hội chủ nghĩa này cũng đã hai ba hạng người rồi. Cái xã hội đại đồng cụ Mác nói bao giờ mới chộ đây?
* Heo cơ: Con 2 cơ, lá bài lớn nhất khi đánh Tiến lên.


28 nhận xét:

  1. Chúc anh Ba chiều cuối tuần vui
    Festivan Huế chắc đã gặt nhiều thành công anh hè ? (~_~)

    Trả lờiXóa
  2. Ông Ngô Hòa,trưởng ban tổ chức đọc diễn văn bế mạc dài lê thê tổng kết....đủ biết festival đã thành công rực rỡ,sao lại lỗ hở anh ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, họ nói răng mình nói lại rứa. Mình có biết chi trong chăn mô.

      Xóa
  3. "Vũ nhớ có lần trong Đại hội Cán bộ công nhân viên chức đầu năm học, lão bảo, các thầy cô không phải là cán bộ đâu, chỉ là viên chức thôi. Cán bộ là tụi tui nè, có phụ cấp chức vụ mới gọi là cán bộ."
    Hèn chi thời đó, ai cũng thích được công nhận là CÁN BỘ anh VB nhỉ.
    Thời nay họ thích làm ĐẦY TỚ NHÂN DÂN nghe nó khiêm nhường hơn thì phải.

    Chúc anh cuối tuần có nhiều niềm vui.

    Trả lờiXóa
  4. Nghe nói bí thư tỉnh uỷ mặc hoàng bào để tế Đàn Nam Giao mà lỗ gì anh ? Lỗ là ta lỗ vật chất thôi nhưng ta vẫn được " thắng lợi tinh thần ", cái đấy mới là quan trọng, hehe ! Chúc anh những ngày nghỉ lễ dài ( 05 ngày) vui vẻ, nhờ nhà nước quan tâm tới sức khoẻ nhân dân ta mới nghỉ được dài vậy đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bí thư tỉnh uỷ mặc hoàng bào thì Chủ tịch nước mặc áo chi hè?

      Xóa
  5. Sách lược của gã đơn giản vô cùng: Bất cứ việc gì cũng chỉ hai bước. Bước 1: Nhà trường thừa lệnh cấp trên, được sự nhất trí của Đảng uỷ xã và tất cả vì học sinh thân yêu. Bước 2: Ai không chấp hành lệnh nhà trường là có tội với nhân dân. Xong xuôi, gã hò hét, thúc hối, bất chấp mọi việc cho kì hoàn thành. Gã đồng hoá bản thân gã với nhân dân. Gã bảo, đây là chiến trường, đạn đã lên nòng, phải xông tới. Tội nghiệp bọn phụ nữ nhát gan, bọn thanh niên tơ đời vội vàng làm theo lệnh của gã mà cứ giật mình như thấy gã đứng rình rập sau lưng. Không khí nhà trường hệt những năm mới giải phóng, hầm hập kỉ luật sắt và nơm nớp lo âu: Không chấp hành là có tội với nhân dân. Thật là một điều quá khó hiểu nhưng thôi, ai lại muốn mình có tội tày trời đó.
    -------------------------------------------
    Anh Vĩnh Ba ơi, còn chân dung nào thật hơn thế nữa anh cứ viết ra đi. Em bái phục nghệ thuật khắc họa tính cách và tâm lí nhân vật của anh đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CTT nào đây? Mình qua blog bạn, không thấy ô comment. Đọc bài Thú tội cũng không hiểu ra ngô ra khoai thế nào. Trên mạng ảo mà bạn e ảo không kém đó.

      Xóa
  6. Gã đồng hoá bản thân gã với nhân dân... ...không ai có ý chống lại “nhân dân” của lão Đẻ Bọc. Nhân dân ở đâu nào ai biết nhưng đại diện của họ dứt khoát là lão Đẻ Bọc. Lão có tên trong Hội đồng nhân dân xã mà. Lão lại là đảng viên duy nhất trong trường thời ấy... Hay!

    Trả lờiXóa
  7. Dùng cái tên Đẻ Bọc thật là hay.Ngày xưa rất nhiều Đẻ Bọc,nhưng ngày nay Đẻ Bọc biến tướng thành Đẻ Bọc điều rồi,như lũ kì nhông thay đổi màu,nhưng mục đích cũng chẳng khác gì nhau.Thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tên Đẻ Bọc này đi đúng bài bản nên anh em gv xanh xương, TH ạ.

      Xóa
  8. Chúc anh ngày cuối tuần an vui!

    Trả lờiXóa
  9. Anh xem blog của em đã bao năm nay mà còn không nhận ra Thủy nào là thật, là giả nữa sao? Người ta hết ăn cắp tài khoản của em rồi đến giả Blog của em. Bài "Thú tội" em copy lại cái Blog giả đó rồi vạch tội giả Blog của nó mà anh đọc không hiểu à?Anh khộng phân biệt được phần nào là copy và phần nào là em viết à? Nhiều từ em để trong ngoặc kép là những từ ẩn ý đó anh ơi. Còn em tạm ẩn phần nhận xét là do thấy ai vào nhận xét nhà em là chúng sẽ theo chân người đó vào xả rác nhà họ. Cái này thì chắc anh Rhum có kinh nghiệm hơn anh đó vì anh ấy bị rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CTT ơi, mình vào blog chỉ đọc bài chứ ít quan tâm đến cuộc sống riêng tư của chủ nhân. Vì vậy mình hơi sơ sài. Theo mình, ai lấy blog của mình thì làm blog khác, báo cho bạn bè biết đã bị HACK cái cũ. Chắc kg ai rảnh mà đeo theo hoài. Thôi, chúc bạn có được bình an và vui với anh em thân tình.

      Xóa
  10. NT ra đọc " Giỡn chốn sân trường" anh đây. Câu chuyện nầy còn dài chứ anh? Một thời để nhớ, một thời trông quên là vậy đó.
    Chúc anh vui, khỏe.

    Trả lờiXóa
  11. Một tác phẩm giải trí đầy ý nghĩa !
    Chờ anh xuất bản nhé !

    Trả lờiXóa
  12. Anh Vĩnh Ba nghỉ lễ vui vẻ và viết tiếp GCST- 15 nhé! Em đang chờ kiểu nhân vật hai mặt của anh Vĩnh Ba đó, nghĩa là bên ngoài thì tỏ vẻ rất quan tâm, lo lắng cho đồng nghiệp, nhưng bên trong là ganh tị, hiềm khích nhưng rất tinh vi. Em chờ anh nhé! Trường em cũng có loại nhân vật này nhưng em không biết miêu tả thế nào cho không lộ mà người đọc vẫn có thể nhận ra. Em nghĩ chỉ có anh Vĩnh Ba làm được thôi. Nếu mô tả nhân vật này, chắc cần nhiều chương vì phải qua nhiều sự việc, mọi người mới nhận ra phải không anh Vĩnh Ba? Em cũng không biết nữa. Viết văn khó quá anh ạ!

    Trả lờiXóa
  13. Sang thăm anh để đọc tiếp GCST đây, chúc anh nhiều sức khoẻ và luôn bình an anh nhé.

    Trả lờiXóa
  14. Hihihi Tình cờ qua đây đọc bài viết của chủ nhà học được những điều để về nhà bắt tây lên trán xem thử đúng không?
    1) Làm quan phải biết làm “mẹo” .( Dùng từ triết học gọi là mị he he he)
    2) Làm quan phải biết mượn khiên để đỡ (Ngày xưa các cụ nói lấy dân làm gốc he he he)
    …thôi. Mệt! Chúc chủ nhà vui! He he he

    Trả lờiXóa
  15. Anh vẫn chưa viết tiếp sao? Em chờ mãi!

    Trả lờiXóa