Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (16)


              Vũ đứng phắt dậy khi nghe tiếng trống vào lớp mặc hai thằng say kia nói dai. Quả là anh cũng thấm mệt với nghề đi dạy thời này. Anh thấy trời dường như nóng hơn những ngày khác. Khí hậu trái đất này cũng nổi chứng nổi khùng trong mấy năm gần đây, đố ai biết khi nào nóng khi nào lạnh. Hôm nay nóng tá hoả thế nhưng ngày mai không chừng rét run rồi đấy. Thiên nhiên cũng đổ điên, nói chi con người. Mà giáo viên sao dạo này đổ đốn thế nhỉ? Anh bước vào ngang cầu thang thì bỗng dừng lại. Hai tấm bảng nằm trong lồng lưới sắt thường được hai tổ Toán Lý và Văn Sử dán các bài viết cho học sinh tham khảo được gọi là Câu Lạc Bộ trông lạ hẳn. Thì ra đứa học sinh nghịch ngợm nào đã lột bớt vài chữ để biến chúng thành CLB ăn học và CLB oán học. Ranh thật, thế mà học hành lại chẳng ra làm sao, Vũ tự nhủ. Hai cái Câu lạc bộ này từ lâu đã không có một bài viết nào để thông tri với học sinh thì ăn với oán cũng đúng đấy. Anh tự cắn nhằn, làm cái hình thức cho oai mà cũng không xong.

Anh chào cả lớp rồi ngồi xuống bàn, lật sổ đầu bài ghi nhanh bài sắp dạy và ghi bài giảng mới lên bảng. Thằng Bờm Xờm Một đầu bàn thừa lúc anh xoay lưng lại viết bảng lại quay qua kéo vở bạn bên cạnh. Nó là một trong tám thằng hết thuốc chữa của lớp này. Thằng Tửng Tửng Một bị kéo vở thì cười hăng hắc. Mấy tay khác định hả mồm cười theo thì Vũ đã kịp quay lại.
Mới lớp 6, những hảo hớn này đã hạ quyết tâm xếp bút nghiên theo việc rong chơi. Vũ không biết có nên gọi chúng là có vấn đề nào đó về tâm thần không. Ở các lớp khác, chỉ có hai ba đứa mỗi lớp nhưng sao lớp này lại tập trung lắm thế, đến một phần tư lớp. Điển hình trong bọn chúng mà anh đành bó tay là thằng Bờm Xờm Một. Ba mươi năm trong nghề cũng chẳng giúp gì được anh. Không giờ nào nó để cho anh và các bạn nó yên. Lẽ tất nhiên nó không ghi bài, học bài gì cả, cứ xoay qua trở lại quấy phá đây đó. Thỉnh thoảng, nó chụm tay làm còi thổi hu hu hay nhẩm nha hát nho nhỏ. Anh rầy la nó, nó nhìn lại anh và toét miệng cười vô tư lự. Hai phút sau, nó lại đấm tay mấy cái xuống mặt bàn hoặc quay về bàn sau nhòm vào vở bạn, chỉ chỏ lung tung. Đôi khi nó lại oằn oại vặn người trên bàn như một con  trùn đang trườn trên mặt đất khô. Thấy không ai để ý, nó lại nhẹ nhàng bỏ bàn của nó, tá vào một bàn khác gạ chuyện nho nhỏ với bạn. Nó lắm trò thật. Có hôm, nó kiếm đâu ra bộ răng ác quỷ xanh lè. Nó gắn vào mồm và đi khắp doạ dẫm lũ con gái nhát gan trong lớp.
Nhiều lần anh tức điên lên nhưng cố sức ghìm lại, lỡ mà bạt tai nó một cái không khéo nó lại sưng cả mặt thì ồn chuyện. Đánh nó bằng thước kẻ, anh cũng ngại không kiềm chế nỗi cơn giận mà đi quá đà. Thuyết giảng với nó chỉ bằng thừa. Nó như một người cõi khác, đến đây để vui chơi, đùa bỡn với anh. Lần đầu, Vũ quyết định cho nó lên đứng phạt ở bảng đen. Thế là cả lớp được một trận cười. Áo quần lếch thếch, nửa trong, nửa ngoài, nó vất đôi dép chạy chân không lên bảng. Nó rất vui vẻ, hoạt kê, nhìn bạn bè một cách tươi tắn rồi đứng ở đấy, đầu lúc lắc qua lại, cơ hồ không lo lắng gì.
Thằng Tưng Tửng Một và các hảo hớn khác nhanh chóng nhận ra hoạt cảnh khôi hài trên, cười hớn hở. Anh gõ thước xuống bàn. Cả lớp im lặng được mươi phút rồi ồ lên cười lại. Thì ra thằng Bờm Xờm Một đang múa may làm trò, khi gãi đầu, khi nheo mắt….
Anh quát lớn:
- Tập trung học! Ai cười theo bạn ấy thầy phạt luôn.
Tuy nói vậy, anh cũng chẳng thể phạt ai. Thằng Bờm Xờm Một lại táy máy tay bật công tắc hệ thống quạt trần. Cả lớp lạnh ngắt vì hôm ấy trời rét. Mấy chục đứa lại la lên, lạnh quá thầy ơi! Lần sau, anh bắt nó đứng ở hành lang trước cửa vào. Nó chạy đâu mất, rồi xuất hiện ở cửa sổ, cười hì hì với bạn. Mấy đứa Bờm Xờm và Tửng Tửng khác theo dõi mọi hành vi của nó sát sao. Chúng dồn mọi chú ý vào màn hài kịch sống động ấy. Đó là mới riêng thằng Bờm Xờm Một. Lớp Sáu E này có đến tám ông tướng như vậy với một số tiểu đệ ham vui ăn theo. Việc học chỉ dành cho cái thiểu số nết na, chăm chỉ còn lại, đếm không hết mười ngón tay. Đây chính là niềm an ủi, là chỗ dựa cho anh. Thiểu số này cũng khổ đau như anh khi phải sống chung với các “hảo hớn” đó. Càng ngày số trò lười nhác tăng lên, sức lôi kéo càng lớn cuốn các bạn khác vào trạng thái lơ đãng không theo dõi bài học. Chúng cứ ngồi yên nhìn mông lung ra ngoài lớp hoặc một ngỏ ngách nào đó trong lớp, không một chút nghe đến lời thầy cô giảng bài. Cái xấu muôn đời vẫn dễ lây lan và hấp dẫn người khác là thế. Nhưng thực lòng mà nói, tụi nó cũng không phá phách đến độ phải kỷ luật đuổi học. Chỉ sợ là răn đe, trừng phạt gì đó, không tính toán kỹ khiến chúng tự bỏ học thì mệt cả trường. Biện pháp hay nhất vẫn là giả lơ để duy trì số lượng. Đếm đi đếm lại, khoảng một phần ba trong lớp là tạm đủ trình độ tiếp thu bài học. Vũ thấy các tiết dạy của anh ngày càng nhạt nhẽo, khô khốc với một lớp học ngày càng ngất ngư suy sụp. Trò càng lười, anh càng chán, lớp càng buồn tẻ, mọi sinh khí như sắp lìa khỏi cõi trần gian nhỏ bé này. Tuy nhiên, anh vẫn nhớ, nhiệm vụ của anh là phải 70 phần trăm học sinh trên Trung bình.
Vũ đặt viên phấn xuống bàn, nhìn xuống lớp, dằn lòng lại và toan giảng bài mới. Trên bàn, chiếc bình hoa nhựa còn trơ trọi một chiếc bông đỏ tươi bên cạnh 9 cái cọng sắt chỉa ra tứ phía trông như mớ kẽm gai. Chiếc khăn bàn màu lục lủng đâu hai ba lỗ, phủ xiên xẹo và loang lỗ phấn. Trên tường, tấm bản đồ Việt Nam bị xé mất Nam bộ, các panô “Năm điều bác Hồ dạy” hay “Thư bác Hồ” cũng bị học sinh gỡ bớt chữ như hai cái Câu lạc bộ ngoài kia. Đã hơn tháng nay chúng vẫn thế. Nhiều phòng học cũng ở trong tình trạng xơ xác này. Họp hành, giáo viên phản ảnh mấy lần mà vẫn chưa thấy nhà trường tu sửa. Mấy cái đồ tạp nhạp cho thêm đầy bàn, chật lớp, anh thầm nhủ. Nỗi bực mình mà các ngày qua anh đè nén được như đang chồm lên, chực vật ngã anh. Anh tự bảo thầm, càng tức càng mau mệt, mình cũng chẳng làm nên nỗi gì. Còn một năm nữa về hưu, thôi gắng đi, cứ nhắm mắt lại xem như mình đang ở trong một vườn hoa kiều diễm và ngát thơm. Anh  nhìn xuống lớp, mong mỏi tìm ra chút bình an. Anh càng bực mình hơn khi thấy những khuôn mặt ngờ nghệch trong lũ học trò thân yêu của anh. Ồ, có mấy đứa lại nằm chẹp ẹp xuống mặt bàn.
Thuý, giáo viên chủ nhiệm lớp Sáu E này, dù mới ở trong nghề có mười năm nhưng cô hiểu được tâm trạng của Vũ nhất. Thỉnh thoảng, cô đi chung xe với anh và tâm sự:
- Ông ngoại ơi, đừng để tâm nhiều đến sự nghiệp giáo dục của ta nữa. Nói chi thì nói, trường ta hết chỉ tiêu giảm số lượng rồi. Tụi nó có nằm ngủ trong lớp thì cũng ráng mà chịu cho hết năm học. Trường học thân thiện mà. Phải lấy động viên, phải lấy thuyết phục mà giáo dục học sinh.
Vũ cay đắng trả lời:
- Thầy biết chứ. Có làm chi thì cũng khuấy tay trong bọc quần mình thôi. Nhưng cô có thấy đó là một sự đầu hàng nhục nhã không? Thầy giáo bây giờ lại sợ học trò không học bài, không đi học… Ra một cái đề kiểm tra, thầy phải ra sát đối tượng, phải làm sao cho học trò làm được còn yêu cầu bộ môn thì bỏ vào giỏ rác, cô có thấy tức cười không? Thầy có cảm giác là thầy cô mình đang năn nỉ các em học giùm cho họ. Có đâu chỉ trường mình, có đâu phải chỉ năm nay. Tôi sợ quá. Mỗi ngày bệnh một lây lan. Cô có thấy không?
Thuý đồng tình, đáp:
- Em đã đui đâu thầy ơi! Tụi nó có đứa có muốn học cũng không được. Mấy năm ni, chúng chơi đùa quen thân mất nết đi rồi. Học răng cũng lên lớp trăm phần trăm, chừ hỏng cẳng  rồi có với lại kịp đâu. Vào lớp là tụi nó nằm chẹp ẹp lên bàn gần nửa lớp, viết cúi đầu sát quyển vở, bút cầm tận viên bi... Em nhắc từ đầu năm tới giờ mới được vài đứa chịu bỏ.
Vũ tìm cách pha trò cho đỡ căng thẳng:
- E đó là tư thế ngồi học cải cách. Rứa còn sách để trên bàn, đứng cúi đầu cong xuống để đọc, viết chữ thư pháp trèo đèo lội suối chẳng ai đọc ra,... Chu choa là tám vạn thứ. Dạy học sao mà như thả trâu vô rú. Khối Sáu tui còn doạ cho ở lại lớp chứ mấy thằng khối Chín nữa mới ngán, cô Thuý ơi. Tụi nó liều cái mạng trẻ ra, thưa thầy em không thuộc bài, thầy cho mấy cũng được…
Thuý chen ngang:
- Thầy ráng mà cho tụi nó đủ Trung bình nghe, không thì trường bắt đền thầy đó.
Vũ cãi lại, tửng tửng nói:
- Làm sao bắt đền quần chúng không ưu tú như thầy trò mình được? Bọn tạp nhạp như thầy trò mình thì sản phẩm phải tam toạng thôi. Mấy tay ưu tú được phân dạy khối 9 mới khóc ròng, Thuý ơi. Tụi khối 9 nó cứ liều ra. Thầy dạy hai lớp 9 mà nhiều lúc chết đứng với chúng.
Như gãi đúng phải chỗ ngứa, Thuý nhận xét:
- Cái đất nước ni khi mô cũng nói đoàn kết mà người cũng chia làm hai loại: ưu tú với không ưu tú. Dựa vào tiêu chuẩn mô mà cứ nói khan, thầy hí!
- Cô lạc hậu quá. Tiêu chuẩn nông dân, công nhân chứ tiêu chuẩn gì. Cô lo mà dạy đi, đừng có xía vào chuyện chính trị. Đời còn trẻ nên biết phấn đấu. Mai mốt làm to cho thầy nhờ đôi chút với.
Thuý cụt hứng, quay lại chuyện dạy dỗ:
- Rứa thầy có cấy điểm cho chúng không? Chỉ tiêu là chín mươi lăm phần trăm tốt nghiệp đó. Thầy nhớ lấy!
- Thêm mãi điểm cho chúng, tui đổ ớn. Tụi nó cũng biết mình kẹt thế nên làm liều. Lão Dũng còn doạ mình, không có học trò thì mấy thầy dạy ai. Cứ nghe trống vào mấy cái lớp đó, tui chết hơn nửa người. Tui còn gặp mấy thằng giả đau, nằm dài trên ghế nữa. Tui giả lơ cho yên việc. Chứ biết làm răng?
Thuý an ủi, nói:
- Phải cho một nửa cái trường này xuống lớp dưới hoạ may mới dạy nổi, thầy ơi! Có đứa phải sụt hai lớp cũng học không nổi nữa. Khổ quá thầy hí! Chỉ tiêu chưa xong đầu đã bạc. Có ai biết tình cảnh thầy trò mình không hè?
Vũ hài hước, trả lời như trong phim:
- Cô hỏi tui thì tui biết hỏi ai?
Vũ miên man suy nghĩ. Biết đâu là anh sai? Các suy tư của anh thuộc vào thế kỷ hai mươi, nó lạc hậu rồi. Nào học như thuyền đi ngược nước, không tiến thì lùi. Nào nhân bất học bất tri lí. Nào giáo bất nghiêm, sư chi noạ. Nào lớp học là chiến trường, kẻ thù là sự ngu dốt, sách vở là vũ khí… Bao điều anh xác tín từ lâu nay hoàn toàn xếp xó. Anh không đồng điệu với cái xã hội ni. Trường học không nhằm đào tạo những con người biết tư duy và có tư duy độc lập. Các điều rao giảng trên các pa-nô, khẩu hiệu chỉ để lừa nhau. Tụi nhóc đang bị lùa đến đây để mà vui chơi, càng vui càng tốt, vâng chỉ có thế. Chúng hầu như không có khả năng động não, chúng chỉ ròng muốn hưởng thụ. Chúng có muốn ở nhà cũng chẳng yên. Chúng muốn lưu ban để học lại cũng không được. Ở đây không còn sự đồng cảm giữa thầy và trò. Cái mà anh và các đồng nghiệp cần tâm niệm và ghi nhớ từng giờ từng phút là các chỉ tiêu trên giao, các con số từ một tổ chức không làm công tác giáo dục. Anh vẫn nhớ như in ông hiệu Dũng từng nói, ai trả lương cho mấy thầy cô mà mấy thầy cô không thực hiện được chỉ tiêu trên giao.
Có hôm anh đi Đà Nẵng chơi, gặp mấy tay bạn cũ. Họ kể chuyện gọc trò ngủ quên không đi thi, giáo viên chủ nhiệm phải chạy xe về nhà chở học sinh đến trường kiểm tra học kỳ. Anh không tin, bảo đâu có chuyện quá đáng như vậy. Rứa còn chi thể thống giáo viên. Tụi nó cười ầm lên, đáp, lạc hậu quá cậu ơi! Trường nào ở đây không có, giúp đỡ thân thiện với học sinh mà. Trường tao nè, trường tao nè,… Rứa mới đủ chỉ tiêu chứ. Anh đành chịu thua và nói, học trò ngoài mình ngoan hơn, có đi thi nhưng bỏ giấy trắng thôi. Cũng đành nhắm mắt cho nó vài điểm.
Nghĩ lui nghĩ tới, anh cảm thấy quá bức xúc, buột miệng nói với Thuý:
- Thôi, con gái ơi! Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày. Đó là phận bố con mình. Vô lẽ, khoẻ mạnh ri lại muốn về vườn xin cơm vợ?

33 nhận xét:

  1. Hii,chuyện GD với chỉ tiêu trên giao ,các thầy tìm mọi cách dối lừa để đạt đã đưa nền GD ta đến những Tiến sĩ,Bác sĩ nhiều nhất thế giới còn gì hảnh diện hơn nữa mà mệ Ba than dữ rứa hè!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng mừng là đất nước có nhiều TS, ThS "dỏm" đấy chứ. Mình kg có nên hơi đố kỵ.

      Xóa
  2. Anh Vĩnh Ba ơi, em thú vị với mấy câu này quá:
    -Thì ra đứa học sinh nghịch ngợm nào đã lột bớt vài chữ để biến chúng thành CLB ăn học và CLB oán học. Ranh thật, thế mà học hành lại chẳng ra làm sao, Vũ tự nhủ. Hai cái Câu lạc bộ này từ lâu đã không có một bài viết nào để thông tri với học sinh thì ăn với oán cũng đúng đấy
    -Việc học chỉ dành cho cái thiểu số nết na, chăm chỉ còn lại, đếm không hết mười ngón tay.
    -Tuy nhiên, anh vẫn nhớ, nhiệm vụ của anh là phải 70 phần trăm học sinh trên Trung bình.
    -Tụi nó có nằm ngủ trong lớp thì cũng ráng mà chịu cho hết năm học. Trường học thân thiện mà. Phải lấy động viên, phải lấy thuyết phục mà giáo dục học sinh.
    -Thầy giáo bây giờ lại sợ học trò không học bài, không đi học… Ra một cái đề kiểm tra, thầy phải ra sát đối tượng, phải làm sao cho học trò làm được còn yêu cầu bộ môn thì bỏ vào giỏ rác, cô có thấy tức cười không? Thầy có cảm giác là thầy cô mình đang năn nỉ các em học giùm cho họ
    - Thầy ráng mà cho tụi nó đủ Trung bình nghe, không thì trường bắt đền thầy đó.
    -Rứa thầy có cấy điểm cho chúng không? Chỉ tiêu là chín mươi lăm phần trăm tốt nghiệp đó. Thầy nhớ lấy!
    -Trường học không nhằm đào tạo những con người biết tư duy và có tư duy độc lập. Các điều rao giảng trên các pa-nô, khẩu hiệu chỉ để lừa nhau. Tụi nhóc đang bị lùa đến đây để mà vui chơi, càng vui càng tốt, vâng chỉ có thế. Chúng hầu như không có khả năng động não, chúng chỉ ròng muốn hưởng thụ. Chúng có muốn ở nhà cũng chẳng yên. Chúng muốn lưu ban để học lại cũng không được. Ở đây không còn sự đồng cảm giữa thầy và trò. Cái mà anh và các đồng nghiệp cần tâm niệm và ghi nhớ từng giờ từng phút là các chỉ tiêu trên giao, các con số từ một tổ chức không làm công tác giáo dục. Anh vẫn nhớ như in ông hiệu Dũng từng nói, ai trả lương cho mấy thầy cô mà mấy thầy cô không thực hiện được chỉ tiêu trên giao.
    -----------------------------------------------------
    Trong ngành nên em thấm thía lắm!

    Trả lờiXóa
  3. Không biết đến bao giờ ngành GD mới chấm dứt đặt chỉ tiêu lên hàng đầu anh VB nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. E đổi tên truyện thành "Một mình chống lai CHỈ TIÊU" hè

      Xóa
  4. cũng vì cái "chỉ tiêu" mà ở Đồng Tháp quê em có học sinh lớp 7 chưa đọc chử được đó anh. chúc anh cuối tuần vui vẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cả nước này chứ riêng chi Đồng Tháp của bạn. Kg sao đâu vì tụi nó sẽ có người đọc giùm rồi.

      Xóa
  5. Một nền giáo dục chuộng hình thức, thành tích giả tạo chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ lụy cho quốc gia, mà hiện tại đã bộc lộ khá rõ: kỹ sư ra trường không tự giải quyết được vấn đề bình thường được giao, ông Tú bà Tú nhưng viết một lá thư thì không biết bao nhiêu lỗi chính tả, ngoài xã hội thì băng hoại đạo đức trò đánh thầy, con đánh cha, em chém anh loạn đả v.v... mình không làm giáo dục nhưng những gì anh Ba nói là có thật và phổ biến, vừa qua mình có người bạn đang dạy ở trường phổ thông TH Đức Phổ 1- Quảng Ngãi nói với mình là tại Ba Tơ năm học 2012-2013 nhiều thí sinh không tô được số báo danh nhưng vẫn đậu tốt nghiệp 12, tức là vẫn đạt danh hiệu ông Tú ! Thật xót xa, còn tại Sài Gòn một trung tâm kinh văn hóa lớn cũng không khá hơn là bao, vừa qua ngày 20-5-2014 mình đi dự họp PHSH cuối năm cho con gái út lớp 4, nghe cô giáo chủ nhiệm báo cáo thành tích mà thấy các cháu học "giỏi" quá .Lớp SS 42 học sinh, thì 26 học sinh giỏi, 15 HS tiên tiến, và chỉ có 1 HS trung bình thôi ! cô giáo còn hồ hởi nói: nhưng tất cả đều có giấy khen và phần thưởng hết, em HS trung bình chỉ rủi môn toán em chỉ có 6 điểm nên em không được TT, thì thưởng vì em là " con nhà nghèo vượt khó " bà nói làm như thưởng để vừa lòng phụ huynh vậy.Tính ra số giấy khen in để phát cho HS thành phố và cả nước thì phải có một nhà in hẳn hoi mới đủ đó anh Ba, con mình có đến 4 giấy khen. Sau cùng mỗi PH phải " tự nguyện" đóng 150.000Đ để mua phần thưởng cho các em ? có một phụ huynh đứng lên ý kiến rằng: Thưởng thì nhà trường phải có quỹ khen thưởng chứ, thế là cô giáo và phụ huynh có một cuộc tranh luận không lấy gì làm hay lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện thì lấy hư cấu làm chính. Ủa sao mà lại trúng sự thật nhỉ?

      Xóa
    2. 1000 ngẫu nhiên thành tất nhiên đó anh Ba, chúc anh khỏe để tiếp tục " giỡn " nhé !

      Xóa
    3. Đúng như anh PD nói. Chí lí lắm.

      Xóa
  6. Những sự thật đau lòng, nhưng thay đổi bằng cách nào thì lại đi vào ngõ cụt. Cách đây mấy năm, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cải cách giáo dục, trước tiên là trong thi cử trước. Kết quả là hai năm liền, tỉ lệ đậu tốt nghiệp bình quân chưa đến 50%, thực chất đấy nhưng người bị "chửi" lại chính là Bộ trưởng. Rồi thầy giáo Việt Khoa càng chống tiêu cực lại càng bị cô lập. Cứ như thế thì giáo dục còn lâu mới thay đổi được anh Vĩnh Ba nhỉ. Ngày mai em đi coi thi đây và chắc cũng như mọi năm thôi ("dễ" cho các em nó nhờ).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CTT chưa hiểu hết nền GD của ta. Cái đó là cố ý đi vào ngõ cụt chứ. Đau lòng là các bạn với tui thôi. Mấy Ngài có ai đau lòng đâu. Họ còn sướng rêm người đó.

      Xóa
  7. Hồi em còn đi dạy,cái ngỗ nghịch của học sinh còn chịu được,nhưng đối đầu với ban giám hiệu là sinh sự,chẳng kiềm chế nổi....
    Chúc anh nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
  8. Một thời, tưởng đã qua nhưng đến giờ vẫn chạy theo chỉ tiêu chất lượng nên năm nào cũng 100% hs lên lớp thẳng,57%loại giỏi(nói ra thật xấu hổ)nhưng không được rứa" thì trường bắt đền" làm sao?! nghĩ cũng tội cho GV chớ bộ.
    Chúc anh ngày "giết sâu bọ" an lành nha.

    Trả lờiXóa
  9. Lại cái bệnh thành tích hả anh. Chính cái bệnh nầy làm cho cơ thể khỏe mạnh ngã đỗ chóng vánh. Mà làm sao được, tất cả thế mà. Tại cơ chế cả thôi!

    Trả lờiXóa
  10. Thăm anh mong đọc tiếp . chúc anh nhiều sức khoẻ anh nhé.

    Trả lờiXóa
  11. "Giỡn" biết tới khi mô mới hết chuyện, chừ thành "chuyện thường ngày của nước mình" bệnh mà có ai chịu chữa mô, tội nghiệp cho lũ nhỏ.

    Trả lờiXóa
  12. Anh Ba còn nhớ có dạo Báo chí la ầm lên vì "sử dụng tốc-hành-thuốc-tăng-trưởng trong rau cải!??"Giáo Dục cũng rứa đó thôi,mới học chưa rành phép tính,dăm ba chữ viết hai ba lỗi chính tả ,thì đã lên "Diễn đàn" đọc diễn văn,thuyết giảng:"Tiến nhanh,tiến mạnh,tiến vững chắc" (không phải rắc...rắc) mà lị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một comment của ban Tôn thất Ngưu trên FB:
      .....Trên 500 giáo viên và 27 hiệu trưởng đã được phỏng vấn trực tiếp và cung cấp thông tin qua phiếu khảo sát.

      Với câu hỏi: “Nếu được chọn lại nghề thì liệu ông/bà có chọn lại nghề dạy học nữa không?”, có 40,9% trong số 216 giáo viên tiểu học, 59% trong số 144 giáo viên THCS và 52,4% trong số 166 giáo viên THPT có câu trả lời: “Không”. Đặc biệt tại TP.HCM, 75% giáo viên tiểu học được hỏi không muốn chọn lại nghề giáo”.....

      Theo tôi còn nhiều điều mà số người được khảo sát chưa dám hoặc không muốn nói (vì tủi nhục nghề nghiệp) đó là giáo viên phải thực hiện những việc làm theo lệnh mang tính phi giáo dục có hệ thống mà không được biện bác, đó là sự thiếu trung thực, điều mà mọi giáo viên ban đầu rất khổ tâm ...nhưng sự khổ tâm đó cứ như việc sao chép giáo án, sao chép sáng kiến kinh nghiệm từ năm này sang năm khác .. và nó đã trở thành thói quen không thể tách rời trong hầu hết đại bộ phận thầy cô giáo ... Đến nỗi một số giáo viên khi được hỏi nghề nghiệp họ không thể hãnh diện để trả lời rằng mình đang làm nghề mà người ta gọi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý !
      http://tuoitre.vn/Giao-duc/609099/sẽ-khong-lam-thay-néu-duọc-chọn-lại.html

      Xóa
    2. Thái độ của các gv trong bài báo trên nói lên rằng họ rất chán GCST đó.

      Xóa
  13. Viết tiếp đi anh, em chờ xem nè, chúc anh buổi chiều an vui nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi để bạn chờ. Mình bận một số việc khá gấp.

      Xóa
  14. Anh chưa viết nữa sao? Em mới về tối qua, đã chạy ngay sang chực chương mới rồi đó. Hôm nay vẫn chưa có, mỏi cổ quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CTT thông cảm nghen. Mình khá búi việc đây. Vài hôm nữa.

      Xóa