Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (20)


 Chương 6
            Chiếc xe gắn máy quẹo vào chiếc cổng nhỏ bên trước trường, hấp tấp đâm sầm vào cánh cửa sắt, lảo đảo rồi rồ ga chạy thẳng vào sân trường. Đến trước văn phòng, người lái xe nhảy phóc xuống, vừa gỡ chiếc mũ khỏi đầu vừa xăm xăm bước lên tầng cấp. Hắn mở miệng, gọi to: 
- Anh Dũng ơi! Anh Dũng ơi!

            Mấy cô thư ký ở văn phòng đang tụm lại tán chuyện, nghe tiếng kêu, chạy vội ra xem. Một cô nhận ra hắn, nói:
            - Chào thầy Hồng. Chuyện chi mà gấp gáp rứa? Thầy Dũng qua xã có việc, về chừ đó. Thầy vào ngồi chơi cái đã!
            Người mới đến vẫn giọng oang oang, vừa đi vừa nói:
            - Thi học kỳ 2 sao thầy Hiệu lại vắng mặt? Qua xã mà làm việc chi vậy?
            - Tụi em biết mô. Thầy vào phòng hiệu trưởng uống nước trà. Tí nữa thầy Dũng về ngay.
            Hồng đi vào phòng hiệu trưởng, kéo ghế ngồi. Mới một chút, nhắp chút nước trà còn hâm hẩm ở bàn xong, hắn đã nhấp nhổm đứng lên, qua lại phòng văn thư. Hắn bảo với cô gái trẻ ngồi ở bàn:
            - Cô gọi qua xã, nhắn thầy Dũng về cho tôi gặp được không? Ông Hiệu ni thời chừ mà không có cái điện thoại di động, thiệt đại bất tiện!
            Cô văn thư nhanh nhẩu trả lời:
            - Ai mà bì cho kịp với thầy, chơi toàn đồ xịn mà, nhất cái huyện này rồi. Hiệu trưởng em nhà nghèo và nhà quê lắm, xài di động không quen.
Không rõ có chuyện gì gấp mà Hồng lại đến tìm Dũng. Hắn quan hệ gì đến thi với cử của cái trường ni, vả lại trường hắn cũng đang thi mà. Hắn vốn là một tay theo chủ nghĩa hoài nghi. Lập trường kỳ quặc của hắn không hề thay đổi: Cả cái quả địa cầu này đã sai lầm từ khi giải phóng phụ nữ, đẩy phụ nữ ra ngoài xã hội đứng ngang hàng với nam giới, đưa họ lún vào cõi tội lỗi. Hắn lí luận chắc nịch như sau:
Trái đất này là một sản phẩm không hoàn thiện của Chúa Trời. Đàn ông được sáng tạo trước là một bọn người hư đốn với lòng tham lam vô tận của họ. Lẽ tất nhiên là phải trừ các bậc thánh nhân ra, những con người cao cả đáng ngưỡng mộ đã vì bọn hư đốn kia mà ra sức giảng giải đạo lí thâm uyên, xây dựng triết thuyết tinh mật, thậm chí cả hy sinh cuộc đời mình như chúa Jesus hay Phật Thích Ca. Họ là ước mơ không bao giờ đến cả, là cái đích hướng tới của toàn nhân loại này. Họ luôn chọn con đường gian nan như đội vòng gai, treo mình trên thánh giá, ngồi thiền trong rừng sâu, lê gót xin ăn hang cùng ngỏ hẽm... Cõi của họ là Niết bàn, là Thiên đàng, là cung Đâu suất, là Tây phương Cực lạc quốc…. Nói chung, họ đã từ chối cái thế gian này. Họ gọi đây là bể khổ, là cõi tạm, là Ta bà thế giới… Họ đến đây chỉ là để cứu rỗi bọn vô lại kia.
Còn lại là những con người với đầy rẫy tội lỗi đã được thực hiện từng ngày từ thời A-bel giết Ca-an đến nay: cướp của, giết người, gian dâm, lừa dối, tranh đoạt… Đó, cứ nhìn lại cho kỹ mà xem, có cái xã hội nào mà không có nhà tù, nhà tù chủ yếu giam bọn đàn ông. Tội ác toàn là do đàn ông làm với lưỡi gươm hay họng súng để thoả mãn cái bản năng dã man của mình và họ gọi các tội ác bằng những cái tên mĩ miều như cuộc chinh phạt, cuộc mở cõi…. Lịch sử, sách vở còn chất đầy các thư viện có lẽ cũng không ghi chép hết tội lỗi của bọn chúng. Nhân loại khi nhìn lại quá khứ của mình hẳn họ xấu hổ nhiều hơn hãnh diện khi thấy các kỳ tích mà họ đạt được đều xây trên xương và quét bằng máu của đồng loại họ.
Phụ nữ ngược lại là những thánh nhân. Họ cam chịu mọi bất công, khổ cực, thiếu thốn để hòng nêu gương sáng giáo hoá bọn đàn ông ngu muội kia. Họ là những người mẹ bất hạnh đã lỡ sinh ra bầy quỷ sứ kia. Chỗ ở của họ là bóng tối, là nghèo nàn, là bất công, là đói rét. Đó là những mẹ Việt Nam da bọc xương một đời lo cho chồng con, là những người vợ tảo tần xuôi ngược mom sông, là những người chị tất tả gánh gồng sớm tối…Không may thay, họ đã bị lôi ra khỏi đất sống, đất tu hành của họ. Họ bị đẩy vào cõi xa hoa, chốn giàu có, đất bạc tiền và chỗ ăn chơi. Vâng, thế là họ hư đốn, và nhanh chóng hư đốn còn hơn loại đàn ông tội lỗi kia. Bọn đàn ông thì mất người ngăn cản, mất thầy dạy dỗ trở nên càng sa đoạ truỵ lạc hơn. Họ bày đủ cách để khêu gợi, lung lạc những người phụ nữ thơ ngây nhẹ dạ kia. Ngờ đâu, con lại hơn cha, học trò lại hơn thầy. Tất cả đàn ông và phụ nữ trên trái đất tạo thành một tập đoàn đen tối, a tòng, liên kết gây ra biết bao tội ác. Bây giờ không còn những thánh nữ để răn dạy bọn đàn ông nữa. Phụ nữ đã sa đoạ hoàn toàn.
Hồng tin tưởng một cách ngược đời như thế và đi đâu cũng rao giảng như thế. Dẫu vậy, không thiếu người thích nghe hắn thuyết pháp. Trong số những người chịu nghe hắn nói có Dũng, một phần vì Dũng “khù”, lâu lắm mới nghe một tay nói chuyện lạ đời như thế và một phần vì tính Dũng không thích cãi cọ gay gắt và chịu lắng nghe. Dũng thơ ngây hỏi Hồng:
- Anh cứ hay phóng đại, tô màu. Nam nữ bình quyền là phải đạo rồi. Biết bao phụ nữ giỏi còn hơn đàn ông xa. Họ đáng hưởng cái quyền bình đẳng với nam giới.
- Ông khù ơi! Cái gì mà bình quyền? Ông cứ mở Ti vi mà xem. Các thánh nữ của chúng ta đang bị bóc lột. Bất cứ cái lông nào của phụ nữ cũng bị khai thác: lông trên đầu, lông trong nách, lông dưới chân. Bất cứ khoảng da nào của phụ nữ cũng được đưa ra mà câu khách: da bụng, da chân, da ngực… Họ đã trở thành nô lệ của bọn lái buôn, lũ gian thương. Mọi món hàng đều dùng thân xác của phụ nữ để gợi dục kích dâm. Quần dưới rốn, áo hai dây, váy trên gối…tất cả đang được tung hô, được gọi tên là cái đẹp chỉ để cường dương, cường âm lũ sinh vật hai chân chúng ta. Lắm người nguyền rủa bản thân trời sinh của họ, xấu hổ vì chính con người họ. Ui chao! Giải phóng cái gì? Họ đã bị bọn đàn ông đầu độc. Họ thế là cả ngày đêm lo lắng cho cái xác thân phàm tục của họ: sửa ngực, bơm mông, nâng mũi, xẻ mi … A ha ha, mà để làm gì nhỉ? Cũng chỉ để phục vụ cho lũ đàn ông yêu quỉ rắn rít chúng ta.
- Cãi không lại anh thiệt, nhưng mình thấy họ đang làm đẹp cuộc sống đó chứ. Có phụ nữ đẹp thì cuộc đời hấp dẫn hơn, ý nghĩa hơn. Mình nói thuội nghe, cái đẹp cứu rỗi cuộc sống mà. Dũng góp ý.
Hồng nhìn Dũng, lên giọng sành đời nói:
- Cái đẹp không phải là ngực to mông lớn, bạn khù của tôi ơi! Cậu chỉ nhìn được ba phần nổi của cuộc sống này, còn bảy phần chìm cậu không hề biết tới. Mọi cái đều có giá của nó. Phụ nữ đang trả giá một cách đau thương cho sự bình đẳng đó: bán linh hồn thánh thiện của họ cho quỷ sứ. Bây giờ cái làm bận bịu cái đầu óc của họ nhất chỉ là làm sao cho đẹp cái xác phàm mà thôi, cái xác mà một mai sẽ thúi om lên khi tàn đời. Họ mất nhiều hơn cái họ được, bạn của tôi ơi!
* * *
Nghe tiếng xe nổ bên ngoài, Hồng tưởng Dũng về, chạy ra khỏi phòng. Hoá ra là Luyến, áo pun tím than, quần rin trắng toát, trông cô trẻ và tươi như mới đôi mươi. Dũng vốn biết Luyến lâu rồi qua các lần kiểm tra chéo. Mỗi lần như thế, trường hay tổ chức các cuộc giao lưu, rồi đi hát hò với nhau, có bao giờ lại thiếu giọng ca chịu chơi của Luyến đâu. Cô đôi khi lại là nhân tố quyết định kết quả của các cuộc thẩm tra lấy lệ đó, nghe buồn cười thật nhưng lại thật đến vạn phần: khi vui vẻ các thanh tra bao giờ cũng dễ tính hơn. Dũng cũng biết điều đó và xem Luyến gần như là một thứ chim mồi, một thứ keo gắn nối tình riêng và việc công.
 Luyến vừa dựng xe xong thì đã nghe tiếng Hồng rối rít hân hoan như mong mỏi ngập tràn nói: 
- Chào người đẹp! Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh đi đâu vậy? Lâu ngày hí!
- À, thầy Hồng. Gặp nhau là châm chọc em rồi. Cấp Tỉnh với cấp Huyện cái gì? Biết tẩy nhau còn giả bộ. Có chuyện chi mà thầy ghé trường em vậy?
Hồng thân mật kéo Luyến vào phòng hiệu trưởng. Hắn rối ra rối rít nói:
- Người đẹp ngồi xuống đã. Càng  ngày cô càng đẹp, càng trẻ, nắng mấy hoa không héo.
- Anh đừng giở cái giọng đểu cáng đó với em. Hoa ni lông, hoa vải Thái lan làm sao héo được.
- Không dám mô. Mấy lâu ni có đi karaoke với mấy ngài trên Huyện không?
- Có chứ. Anh học cái thói tò mò từ lúc nào vậy. Chuyện đàn bà con gái cũng bận lòng ngài hiệu trưởng mê gái sao? Hỏi rứa không sợ em chưởi sao?
Hồng cười nịnh đầm, giả lả nói nhỏ nhẹ:
- Có chuyện mới viếng điện Tam Bảo chứ. Cứu anh với. Nói giùm với mấy ổng vài tiếng được không? Chừ mới nghĩ ra, em nói có tác dụng hơn người khác nhiều. Ngập tới lỗ rốn rồi.
Luyến tròn xoe mắt nhìn vào Hồng. Cô hất hất mái tóc ra sau lưng và nói:
- Ơ, sao lại nói cái chuyện buồn cười thế? Anh bị cái gì mà nhờ tôi giúp? Ốc không lo nổi mình ốc thì hơi đâu lo cọc đóng rêu. Nói thật nghe, tui bán thịt của tôi mà lo cho tôi còn chưa xong nữa chứ giúp ai.
Ngừng một lát, Luyến nói tiếp:
- Anh nhớ là tui nói với riêng anh thôi nghe. Đừng có lẹp xẹp cái lỗ miệng. Trường ni lắm tay thối miệng lắm.
Hồng làm mặt ngạc nhiên, hỏi:
- Ai vậy? Ai mà rảnh công thế?
Luyến xì một cái rồi nói:
- Không biết à? Thằng cha tóc muối tiêu chứ ai!
- Ai hè? Anh Vũ hả? Hồng hỏi lại.
- Còn ai vô đó nữa.
Mặt Hồng bỗng biến sắc, thoáng tái nhợt đi. Hắn rất quí Vũ, xem như là thầy của mình về cả tuổi tác và tuổi nghề. Có lần với tư cách tổ trưởng nghiệp vụ bộ môn Văn, Hồng đã mời Vũ nói chuyện với giáo viên trong huyện về  đề tài “Việc sử dụng từ Hán Việt trong tiếng Việt” vì biết anh rành về chữ Hán. Buổi sinh hoạt rất thành công, các giáo viên đều thích thú ra mặt. Một cô giáo trẻ nói với hắn và Vũ, Đi dạy Văn mấy lâu ni em mới nghe được một buổi hay. Cái câu thơ đơn giản của Hồ chủ tịch, Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ, được ông Nam Trân dịch là Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp, khiến em hiểu sai. Té ra hai chữ “thiên” nó khác nhau. Một “thiên” là trời, một “thiên” là nghiêng. Cám ơn thầy lắm! Nhiều giáo viên khác nữa… Hồng và Vũ vui lắm vì điều bất ngờ đó. Hồng đôi khi thấy tiếc cho Vũ, có hiểu biết đến thế sao anh ấy lại chôn đời ở cái huyện ven thị này. Giá anh dạy ở thành phố, hay một trường cấp 3 thì hẳn cống hiến được nhiều hơn cho học trò. Lịch sử đi dạy của Vũ cũng buồn cười. Môn nào cũng đã dạy, cấp nào cũng đã làm, cấp 3 xuống cấp 2, cấp 1 rồi lộn lên cấp 2. Có ai lại lãng du dạy học như anh.
Hồng quen Vũ từ hồi còn tháng tháng đạp xe lên huyện mua mười ba cân gạo. Một đoàn thầy cô giáo, áo quần lôi thôi lếch thếch, xe cộ cà rịch cà tang vượt cả chục cây số đến chờ chực nơi cửa hàng lương thực huyện. Nhiều nhặn gì cho cam, có lần chỉ năm sáu cân gạo còn bo bo với sắn mốc lát nào lát nấy dày cộp. Mua theo sổ tập thể mới làm khổ nhiều người và sinh ra lắm chuyện. Có tháng, tay nào đó ranh mương, lẻn lấy sổ cùng một hai tay bè bạn mua trước là anh em còn lại tha hồ mà than thở. Mỗi cuốn sổ chỉ được mua ba lần, thế mà toi mất một lần với vỏn vẹn ba thằng láu cá. Kẻ dạy sáng, người dạy chiều, tréo trở trăm phương, thông báo rồi tập hợp cho đủ đã chóng mặt. Có tháng đi đến hai ba lần mới mua được từng ấy cơm gạo, khi cửa hàng kiểm kê, khi nhập kho xuất kho, khi cán bộ bán hàng ốm đi viện… quá là nhiều thứ nhiêu khê. Mua được gạo thường là đã trưa mà cũng chưa hết chuyện. Còn chia phần nữa. Thôi thì sàng qua bớt lại cho công bằng vì cái cân nhà nước trong lúc chen lấn vội vã mấy ai tìm thấy được sự chính xác đâu. Con buôn đứng đầy gạ gẫm mua bo bo hay sắn khô. Rẻ mắc gì cũng bán đại cho nhẹ chở đường xa lại có tiền nhét bọc.
Giáo viên ai cũng kè kè mấy cái bao gạo trong người, sợ hở ra có kẻ thiếu lại mượn trộm. Họ hết đứng, lại ngồi, lom lom dòm cái chồng sổ, trông sao cho tới cái phiên trường ta hay canh chừng tay nào tráo trở thừa cơ nhét sổ lên trên. Cả một đám người la lết hết chỗ này sang chỗ khác để tránh mưa nắng, trông bộ dạng thiểu não đáng thương. Mấy cô giáo nôn na việc nhà, hết than lại thở, kể hết chuyện củi qua chuyện dầu. Thời này không ai lại không có nghề tay trái: thầy giáo đi xe thồ, cô giáo buôn dầu phụng. Họ bòn chài thêm từng đồng một để lo toan cuộc sống đầy bấp bênh. Chuyện được kể ra toàn một màu đen dặc của thiếu thốn và khốn khó. Hiếm nghe một chuyện dạy dỗ nào. Hôm nào có Vũ là đỡ buồn. Anh hay kể đủ thứ chuyện đông tây, nhất là mấy cái chuyện cũ mèm thời mấy ông đồ nho hay chuyện tiếu lâm thời đại. Nghe vui và đỡ chán nản trong những giờ chờ đợi lắm khi qua tới buổi chiều. Có lần Vũ đố “tam tòng tứ đại” là gì. Hồng tình cờ đi mua gạo cùng ngày, lang thang đi ngang qua, chen vào trả lời:
- Tui biết. Tam tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) với tứ đại là đất, nước, lửa, gió.
Vũ nhìn Hồng cười đáp:
- Rứa là giỏi rồi. Nho cũng rõ mà Phật cũng thông. Trẻ mà biết rứa là số dách rồi. Nhưng tui hỏi chuyện bây giờ mà. Ai trả lời được tui đãi một tô cháo vịt với một xị rượu ở quán Mộng Thu.
Ai đó chen vào bình luận:
- Quán mụ Thông chứ Mộng Thu gì cha. Nghe cái tên nghe như cái nhà hàng lớn trong Sài Gòn không bằng. Đói bụng mà nhắc chi mấy cái món sơn hào hải vị đó.
Cái nề của một số thầy giáo huyện này là mua lương thực xong, thế nào cũng đẩy bo bo với sắn khô cho bọn con phe để bồi dưỡng tấm thân lao nhọc trước khi về nhà. Quán cháo vịt mụ Thông là một địa điểm lí tưởng. Một tô cháo một đồng, dĩa thịt vịt hai đồng là ước mơ cùng tột của họ. Xui thay, chẳng ai ăn được cháo vịt của Vũ. Anh từ từ giải thích:
- Tam tòng là tại gia tòng vợ, tại chợ tòng công an, tại cơ quan tòng thủ trưởng. Đúng không?
- Còn tứ đại?
- Ở đại gia, ăn đại táo, làm đại láo, báo đại hay. (Ở nhà tập thể, ăn bếp tập thể,…)
Mọi người cười vang lên. Mấy cô giáo la lên:
- Thầy đừng nói ẩu. Công an nó bắt đó, bắt luôn tụi tui thì khổ thân.
Vũ tỉnh tỉnh đáp:
- Sao nhát gan thế, mình có nói trực tiếp ai đâu. Thói đời mà. Văn chương truyền khẩu đời nào chẳng có. Ngoài Hà Nội dân chúng nói còn nhiều vô số. Thời gian là thuốc thử cho mọi giá trị, cái gì vớ vẩn sẽ tự nó đào thải thôi.
Các cửa hàng lương thực, thực phẩm theo tem phiếu ra đi, nhà tập thể, bếp đại táo không còn nữa mươi năm sau đó khiến Hồng càng thấy Vũ nói đúng. Sâu sắc đến thế, biết nhiều đến thế, trong mắt Hồng chỉ có Vũ. Hắn tâm phục Vũ từ đó, nhất là về lãnh vực văn học cổ đại. Hắn không hiểu sao Luyến lại có thái độ quái lạ thế với một người như thế, hắn nói:
- Thầy Vũ có đời nào nói chi ai. Tui có gặp ông mấy lần, không nghe ông nói chi hết. Ông quan tâm đến mấy tờ báo hơn cả. Tui đọc bài ông viết ở báo Sở mình và mấy tạp chí khác hoài. Ông cứ bảo, viết lách cho vui tuổi già, ở trường thì núp cho yên mà về hưu. Việc vũ trụ mặc đàn em gánh vác.
Luyến tức tối đáp:
- Được rứa bơ hay. Lão năm mô cũng dạy lớp tui chủ nhiệm. Tụi học sinh lên bờ xuống ruộng với lão. Lão trị học trò tới nơi. Lộn xộn, giờ C, không làm bài tập, giờ B. Khó mà kiếm được chữ A. Lớp mình chủ nhiệm cứ bị xếp thi đua dưới đít họ. Sung sướng chi mà gay gắt với học trò.
Hồng bênh vực nói:
- Thầy làm rứa là đúng thôi. Típ xưa họ nghiêm khắc lắm. Có rứa học sinh đỡ hư. Tui nghĩ đi dạy phải thế. Đổi lại, nếu con cô đi học thì cô thích học với ai, thầy nghiêm hay thầy lười biếng?
Luyến trề môi, mắt nguýt Hồng, nói:
- Con tui học chi cái trường này mà anh hỏi cho mệt. Con tui đâu có ngu như ba cái thằng quỉ con đần độn này. Không khéo lại gặp cái lão đó.
Hồng cố bình tỉnh, ôn tồn nói:
- Có nay thì có xưa. Chín người mười ý thế mới ra xã hội chứ.
Luyến vẫn chưa hiểu ý, tưởng Hồng nói qua quýt cho qua chuyện bèn nói tiếp:
- Lão đó xưa gì mà xưa. Cổ lỗ sĩ thì có. Học sinh thi lại nữa, toá loạ. Không thấy cuối năm, giáo viên ôm sổ đi xin điểm còn thua ăn mày đi xin gạo. Ở lại lớp nhiều mà sống nổi với trường đâu. Nhà trường cứ bảo là lỗi tại giáo viên, biết làm sao. Tui ớn tận cổ. Cho người khác sống với chứ. Thế thì giáo viên chủ nhiệm như tui lấy đâu ra thành tích. Điểm đâu mà hà tiện gắt, cứ cho 1, 2, 3 như đi bước đều. Nới tay cho học trò chúng nó sống với chứ. Của cha ông chi lão. Nhìn người là biết. Lão thù ghét tui nên chơi xỏ tui đó. Bao nhiêu người khác êm êm qua cầu cả mà. Thấy lão là tui mệt cả người. Người sao khô đét, nói chuyện gì cũng dây mơ rễ má lòng thòng, nói đằng đông mà chém đằng tây. Dạy dỗ cái thời ni có chi mà rắc rối thế?
Hồng bỗng đổi giọng gay gắt:
- Cái ni thì không được rồi. Cô nói không có đạo lí gì cả. Mấy cô cứ vì quyền lợi bản thân cỏn con của mình mà vại điểm khan khan như gieo lúa sạ là giết học trò đó. Điểm là của học trò, chúng nó học sao thì điểm thế. Sao mấy cô lại vơ vét vào làm của mình mà ban phát vô tội vạ. Mấy cô làm hư học trò thì có chứ dạy dỗ mà không nghiêm khắc là hỏng mất. Rứa còn qui kết người khác là thù với ghét. Có tật nên giật mình chứ ai hoài công đâm xoi gì cô. Đàn bà mấy cô buồn cười quá! Nghĩ thì ngắn mà hay vu vạ cho người khác, không chịu thấy cái lỗi của mình, chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân. Cái máu Tần Cối, Bàng Hồng truyền cho hồi nào thế?
Luyến chửng hửng. Cô cứ nghĩ mình đã gặp một đồng minh, một người cùng giuộc với cô. Ai ngờ, cái cha mê gái ăn chơi nhậu nhẹt ni lại trở quẻ. Cô nhớ đến lời của vài giáo viên khi bàn tán về Hồng, hắn chơi bời thì tới số mà làm việc rất nghiêm túc; hắn rất có năng lực, chỉ có điều máu me quá nhưng lại không đạo đức giả như bao người khác. Có giáo viên bảo, xét cho kỹ, Hồng cũng chỉ là một tay khẩu dâm, ưa quậy mà thôi, ưa nói tướng cho oai phong, một thứ người-lớn-con-nít tò mò tọc mạch với ảo tưởng là mình đã kinh nghiệm, khôn ngoan, và sành sõi. Bây giờ loại này nhiều. Xã hội chừ nhậu nhẹt, karaoke ôm, thậm chí gái ghe nữa thì đâu chỉ một mình Hồng. Dẫu vậy, cô cũng không chịu kém, đáp lại:
- Anh làm như trường anh hay lắm, không vại không gieo chắc? Cái trò này tự đâu đẩu trên cao chứ riêng chi dưới mặt đất này. Mình chẳng qua đi bán điểm mà kiếm ăn thôi. Cả một làng như thế mà cứ bẻ nạng mà chống trời.
Hồng nghiêm mặt, nói chậm rãi:
- Cái đạo lí là thế này, để anh nói cho cô em dân chơi nghe. Ham ăn chơi quá nên cô em chẳng biết gì ráo. Cô có quyền làm điếm, trộm cắp gì tuỳ cô thích, lỡ bị bắt nằm tù thì cô ráng chịu. Tuy nhiên, cô không thể chê người không làm điếm, không ăn cắp là đạo đức giả, cô không thể bắt mọi người cũng hư đốn theo cô. Đừng bại hoại quá đỗi thế! Cô đi dạy là truyền đạt kiến thức cho học sinh chứ sao lại đi bố thí điểm cho để gạt gẩm chúng?
Luyến đứng phắt dậy, giận dữ nói:
- Đạo lí! Đạo lí! Anh mà cũng biết đạo lí à? Hư đốn? Đại loại? Anh là cái thằng hư đốn, đại loại chứ ai. Không có nói chuyện với anh nữa.
Hồng cười khẩy khi thấy Luyến bực bội, nói:
- Gì mà mau nổi nóng thế cô em. Bại hoại chứ đại loại gì. Đúng đó, tui là thằng hư đốn bại hoại, nhưng tôi không đi khuyến dụ mọi người hư đốn theo tui, tui vẫn kính phục những người chính trực. Khác với cô em chỗ đó. Cô đừng có đâm xoi thầy Vũ nữa nghe. Ít ra đang ở lổ thì cũng phải biết mình không mặc áo quần chứ. Lương tâm cô chó nhai rồi, phải không? Tui đây dày dạn giang hồ mà gặp loại như cô hơi bị hiếm đó.
Luyến quả hết sức bất ngờ. Khi không lại bị một thằng trời ơi lên lớp. Cảm giác căm thù Vũ lại tăng lên trong cô. Đúng là lão không tranh ăn đoạt uống gì của cô, nhưng nhìn lão khiến cô liên tục thấy bực bội. Mỗi điều lão làm tưởng như chỉ nhằm có vào mình cô. Cô tâm sự với các chị em trong trường, họ ơ hờ nghe. Cô cứ nghĩ họ sợ Vũ. Nói thêm cũng chẳng ai bàn một tiếng càng làm cô tức tối. Chừ lại vấp Hồng, không sôi gan sao được? Cô nói như quát lên:
- Lão ta là cha chú gì anh mà bênh chầm chầm rứa? Nói cho anh biết, hết năm ni tui cũng đi khỏi cái trường âm ác ni. Cái ngành giáo dục này sao nó khốn nạn thế. Không ăn chi cả chỉ có lãnh đạn.
- Muốn khỏi lãnh đạn thì ráng mà lên lãnh đạo. Cô xem ra có tương lai nơi.
Luyến cười nhạt, mặt hếch lên:
- Bộ tui làm lãnh đạo không được à? Đứng đó mà xem! Không lâu mô. Tui chán cái trường này quá sức rồi.
Hồng cũng không vừa. Hắn điên tiết lên, nói một hơi:
- Cái trường này là số một em ơi! Em không hề đọc một tờ báo. Học sinh đây chấp bất cứ chỗ nào của tỉnh ta đó. Cô đi đâu tuỳ cô. Cô có đi dạy đâu mà chọn học sinh. Cô không nói tui cũng biết. Giỏi lắm! Con đường em đi là số một rồi. Thời âm thịnh dương suy mà. Gà mái đá gà cồ. Anh chấp nhận thua. Nhưng gian nan còn nhiều lắm em ơi! Già đời lăn lộn như anh đây nếm đủ mùi rồi, cô em ạ! Anh không phê bình gì cô hết. Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào. Nhưng chi cũng được chứ nói xấu sư phụ Vũ của anh thì anh cự tới nơi đó. Làm đĩ mười phương cũng phải chừa một phương mà lấy chồng.
Mấy cô thư ký ở phòng bên nghe to tiếng, chạy ùa sang, nhao nhao hỏi:
- Chi mà to tiếng rứa, thầy Hồng?
Luyến ngúng nguẩy bước ra khỏi phòng, vừa đi vừa nói giọng làm đầy làm láo:
- Mắc chi tới tụi bây. Cái chi cũng chỏng lỗ tai mà nghe. Chuyện thúi như c… có chi mà nghe.

23 nhận xét:

  1. Những người như Thầy Vũ vẫn còn được nhiều người kính nễ, thì môi trường giáo dục xem ra chưa bị băng hoại đến '"tận cùng bằng số..." mô hè !

    Trả lờiXóa
  2. GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG lâu lắm rồi mới xuất hiện phần mới. Chủ nghĩa hoài nghi của Dũng và những lí luận về con người của nhân vật đọc thật sướng! Tác giả thật sâu sắc khi nhìn cuộc đời. Em thành thật bái phục!

    Trả lờiXóa
  3. Ít ra đang ở lổ thì cũng phải biết mình không mặc áo quần chứ! Bộ GD không nhận thế đâu bác Ba à! Nó lấy giấy báo che kín hết!

    Trả lờiXóa
  4. Cái sân trường này không có ranh giới.
    Giỡn chốn ấy là vuốt râu hùm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mọi người sống đời thường mà. Có ai vuốt râu hùm mô.

      Xóa
  5. Đúng là cao thủ võ lâm !
    Không sợ cọp chắc là ngán đĩa, giòi bọ phải không ?

    Trả lờiXóa
  6. Lâu rồi mới được đọc thêm truyện dài cùa anh VB Bên blog bây giò vắng người ta kéo qua vui chơi bên face book nhiều hơn nhưng những bài viết dài và viết kỹ nên giữ bên blog anh nhỉ Chúc anh và gia đình vui khỏe

    Trả lờiXóa
  7. So thời bao cấp bây giờ giáo dục cũng đã đổi nhiều.Nhưng sao ấy,vẫn còn cái gì đó cứ nhì nhằng...
    Chúc anh những ngày cuối tuần nhiều vui !

    Trả lờiXóa
  8. Thầy giáo có tâm huyết và được kính nể như thầy Vũ không nhiều.
    Đa số sống an phận với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho qua ngày đoạn tháng khi bệnh thành tích còn phổ biến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xây dựng cho đủ các mặt chính diện và phản diện đó.

      Xóa
  9. Thầy Vũ trong câu chuyện này giống Thầy Ba ở ngoài đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện là hư cấu mà. Tốt xấu cạnh nhau cho ra cuộc đời.

      Xóa
  10. Truyện của Giáo dục sau 75 tái hiện lại vui quá, chỉ có những thầy co đã đi qua giai đoạn này mới cảm nhận sâu sắc ... Bênh thành tích quan Liêu su nịnh đến nay hầu như tăng hơn thuở ấy đó anh VB.

    Trả lờiXóa
  11. Baccarat | Online Casino | Canada's Biggest Casino Games
    Baccarat 메리트 카지노 쿠폰 is 제왕카지노 an elegant game of luck that gives players their chances of winning big. Baccarat is hands 바카라사이트 down one of the biggest in the world.

    Trả lờiXóa