Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Buồn vui với tuổi thọ

Hẳn ai ai cũng mong mình sống lâu, thọ tỉ Nam san. Mấy bức tranh Phước Lộc Thọ có hình Nam  Cực tiên ông râu bạc như cước, dài quá ngực, trán thì vồ ra như trái banh vì chứa đầy nguyên khí, biểu tượng cho sự sống lâu đó. Đôi tranh cách điệu thì vẽ một cây cổ thụ vì thụ cũng đọc là thọ để chỉ ý đó. Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” đã lỗi thời rồi. Bây giờ, bạn bè tôi ngoại 70 còn nhiều lắm, mấy cụ còn đi nhậu đều đặn thua gì lớp trai trẻ đâu. Một số đông sống nghiêm chỉnh hơn, sáng đi thể dục, chở cháu đi học, về đọc sách, viết báo, đi lễ chùa, vãn cảnh Phật, chơi cây cảnh, cà phê đàm đạo với bạn bè,...là những tấm gương sáng, đóng góp nhiều cho gia đình và xã hội.

Thế nhưng sống lâu mà còn khỏe mạnh, còn hưởng thụ được thú vui của cuộc sống mới đáng nói. Sống thọ trong bệnh tật, nằm liệt chiếu giường thì quả là rất khổ, khổ cho bản thân mình và khổ cho cả con cháu. Sống thọ trong lú lẫn cũng rối rắm vô vàn. Và đáng sợ nhất là sống thọ trong nghèo khổ và cô đơn như cụ bà dưới đây.

 

Vừa rồi, tôi đi dự đám cưới một đứa cháu bên vợ. Ông cố của đứa cháu ấy cũng tham gia như trong ảnh dưới đây. Lúc đầu, thấy ông đi đứng còn vững chải, nói năng rõ ràng, tôi đoán cụ chừng ngoại 90. Ai hay, cụ đã 104 tuổi. Cách đây 02 năm, cụ còn đạp xe đạp đi chơi đây đó. Cụ có tất cả là 04 bà vợ, ấm êm hòa thuận mới giỏi chứ. Thấy cụ gắp hết món này qua món khác trong bàn tiệc, tôi ganh tỵ quá.  Con cháu của cụ đều nên người, công ăn việc làm đàng hoàng, gia thất học vấn đều thành công. Các bạn nể mặt cụ không? Thật là quá quý, phải không các bạn?
 
 
Tôi có anh bạn khác nữa, mẹ già đúng 100 tuổi. Bà cụ còn minh mẫn, đi lại và ăn uống như người bình thường. Nghe giọng tôi trong điện thoại, cụ đã nhận ra ngay và còn trách, mấy lâu ni không chộ thầy ra chơi. Cụ vẫn lo lắng cho con cháu, và hay bảo, cái thằng con tui ham vui lắm. Thật ra, anh bạn nhiều công sự đa đoan, lo phờ cả râu ra đấy. Mỗi chiều, khoảng 6 giờ chưa thấy anh ấy về nhà là bà cụ đã nhắc trong vợ anh gọi điện thoại, nhắc nhở anh ấy. Tuy nhiên, anh ấy lại đang còn bù khú với tụi tôi. Anh đành bày biện ra một lý do nào dó, xe hư hay bận họp chi đó để ngồi nán lại thêm đôi chút. Cò cưa một hồi cho đến hồi chuông báo động lần 2 reo lên thì anh mới đứng dậy xin về trong tiếc nuối. Thường thường là thế. Tính anh ấy ham bạn bè và cả nể mà. Hiếu với mẹ và hảo với bạn bè đã khiến anh lắm lần tiến thối lưỡng nan. Như cụ bà là quá hiếm! Nuôi con đến hơn 6o năm mà luôn quan hoài như rứa, that là một bậc hiền mẫu.

 Mẹ tôi thì thua bà cụ đó hai tuổi. Bà lẫn và quên khá nhiều dù ăn uống bình thường và vệ sinh cá nhân vẫn tự lo được. Có hôm bà bảo tôi, tay Đại sứ Mỹ muốn mua cái nhà mình 100 triệu, mi có chịu bán không. Tôi trả lời, 100 triệu đô thì bán còn 100 triệu đồng VN thì không. Bà hừ hừ, hám dữ, tiền chơ có phải lá mít mô rồi bỏ lên nhà trên. Lần khác, bà bảo Mỹ với Tàu nó cá độ 100 năm đã xong chưa. Tôi câm như hến luôn vì chẳng hiểu cái gì hết. Bà bảo, rứa mà nói giỏi, cái chi cũng không biết. Nguyên do là bà cứ mở TV suốt cả ngày và ngồi xem. Bà nghe lỏm bỏm tin tức thời sự gì đấy, nhớ nhớ quên quên rồi ráp Mỹ với Tàu lại thành các chuyện đầu Ngô mình Sở như thế.

Nhưng rứa là quý rồi. Tôi đây liệu đến 70 có còn 1/3 khỏe mạnh như bà không hay làm khổ con cháu đủ điều. Sống dưới bóng ấm của bà, tôi thấy vô cùng an lạc. Nhà tôi bây giờ là tứ đại đồng  đường.  Chúng tôi đều đã học câu chuyện “Chén mủng vùa”* nên đều cố gắng chăm sóc các cụ chu đáo, sợ rằng quả báo nhãn tiền, đến phiên mình bị con cháu bạc đãi thì đáng đời.

 Tuy vậy, bệnh Alzheimer (mất trí nhớ, lú lẫn) làm khổ nhiều người già.  Chuyện anh V mới cười ra nước mắt. Ông cụ anh ấy ngoại 80, da dẻ còn hồng hào nhưng đau lắc nhắc liên hồi, khi mất ngủ, khi đau đầu, khi tiêu chảy, khi chán ăn,… Anh V ở nhà riêng nhưng sáng nào khi ông cụ có chuyện là anh về săn sóc ngay. Ông cụ bảo:

-         Anh thật tốt bụng. Khi nào tui đau là có anh ngay. Tui biết ơn lắm.
-         Con lo cho ba là chuyện phải làm mà ba. Anh trả lời.
-         Anh đâu phải con tui. Cái thằng V đó tệ lắm. Cả năm nay hắn không thèm ngó ngàng chi tui cả. Ông cụ đáp lại rất tỉnh táo.
-         Con là V đây. Ba không nhận ra con à?
-         Anh giống thằng V lắm, nhưng tánh anh tốt, còn nó là thằng bất hiếu. Hiếu là đầu của trăm đức hạnh đấy. Con tui, tui biết mà. Anh đừng bao che cho hắn.

Cái khổ là đây. Tám người con ông cụ chỉ quên mặt chỉ một người con chí hiếu đang ở cạnh ông: anh V. Khi còn trẻ, ông cụ rất vui tính và hay đùa nghịch. Lần khác, ông cụ đau, anh V về chăm sóc. Ông cụ bảo:
 
-         Trưa nay, anh ở lại ăn cơm cho vui.
-         Dạ, ba nằm nghỉ cho khỏe. Con cũng ra ghế nằm một tí.
-         Ừ, mà anh nằm sấp hay nằm ngữa?

 Cười trừ chứ giận hờn gì ông lão ngoại 80 đáng yêu đó. Anh V rất hãnh diện có người cha vui tính và trọng hiếu đạo thế.

 Anh T thì mẹ già cũng ngoại 80 ở quê. Anh đưa bà cụ lên phố ở chung để chăm sóc cho tiện. Mới ăn xong, hàng xóm ghé chơi, hỏi thăm:

-         Cụ dùng cơm chưa?
-         Cơm mô mà ăn. Mấy ngày ni tụi hắn không cho tui ăn chi cả.

 Ôi chao! Oan ơi ,ông địa! Chưa hết mô. Thỉnh thoảng, nhớ họ hang làng xóm, bà trốn khỏi nhà, thuê xe thồ về thăm quê. Anh T nhận điện thoại của mấy bà con dưới quê, sao anh để mệ về làng một mỉnh rứa. Thế là anh vui vẻ ba chân bốn cẳng chạy về đón mệ lên, nói: "Mạ đi mô nói con chở, mạ đi rứa con biết mô mà tìm.".

 Kiếp nhân sinh là thế. Tụi tôi gặp nhau kể lể với nhau chuyện nhà, chứ không ai không lo cho các cụ. Đó là hình ảnh của chúng tôi mươi năm nữa. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Cầu trời phù hộ cho các cụ tìm thấy niềm an lạc trong những ngày còn trên cõi đời này.

Nghĩ về tuổi thọ, về cái chết để sống cho thanh thản, đừng vơ vét của cải, đừng tham lam chức quyền, đừng thù hận tha nhân, đừng hẹp hòi bảo thủ, đừng hiếp đáp kẻ yếu,... mà thấy lẽ vô thường, mà dẹp bớt tham sân si, âu cũng đáng cho  chúng ta suy nghĩ chứ.

* Chén mủng vùa

 Có một anh nọ nuôi một người cha già ngoại 60 tuổi. Anh chăm sóc khá chu đáo nhưng ông cụ đã già, tay chân run rấy nên thường đánh rơi và làm vỡ chén. Anh tiếc của, bàn với vợ lấy gáo dừa, cưa làm chén cho cha ăn. Chén gáo dừa (ở miền Nam còn gọi là mủng vùa) rơi khó bể, mà bể thì cũng không mất bao nhiêu tiền. Ông cụ dùng chén gáo dừa, ăn kém ngon nhưng đúng như anh suy tính, ít hao tốn cho nhà anh.

 Một hôm, anh thấy dứa con trai 6 tuổi đang cưa gáo dừa trên hè nhà. Anh hỏi:

- Con đang làm cái gì vậy?

Đứa bé thật thà trả lời:

 - Con làm chén mủng vùa. Khi cha già như ông nôi, cha có chén để ăn, khỏi rơi bể.

 Nghe xong, anh tỉnh ngộ ra. Từ đấy, anh không còn keo kiệt, xử tệ với ông cụ như trước đây.

79 nhận xét:


  1. TEM!
    Chúc chiều về thân tâm an lạc!

    Trả lờiXóa
  2. Người già là thế đó. Họ đã sống hơn ba thế hệ thì những hồi ức thời thanh xuân tràn về, những chuyện chỉ có đồng trang lứa mới hiểu nổi. Khi đã biết như thế thì lòng thanh thản thôi mà, phải không bạn?
    Chúc quý cụ an lạc. Chúc quý bạn, gia đình của các cụ an vui!

    Trả lờiXóa
  3. Sinh, lão, bệnh, tử. Quy luật mà bác, không ai thoát khỏi ngoại trừ thích đi tắt. Nhân chuyện, Ct xin hỏi có bác nào nhớ điển tích về câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" cho Ct học hỏi tí.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác. Còn câu thơ nớ thì của Đỗ Phủ, chứ đâu cso điển tích. Bác vào Google xem sao!

      Xóa

    2. Xin mạn phép bác Vĩnh Ba cho mình góp thêm hí:

      Câu "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" thường hay bị gán ghép lầm, tiếp nối vào lời của Khổng Tử trong thiên VI CHÍNH sách LUẬN NGỮ: " ...tam thập nhi lập ... ngũ thập nhi tri thiên mệnh"

      Thực ra, nó là 2 câu thơ trong bài KHÚC GIANG II của nhà thơ Đỗ Phủ :

      Phiên âm Hán-Việt

      Khúc giang II
      Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
      Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
      Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
      Nhân sinh thất thập cổ lai hy.

      Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
      Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
      Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
      Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.

      Bản dịch của Nhượng Tống

      Sông Khúc kỳ 2

      Mỗi buổi chầu về thế áo xuân,
      Đầu sông ngất ngưởng uống say lăn!
      Sống đời bảy chục xưa nay hiếm!
      Nợ rượu đầy nơi khất khứa dần!

      Cánh buồm luồn hoa nhìn thấp thoáng
      Đuôi chuồn điểm nước gợn lăn tăn.
      Phong quang nhắn bảo cùng trôi chuyển,
      Tạm chút làm vui, chớ lữa lần!

      Xóa

    3. Tôi gõ phím nhầm, xin chỉnh lại:

      "Cánh bướm luồn hoa nhìn thấp thoáng"

      "Cánh bướm", không phải là "cánh buồm"

      Xóa
    4. Vậy a?
      1. Nhớ năm 1982, ông nội của bạn Ct cho rằng câu này có điển tích là một ông phú hộ già (hay thương gia ... có tên, có địa danh gì gì đó, vì hồi đó Ct không để tâm đến) đến 72 tuổi cưới bà nhỏ và năm sau sinh con trai kháu khỉnh. Câu nói cho rằng độ tuổi 70 mà vẫn sung sức là điều hiếm có. Không phải là sống được đến 70 là hiếm.
      2. Giờ, mấy anh phóng viên hay gán câu nói đó của cụ Hồ.

      Xóa
    5. Ct nè, bi chừ ở Huế có nhà thơ bảo ri: "...70 tuổi mới dậy thì.
      80 tuổi mới biết đi vào đời...".
      Ct nghĩ răng? hihehihe.. Bật mí nhé, nhà thơ nớ có bà con họ với mệ VB đó.

      Xóa
    6. Dân chơi như ôn Viễn Bào thì có mộtj không hai rồi. Anh với tui không bì nổi mô,

      Xóa
  4. Người già khi nhớ khi quên anh Vĩnh Ba nhỉ . Không biết mai mốt khi mình già có như thế không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn là tóa lọa hơn. Vì thông tin bây giờ quá nhiều. Lúc đó, mình "tua" lại thì nó chạy tầm bậy tầm bạ, TYV à.

      Xóa
  5. UI!!!! Sống thọ mà khỏe mạnh thì nên sống. Chứ như BN đau hoài cũng chán lắm thầy ơi. Không có thuốc thì gần như không sống nổi đấy ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi! Nhắc hoài mới qua thăm tui. Tưởng "gút bai" tui rồi chứ.

      Xóa
  6. Bảy mươi đâu gọi là già
    Bảy mươi sức khỏe vẩn là năm mươi
    Năm mươi mà vẩn cứ lười
    Cả ngày chẳng bước quá mười bước chân
    Đó là già khổ tấm thân
    Một mình một chỏng người thân lo rầu.

    Trả lờiXóa
  7. Cầu trời phù hộ cho các cụ tìm thấy niềm an lạc trong những ngày còn trên cõi đời này.
    MÌNH ĐANG NGẤP NGHÉ " HỈ LAI CÔ '', NHỮNG VẪN CỐ TÌM MỌI CÁCH LẤP ĐẦY... NGÀY THÁNG.
    NHIỀU LÚC CŨNG THẤY NGAO NGÁN... RỒI THÔI!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao giống mình vậy? Ngán như cơm nếp dù ngày nào cũng cà phê, tán dốc với mấy cụ hơn 70.

      Xóa
    2. Đừng có dại mà chơi với mấy cụ trên 70 Eng V3 ơi. Vẫn biết là "ai đoán được ngày mai", nhưng cứ theo luật công bằng tương đối "chui ra trước - chui vô trước" thì khi các cụ chui mẹ đi rồi là anh chẳng còn ai để ngồi tán dóc đó nghe.

      Xóa
    3. Dại khôn gì ở tuổi của chúng ta. Gặp đâu hay đó vậy, anh Giáo thôn ơi!.

      Xóa
  8. Chúc mừng anh Vĩnh Ba có Mẹ già vẫn còn mạnh khỏe. Đến đời anh em mình chắc chẳng được như vậy đâu anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Hi hi! Trời cho mà! Mình gặp hên. E kiếp trước có tu thì phải. Hi hi!

      Xóa
  9. Mùa Vu lan, đọc bài ni lại nhớ đến mạ mình! Sống hiền thiện, ra đi thanh thản, nhẹ nhàng mặc dù chưa tới 90, mười hai năm rồi đó.
    Bác có lúc vẫn nói chuyện tỉnh táo mà, hôm trước ghé thăm, bác hỏi đủ chuyện nhưng có lẽ không còn nhận ra mình nữa! Gần 100 mà còn đi lại được, còn nói chuyện được là quá tốt rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là quá quý. Nhưng cũng thong cảm cho căn bệnh Alzheimer, nó có chừa ai!

      Xóa
    2. Đinh gởi bài ni cho VHPG, nhưng thấy hơi bờ lơn tầm phào. Bạn nghĩ sao?

      Xóa
  10. Bác đã qua 60 mươi rồi nên nếu có bị "giải tỏa" thì chắc chắn sẽ được cấp lô tái định cư. Em mới bốn mấy nên có chút lo lắng. Vì thế, vừa rồi em gửi hồ sơ về dưới âm ty cho lão Diêm Vương, đơn xin lão Diêm Vương , thứ nhất cho em sống thêm 100 năm nữa, thứ hai cho em đăng ký tạm trú để phòng khi nhận lệnh đột xuất về đoàn tụ với tổ tiên thì có chỗ mà nghĩ chân.
    Lão Diêm Vương đã nhận được hồ sơ nhưng nói chưa duyệt. Lý do, thời gian gần đây số lượng người nhập cư về đấy nhiều quá. Trong đó có những người còn quá trẻ. Nguyên nhân thì có nhiều . Người thì lũ cuống trôi, sa lổ cống nước khi trời mưa to, rớt ổ voi , ổ trâu khi tham gia giao thông; người thì do bị xả lũ hồ thủy điện; người thì do sử dụng ma túy quá liều...đặc biệt có 03 trẻ vừa mới sanh cũng phải nhập cư về đó vì bị tiêm vắc xin và mới đây thì có đến mấy mạng đi trên ca nô qua địa phận Cần Giờ thuộc thành phố HCM đã bị Long Vương nhận bà con...
    Nghe xong em nói với lão Diêm Vương: Khi nào đến hồ sơ của em thì mong lão mở lòng từ bi báo trước nhé!
    Chúc bác sức khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời còm rất thú vị. Lão Diêm vương VN này lu bù công việc. Bạn thư thả một tí chờ giải quyết sau nha.

      Xóa
  11. Chưa chi mà anh đã nghĩ đến ngày đó rùi sao? Coi hình thấy anh còn khỏe lắm dù hơi... thanh mảnh. Cầu chúc anh an lạc, sống khỏe như các cụ vậy!

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài thấy Mẹ anh Vĩnh Ba vậy là quí lắm ! Những câu hỏi của Mẹ anh dể thương , có hại ai mô ...Ước gì Mẹ MN cũng còn sống và hỏi như thế !
    Mùa Vu Lan kính chúc Mẹ anh mạnh khỏe , sống vui bên con cháu . Chúc anh mãi hạnh phúc được gọi hoài hai tiếng Mẹ ơi .

    Trả lờiXóa
  13. Thầy ơi -Giair thích giùm em đầy đủ câu ''cõi ta bà '' với -Em cảm ơn thầy -
    Chúc thầy một tối an bình -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng ra là CÕI SA BÀ THẾ GIỚI, tiếng Sankrit (Phạn) là sahalokadhătu, là cõi của con người, cõi trần thế nơi con người phải học nhiều kham nhẫn để đạt được giác ngộ. Vì thế còn gọi là KHAM NHẪN THẾ GIỚI.

      Xóa
    2. Em đã đọc vài lần từ này trong thơ và em cũng chỉ hiểu là cõi trần thế (thiếu phải không thầy )-vừa rồi em cũng định cho vào thơ mà nghĩ thấy mình chưa hiẻu đủ nghĩa lên không dám dùng -
      Cảm ơn thầy nhiều -chúc thầy thứ bảy yêu thương -ấm cúng cùng gia đình -

      Xóa
    3. Hiểu như bạn là đúng rồi. Bây giờ mọi người hiểu thế.

      Xóa
  14. Bác VB à. Mẹ tui "bách tuế" rồi nhưng vẫn còn làm thủ quỹ giỗ chạp được bác ạ. Trợ cấp XH của bà khi mô tui cũng thêm vô 20 ngàn/tháng để bà vui mừng và dùng tiền đó mua cá phóng sanh.Nghĩ càng thương mẹ quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ bà là bậc đại hiền mẫu. Quá sức quý! Cầu trời phật phù hộ cho cụ luôn luôn minh mẫn đến phút cuối cùng đời cụ. Nam mô A Di Đà Phật!

      Xóa
  15. Xin kể câu chuyện nầy hầu quý vị trong thôn Eng V3:

    Có anh nọ tuổi cỡ 45, dẫn cha già trên 85, hơi lẩm cẩm, ra công viên chơi. Hai cha con ngồi trên ghế đá nhìn mông lung thì bổng một con chim sẻ sà xuống trước mặt. Người cha nhìn anh con, nói con chi rứa con hè? Anh con trả lời đó là con chim sẻ thưa cha.
    Chừng vài phút sau ông lại nói con chi rứa con hè? Anh con trả lời con chim sẻ thưa cha, hồi nãy con đã nói rồi.
    Lần thứ ba cũng vậy.
    Chừng phút sau - lần thứ tư, người cha hỏi lại con chi rứa con hè? Anh con bực bội dằn từng tiếng đó - là - con - chim - sẻ - đã - nói
    - 3 - lần - rồi - ông - nhớ - chưa?
    Tới đây thì người cha không hỏi nữa. Ngồi yên một lúc, rươm rướm nước mắt, ông nói con có nhớ là hồi còn nhỏ mỗi lần thấy cái chi hơi lạ con hỏi cha đó là cái chi không dưới 10 lần và cha vẫn nhẫn nại trả lời cho con không?
    Anh con ngồi nhớ lại, rồi nước mắt rưng rưng, rồi ngồi xuống úp mặt vào hai đầu gối của cha, òa khóc, nói cha ơi con đã nhớ rồi!
    ...
    Chuyện là rứa đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện này được dựng thành pps hay lắm. Nếu mọi người mà còn nhớ được cái thuở nằm hầm, ăn cơm nhân dân ... thì đâu có như bây chừ. Bạn nhắc mình nhớ lại cái pps nớ. Cám ơn nghen!

      Xóa
  16. Chuyện này được dung thành pps hay lắm. Nếu mọi người mà còn nhớ được cái thuở nằm hầm, ăn cơm nhân dân ... thì đâu có như bây chừ. Bạn nhắc mình nhớ lại cái pps nớ. Cám ơn nghen!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Eng V3 nói quả không sai. Nhưng đã có công thức thế nầy:

      TM + LT = - CS

      Ghi chú: TM (thông minh); LT (lương thiện); Còn CS là chi thì khỏi nói cũng biết rồi, phải khôôn Eng V3 hè?



      Xóa
    2. Hai trong ba cái đó nó triệt tiêu một cái. Toán học đó. Mình biết rồi. Lý thú lắm.

      Xóa
  17. Những người già nhưng vẫn còn khỏe mạnh là điều hạnh phúc lắm, chúc mừng Bà, anh nhé.
    HD không sợ già, chỉ sợ rủi ro đau ốm thì khổ lắm...
    Chúc anh bình an!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn nhiều. Ốm đau hay mệt mỏi thì thà "good bye" sớm, hay hơn.

      Xóa
  18. Mừng VB mùa Vu Lan này vẫn còn bông hồng cài áo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh NH lắm. Bông hồng với bông trắng là do sư NH bày ra vô cùng tào lao. Phân biệt mà làm chi. Mình cứ hết lòng với cha mẹ. Còn hay mất là chuyện của ông Trời.

      Xóa
  19. Tôi xin được chết khi thân thể còn được gọi là khỏe mạnh, thế là tốt nhất! Tuổi già rồi bệnh tật đã hành xác mà còn lm phiền con cháu kể công kể lễ chăm sóc.. "trích lời của ba"
    Vu Lan sắp đến chúc chúng sanh an lạc - connecting chúng sanh!
    Nam Mô A Di Đà Phật
    Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
    Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

    Trả lờiXóa
  20. Cháu chúc chú luôn vui khỏe ah!

    Trả lờiXóa
  21. Các cụ ngày trước ai ai cũng trên dưới 100 tuổi hết . Tới lớp của bon em chắc mon men tuổi 60 là đã nghe mừng rồi . Người già bị lẫn là thường , gần nhà em có bà cụ chỉ trên 80 thôi mà lẫn nặng lắm , mỗi lần ghé thăm cụ chỉ một câu hỏi thôi mà cứ lặp đi lặp lại miết làm mình cũng ráng trả lời cho cụ hài lòng .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thấy đó mà lấy làm gương để sống sao không phải hối hận. Chúc bạn một Vu lan vui vẻ.

      Xóa
  22. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc anh Vĩnh Ba mùa Vu Lan tràn đầy niềm vui bên Mẫu thân và gia đình .
      ( xin lỗi anh vì lời com trên bị lỗi nên EMT xóa )

      Xóa
  23. Tuổi cao sống vui , sống khỏe bên con cháu là một diễm phúc lớn bạn nhỉ .
    Vào thăm bạn đầu tuần.Chúc bạn vui .Thân .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bạn ước mong. Nhưng đôi khi bệnh tật vô tình đến với ta thì đành chịu, biết kêu ai.

      Xóa
  24. "thất thập cổ lai hy" chúc anh vui vẻ ấm áp mãi.

    Trả lờiXóa
  25. Thăm và chúc Bà Cụ cùng gia đình bác VB mãi an vui dồi dào sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  26. Đúng vậy ! sống thọ mà còn mạnh khỏe tinh anh đi đứng tự mình lo cho mình thì quả là đại phúc đức , còn sống thọ mà nằm một nơi , từ tắm rửa , vệ sinh thường nhật , ngay cả đến bữa ăn cũng phải có người giúp , rồi con cháu nó khổ nó cằn nhằn , nó mắng chó chửi mèo thì người xưa bảo là :
    " Đa thọ đa nhục "
    Nhưng tất cả là do trời định chẳng ai muốn mà được ...Con người ta sinh ra đời hầu hết quãng đời từ lúc mở mắt cất tiếng khóc oe oe cho tới khi hất hàm thở dốc rồi nhắm mắt xuôi tay ...Quãng đời này là của chúng ta , chúng ta có quyền tự do định đoạt , bằng chính lựa chọn của chúng ta hay của cha mẹ ...Vợ con bằng hữu , nhưng duy chỉ có sinh ra và lúc chết đi thì chúng ta không có quyền lựa chọn , đó là chuyện tự nhiên ...
    Vậy thì ai có phước mới được đau tim một cơn rồi nhắm mắt ra đi , mà người ta gọi là :
    " Chết bất đắc kỳ tử "
    Còn vô phước sống trong cảnh " Thần kinh thương nhớ "nửa tỉnh nửa mê cứ nằm đó mà không chịu ra đi , vé tàu đã mua ...Dễ gì chết được
    Cám ơn bạn đã viết một bài về nhân sinh đáng quí cho người đọc có dịp suy gẫm ...nay mai sẽ tới phiên mình thôi , xin cầu nguyện khi nào không thấy Ký Gàn dán thơ nữa mặc dù Bác 3V có hối đó là lúc đã lìa xa bạn bè rôi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cứ còn ngày nào thì vui ngày đó đã, miễn là sống tử tế, đúng đạo lý với tất cả mọi người.

      Xóa
  27. Các cụ nhiều chuyện lắm anh ơi !. Khi nào gặp tâm sự tiếp chúc anh khỏe .Cho Nhân số đt , đt của Nhân : 0914079225

    Trả lờiXóa
  28. tuổi già sợ nhất là bệnh tật anh ạ, đã không làm ra tiền rồi mà còn nằm một chỗ báo đời con cháu thì khổ lắm ... thăm anh, đọc entry mà thấy buồn buồn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sinh lão bệnh tử mà. Có ai tránh khỏi. Biết thế mà đừng THAM SÂN SI.

      Xóa
  29. Nghe ĐP nói chú em bác vừa qua đời? Nếu thực, LV xin chia buồn và nhờ bác thắp giúp nén nhang cho chú ấy nhé

    Trả lờiXóa
  30. Chào hiền huynh Vĩnh Ba ! Sau một thời gian đệ tạm vắng, nay trở về thăm chúc huynh được vui khỏe nghen, lúc nầy vì nhớ nghề nên... đệ tập tành gỏ đầu mấy đứa cháu huynh ạ......Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn phải ghé mình nhiều. Chiều tà fquán rất hấp dẫn.

      Xóa
  31. Cố sống khỏe, chết nhanh bác à!

    Trả lờiXóa