Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (8)


 Không khi nào Luyến thấy ông Húc nói nhiều như hôm nay. Ông nói say sưa như chưa từng được nói. Trước đây, cô thấy ông sống âm thầm và nhẫn nhục lạ thường, như thể ông không có mặt trên cõi đời này hoặc thì có như cái ghế, cái bàn đã cũ nằm trong kho đồ thừa. Suốt ngày nếu không đi làm, ông chẳng nói năng chi, chỉ đọc mấy tờ báo, uống nước trà rồi nằm ngủ. Cô cũng chẳng hiểu biết gì về bà con thân thuộc hay bạn bè của ông trừ một số người cùng cơ quan. Lòng ông nghĩ gì, bụng ông ôm ấp ước mơ gì đố cô mà hiểu. Bây giờ ông khác hẳn. Ông thông thái ra, khôn lanh ra, như có một sức sống mới truyền vào trong cái thân thể đang điêu tàn của ông. Luyến nghe ông Húc nói, nghe và bâng khuâng trong bụng, cố tìm xem cái bóng dáng ngày nào của ông hiện giờ ở đâu?


            Ngày trước, nhà Luyến ở phố Tô Hiến Thành, nhìn ra là thấy công viên Lê Nin. Đó là là biệt thự của một gia đình tư sản Công giáo đã bỏ đi Nam hồi 54 cùng với cả triệu giáo dân. Một hai năm sau ngày đất nước thống nhất, con trai ông chủ nhà có ra nhìn lại căn nhà cũ của họ. Dạo đó Luyến đã học lớp 5, đang nhặt rau ở vòi nước trong sân. Cô nhớ mang máng đó là một người đàn ông với đầu tóc rậm rì, đi giày da, đeo kiếng râm, áo quần vô cùng khác lạ. Hắn phì phèo một điếu thuốc, len lét đứng ở đường nhìn vào rồi đi. Lát sau, hắn ghé lại và hỏi thăm bà cụ bán nước chè trên lề đường cạnh nhà. Bà cụ mách lại nên mọi người mới biết. Chẳng hiểu sao cái dáng lạ lẫm của hắn lại còn đọng lại trong trí Luyến đến bây giờ.
           Căn nhà Luyến ở thuộc loại oách trong khu phố. Hàng trụ rào cao quá đầu người với các thanh bê tông gác ngang vây quanh căn nhà, khoảng sân lát xi măng kẻ ca rô và cái bể chứa nước cao ở góc sân làm căn nhà trông đúng là “tư sản”. Cái tầng cấp cao với hai lối vào kiểu biệt thự Pháp dẫn đến sảnh chính giữa nhà đã long vôi vữa theo thời gian vẫn giữ lại cho nó cái nét sang trọng ngày xưa. Hai gốc sứ già oằn mình chồm một phần ra lề đường, phủ chút bóng cho quán nước chè của một bà cụ già. Luyến thuở còn tiểu học hay đứng ở hai gốc cây ấy, nghe lõm bà cụ nói chuyện với các chú thanh niên công nhân ngồi hai cẳng bỏ trên ghế, uống nước trà ăn kẹo lạc. Tiếng rít thuốc lào vo vo là những âm thanh quen thuộc, nghe êm êm làm sao trong trí nhớ của cô.
Tầng trệt của căn nhà dành cho gia đình một ông bác sĩ quân đội và người vợ cán bộ ở Hội phụ nữ thành phố và gia đình một ông giáo sư đại học. Hai gia đình này tiêu chuẩn cao hơn, đời sống của họ hơn hẳn các nhà hàng xóm. Chiếc cầu thang ngoại bên hông dẫn lên tầng trên với 4 gia đình trong đó có nhà Luyến. Cái ga-ra xe phia sau lại là nơi ở của một gia đình khác, một chú cán bộ ở ngành giết mổ. Bảy gia đình chen chúc trong ngôi nhà trước đây của chỉ một gia đình, êm ấm trong những năm tháng khổ cực của thời chiến chinh và kinh tế bao cấp. Trông ra ai cũng như ai, kín đáo và giản dị như từ một chiếc khuôn đúc ra.
Luyến còn nhớ thời thơ ấu đầy khó khăn đó của cô, cái thời khó khăn chung của bao người chung quanh trong lúc chiến tranh. Học hành không phải là điều thu hút tâm trí cô. Những quyển sách giấy đen sì, những quyển vở thô ráp và những lớp học chật chội. Cô chỉ được cái khoẻ ăn và to xác, ăn tất tần tật những cái gì mà mẹ cô tha từ bếp ăn tập thể của cơ quan về. Dạo mới mười một tuổi đầu, học hết cấp 1 cô đã cao to hơn bạn cùng lớp nhiều.
- Mày được cái to xác. Học hành chẳng ra làm sao? Bố cô, ông Húc, vẫn thường cằn nhằn.
- Thế nó bỏ đi sao? Thế chẳng được sao? Không to khoẻ thì lấy sức đâu mà lao động. Có người thế này, có người thế kia chứ. Ai cũng rành chữ nghĩa như ông chắc. Mai sau không khéo ông lại nhờ nó đấy. Lương thì ba cọc ba đồng mà cứ chữ với nghĩa. Mẹ cô đáp lại.
- Bà cứ hay bênh con. Tôi cũng chỉ mong cho nó có chữ. Chiến tranh rồi cũng phải qua đi chứ. Cái gien của bà chỉ phát triển có cái bắp thịt. Con bé khéo rồi cũng như bà.
- Như tôi thì đã sao? Ơ hay! Ông la con hay mắng xéo tôi đấy. Cứ cái thói phong kiến xứ Huế của ông. Đàn bà đái không qua ngọn cỏ này nuôi cả nhà đấy nhé.
Mẹ Luyến làm cấp dưỡng ở Sở Văn Hoá thành phố nơi ông Húc làm việc. Khi họ lấy nhau thì ông Húc đã bốn mươi tuổi sau khi mòn mỏi đợi ngày đất nước thống nhất. Như bao chàng trai xứ Huế ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, ông Húc đâu nghĩ được rằng cái ngày đó cứ xa dần không biết bao giờ mới đến. Tin tức miền Nam ngày càng heo hút mà chiến trường thì ngày càng ác liệt. Rồi ông Húc như không chờ mong gì nữa, ngã vào lòng cô cấp dưỡng trẻ còn học bổ túc lớp 7, nhỏ thua mình đến hơn một giáp. Mấy gói kẹo Hải Hà và vài ba bình trà  do cơ quan sắp xếp đã khai sinh một gia đình mới. Luyến là con gái đầu lòng của họ. Cô còn có một đứa em gái và một thằng em trai.  
Luyến nhớ có lần cô thấy mẹ cô ngồi khóc rấm rứt trong phòng. Ông Húc thì tỉnh bơ nằm đọc báo ở chiếc chuồng cu. Đây là một tác phẩm độc đáo của ông. Hôm nào đó, ông vác về nhà mấy thanh đà gỗ. Cái cửa sổ được tháo đi. Sau mấy hôm cặm cụi với mấy chú bạn biết nghề mộc, một chiếc chòi con chốm mình ra bên hông nhà, phên lùng bùng tráp giấy bìa thùng hàng nhưng thoải mái cho một người nằm. Giang sơn riêng của ông được tạo lập. Xấp báo cũ mượn từ cơ quan, bình trà Hải Dương với hai chiếc cốc nằm trong góc cạnh cái quạt tai voi Liên Xô. Cái kiểu ở khu tập thể Kim Liên đấy, mày lên đấy mà xem, ông nói.
À, thì ra để có thêm chỗ sinh hoạt, các hộ trong các khu tập thể đã phát minh ra kiểu chuồng cu tân thời này: vì con cái họ mỗi ngày một lớn, họ tận dụng thêm một chút không gian giữa trời, coi như chẳng thuộc về ai. Cũng thế, ông Húc rất hãnh diện với công trình vĩ đại này, tự hào vì đã giỏi giang biến không thành có này. Ông chăm chút quét dọn, lau chùi từng ngày. Ông thường nằm nhẹ nhàng lên chiếu, ngưỡng nhìn mái trần chỉ nhỉnh hơn đầu ông một chút nếu ông đứng lên sàn, rồi lặng nhìn mông vào nó. Luyến vẫn còn nhớ nét mặt khoan khoái của bố cô ngày ấy.
Thật ra, Luyến cũng chưa hiểu hết nỗi lòng ông Húc. Cái chuồng cu không chỉ là một khoảng không gian nới thêm để làm rộng căn nhà được nhà nước phân cho. Ngàn lần không phải thế. Nó là tài sản của riêng ông, do ông tạo nên, không một sổ sách của ai nào khác có ghi tên. Vâng, ông cũng chẳng hề đăng ký với bất kỳ một cơ quan nào cái tài sản này. Thế mới thú vị chứ. Trong cuộc sống mà mọi cái đều là của tập thể, là do nhà nước quản lí, kể cả mấy cái tư tưởng nằm trong óc người, cái của riêng như thế này là cả một cổ vật hãn hữu. Lòng tư hữu, ý thức cá nhân trong ông nhổm dậy, bám víu vào tim ông khiến đôi lúc ông cười khan một mình.

41 nhận xét:

  1. Cái "chuồng cu" dành cho người này không biết do ai nghĩ ra, tuy có lẽ không an toàn nhưng cũng giúp cho nhiều người có thêm chỗ để sinh hoạt....

    Trả lờiXóa
  2. CHÀ TÌM MÔ RA CÁI QUẠT TAI VOI , TẶNG CHO BẢO TÀNG ANH V3 ƠI .
    " KÍN ĐÁO VÀ GIẢN DỊ NHƯ TỪ MỘT CHIẾC KHUÔN ĐÚC RA ''. ĐỘC ĐÁO LẮM !

    Trả lờiXóa
  3. Chúc anh và thân quyến đón tết vui vẻ, an lành

    Trả lờiXóa
  4. NT qua thăm anh và đọc tiếp GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG. Câu chuyện ngày xưa, nơi cái sân trường thật thú vị. Tư hữu và công ghữu muôn đời giằng co.
    Chúc anh những ngày giáp Tết vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  5. Xem ra bác VB đã sống qua cảnh này?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông cậu VB đã ở như thế và hình mẫu cho ông Húc đấy.

      Xóa
  6. Ở một căn biệt thự mà còn ráng thêm cái chuồng cu! Ý thức tư hữu+ lòng tham cố hữu trong con người từ thời bao cấp được khuyến khích phát triển thành đại nạn tham nhũng hôm nay đó . Đoạn này mình chưa có, mấy đoạn cũ cũng mất luôn bên yahoo rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lòng tham thì là chuyện muôn đời. Chỉ tiếc việc chế tài nó không tích cực, quá sức tào lao.
      Bên Yahoo mình cũng mất một số bài nho nhỏ.
      Ăn Tết vui vẻ nghen.

      Xóa
  7. NHÂN DỊP XUÂN GIÁP NGỌ 2014 , HUY THANH XIN CHÚC VĨNH BA MỘT NĂM TÀI LỘC DỒI DÀO MAY MẮN,VẠN SỰ NHƯ Ý.
    KÍNH CHÚC
    HUY THANH

    Trả lờiXóa
  8. Nếu không có "lòng tư hữu , ý thức cá nhân " thì đâu có vấn nạn tham nhũng ở mọi thời đại anh VB nhỉ .
    EMT Chúc anh VB cùng gia đình một năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG- VẠN SỰ NHƯ Ý .
    http://i1184.photobucket.com/albums/z335/tranthuytruc1/Flowers/ankhangthinhvuong-vsny_zps2f3ef1b1.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề là quản lý thế nào để khống chế hợp lý ý thức tư hữu.

      Xóa
  9. CÂU CHUYỆN LÀM ST NHỚ HN CŨ, NGÀY THÁNG CŨ QUÁ CHỪNG...

    Trả lờiXóa
  10. Đọc đoạn này để hiểu thêm cảnh sống tập thể những năm chiến tranh. Giáo chờ đọc tiếp...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong khó khăn, một chút cỏn con của cải đã là vui rồi.

      Xóa
  11. "Trong cuộc sống mà mọi cái đều là của tập thể, là do nhà nước quản lí, kể cả mấy cái tư tưởng nằm trong óc người, cái của riêng như thế này là cả một cổ vật hãn hữu. Lòng tư hữu, ý thức cá nhân trong ông nhổm dậy, bám víu vào tim ông khiến đôi lúc ông cười khan một mình."

    HAY LẮM!

    Trả lờiXóa
  12. Tiễn đông đi để đón xuân tươi
    Chúc anh năm mới thêm niềm vui
    Phát lộc phát tài nhiều may mắn
    Trọn vẹn xuân sang đẹp tuyệt vời (~_~)

    http://i817.photobucket.com/albums/zz95/tyeu05/399835689jpg_6nTU7_20130125153333_zps724a622c.gif

    http://i1086.photobucket.com/albums/j446/hadangtin/Duong/2014BD_zpsa32927f0.gif

    Trả lờiXóa
  13. Sang thăm chúc anh năm mới an vui hạnh phúc nhé.

    Trả lờiXóa
  14. CHÚC XUÂN GIÁP NGỌ

    Chúc Ngọ năm nay có mấy vần
    Chúc trời, chúc đất, chúc mùa xuân
    Chúc Dân chủ ấy thêm cao rộng
    Chúc Pháp quyền này đủ chữ nhân
    Chúc Đất nước mình mau đổi mới
    Chúc Nhân quyền đó hợp lòng dân
    Chúc người đủ máy ham cày ruộng
    Chúc ngựa trâu ngon cứ tái, lăn
    Lê Vân

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu cuối hơi tội cho trâu ngựa. Xin góp ý thành: Chúc ngựa trâu nay bớt nhọc nhằn.

      Xóa
  15. BƯỚC QUA NĂM 2014 NM KÍNH CHÚC ANH VB VÀ GIA ĐÌNH MỘT CÁI TẾT VUI VẺ VÀ MỘT NĂM MỚI NHIỀU MAY MẮN, AN LÀNH,HANH PHÚC ,THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn. Cũng chúc bạn và gia đình một mùa xuân an lạc.

      Xóa
  16. Đầu xuân năm mới, Red chúc bác VB và gia đình sức khỏe, an khang thịnh vượng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vô cùng cảm xúc trước lời chúc của bạn vào ngày đẫu xuân. Chúc bạn khỏe và ghé chơi blog này hoài.

      Xóa
  17. Anh viết dài dài một chút đọc cho "đã", viết ngắn quá làm mọi người phải chờ mãi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ post dài hơn. Tết nhứt vui chơi cái đã chứ. Đọc truyện mình đau đầu lắm.

      Xóa
  18. Mấy ngày Tết VB kiêng đi nên nằm nhà viết thật đã. Chúc mừng cô Luyến thăng hoa qua ngòi bút VB.

    Trả lờiXóa