Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Thử truy nguyên một vài thành ngữ thông thường



Thành ngữ là những cụm từ nhằm diễn tả một khái niệm nào đó. Thành ngữ chưa thành câu đầy đủ. Qua thời gian, đôi khi chúng ta nói trại ra, tam sao thất bổn,  thay đổi đôi chút, ý nghĩa thì vẫn giữ như cũ nhưng lại khiến nghĩa của từng chữ một khó hiểu vô vàn. Người viết vào tra ở Google thấy được đó là những thành ngữ khá thông dụng. Tuy nhiên, tại sao lại viết khó hiểu như thế khiến mỗi người giải thích mỗi kiểu, rất chủ quan. Phải chăng chúng ta nên cố gắng tìm lại nguyên gốc của thành ngữ mới có  được sự thấu hiểu chính xác. Đây cũng chỉ là một thử nghiệm, cần có sự phản biện của nhiều người khác.


1. Với  thành  ngữ “Đinh tai nhức óc” Google cho đến 2.230.000 kết quả. Thật quá sức bất ngờ với số lượng người đã dùng nó với nghĩa là rất ồn ào, làm người nghe khó chịu đến mức khổ sở. Tuy nhiên, có ai tự hỏi tại sao lại là “đinh tai”? Nếu ta tách chữ “đinh” ra khỏi cụm từ “đinh tai” thì không có nghĩa gì dính líu tới việc gây ra một âm thanh với cường độ mạnh hay làm đau, làm tổn thương vật gì. Trong khi đó, với cấu tạo quen thuộc của thành ngữ Việt, “đinh” phải là một động từ ứng với động  từ “nhức” ở vế sau. 

Phải chăng thành ngữ trên nguyên phải là “Inh tai nhức óc”? Theo Từ điển tiếng Việt của Văn Tân, “Inh” là một phó từ như trong “khóc inh”, “gắt inh” hay tính từ trong “inh ỏi” và là động từ như trong “inh tai”.

2. Thành ngữ “Đồng không mông quạnh” cũng vậy. Nó có nghĩa là rất hoang vu, không có người lui tới sinh sống. Tuy vậy, khi giải nghĩa chữ “mông” ta lại vô cùng khó nói. Dân chúng không mấy khi dùng một từ hiếm và tối nghĩa như thế trong ngôn ngữ thường ngày.

Trong các từ điển Hán Việt và tiếng Việt, tính từ “mông” có nghĩa tối tăm, mờ mịt, mơ hồ…; danh từ “mông” thì có nghĩa là một, phần sau người hay vật dưới thắt lưng như mông heo, thịt mông,...; hai, trẻ nhỏ như trong huấn mông,…. Có ý kiến cho rằng Mông vốn là một từ cổ, chỉ bãi trống giữa những cánh đồng. Từ này đang được lưu giữ trong một số thổ ngữ ở Nghệ Tĩnh.

Ta loại bỏ phần chữ “mông” tính từ vì buộc nó phải là danh từ để đối với “đồng” trong “đồng không”. Các nghĩa khác của danh từ mông đều khiên cưỡng và khó hiểu.

Phải chăng thành ngữ trên phải là “Đồng không sông quạnh”, đã bị đọc trại ra như ở câu thành ngữ trên. Trên đồng không bóng người và trên sông cũng quạnh quẽ đò ghe. Rõ ràng thành ngữ này đã nói lên được một cách đầy đủ sự hoang vu của một vùng đất.

3.      Thành ngữ “Ăn tro mò trú” có lẽ hơi xa lạ với nhiều người. Trong bài thơ “Tau chửi”, nhà thơ Trần Vàng Sao viết: “Tau đầu tắt mặt tối/ đổ mồ hôi sôi nước mắt/ vẫn đồng không trự nõ có/ suốt cả đời ăn tro mò trú/ suốt cả đời khố chuối Trần Minh…”

Thật ra từ này có dị bản ở miền Bắc là “Ăn gio bọ trấu”. Gio bếp tức tro bếp; vỏ trấu giọng Trung là vỏ trú.

Cả thành ngữ có nghĩa là sống nghèo khó, khổ cực vô cùng, như anh Trần Minh không có vải mặc phải đóng khố bằng lá chuối. Tuy nhiên, “ăn tro/ gio” là gì? Vô lẽ lấy tro mà nấu ăn.

            Chúng tôi nghĩ rằng thành ngữ này nguyên phải là “Măn tro mò trú”. Vì sao thế? Măn cũng như mò là động từ chỉ việc dùng ngón tay tác động vào một vật nào đó trong tư thế tìm kiếm một cái gì. Trong tro trú thường không còn có gì, thế mà cứ măn mo tìm kiếm có còn sót cái gì không, đây đúng là cảnh nghèo khố cùng cực.

            Giải thích như thế thuận tai hơn, phải không?

4. Ví dụ nữa là thành ngữ “Mệt bở cả hơi tai”. Tai thì làm sao có hơi, với lại bở cả hơi tai thì thật vô cùng tối nghĩa. 

Thông thường chúng ta thở bằng mũi và miệng. Quá mệt thì hả họng ra như thể để  không khí đi vào phổi cho dễ dàng. Nói thở bằng tai là một lối nói cường điệu nhằm mô tả sự quá mệt
       Chúng tôi từ đấy nghĩ rằng thành ngữ này phải là “Mệt thở cả hai tai”.

            5. Thành ngữ “Bút sa gà chết” nói đến tình trạng đặt bút ký sai một giấy tờ, một văn bản nào đó, sau đó phải chịu thiệt hại vô vàn vì lỗi lầm trên. Điều cần chú ý nhất là khi bị thiệt hại lớn lao người ta mới dùng thành ngữ trên. 
 
            Vậy thì cụm từ “gà chết” trong thành ngữ trên xét ra rất nghèo hình ảnh và ý nghĩa. Lý do là con gà đối với người dân ta là một con vật quen thuộc và giá trị không nhiều. Ngay ở thôn quê, nhà nào cũng có thể nuôi vài ba con gà, thả rong trong vườn, mặc chúng bươi móc kiếm ăn. Chiều lại chủ nhà ném cho chúng ăn thêm vài ba nạm thóc hoặc cơm thừa là đủ. Do đó, chết con gà thì thiệt thòi đâu có bao nhiêu.

            Chúng tôi cho rằng nó phải là “Bút sa nhà hết” mới chí lí. Cái sai lầm tai hại đó phải trả giá bằng cả gia sản mới đáng nói đến.

            Trên đây là một số ví dụ mà chúng tôi muốn trao đổi với các nhà nghiên cứu về tiếng Việt. Bên cạnh các thành ngữ khác rất súc tích và sống động trong tiếng Việt của chúng ta, chúng lạc loài một cách vô vị. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, hẳn chúng không phải nguyên vốn như thế. Công việc truy nguyên này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian hơn.

            Mong rằng có nhiều người hơn góp sức vào đề xuất này.


16 nhận xét:

  1. MN mừng nhà mới anh Vĩnh Ba . Chúc anh mùa giáng sinh an lành , hạnh phúc .

    Trả lờiXóa
  2. HIII...em post bài nó cũng ko ra từng trang rời mà chung một trang dài như anh đây

    Trả lờiXóa
  3. Anh Ba ơi có những trận mưa dầm mà không ước , có những cái ước không cần mưa .
    Nhân ngày giáng thế năm nay ,
    Cúi xin thượng đế một ngày bình an

    Trả lờiXóa
  4. Bác Vĩnh Ba thật uyên bác! Bái phục !

    Trả lờiXóa
  5. VB lắm công nên viết giỏi!

    Trả lờiXóa