Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Văn tế Võ hiển Đại học sĩ, Tráng Liệt Bá, Tổng thống Quân vụ, Khâm mệnh đại thần Nguyễn Tri Phương

(Tưởng niệm 139 năm ngày mất của Ngài, 01.11 năm Quý Dậu - 1873)


Than ôi!
Thành đã mất rồi1,
Tướng sao sống được.
Lấy cái chết mà đền ơn thuỷ thổ, trăm năm hơn vẫn nức tiếng trung can,
Gạt tay thù2 để tạ nghĩa quân thần, bao đời nữa còn vang danh đởm lược.
Kìa áo mão phong ban chẳng hổ, người mất đi chính khí ngút trời cao,
Ấy luỹ đồn tan nát âu đành, giặc xâm chiếm kinh tâm chàm mặt ác.
Gương trí dũng3 khuyên son trong sử sách, ngàn sau con cháu thơm lây,
Đền hiếu trung4 sáng rõ giữa đất trời, muôn thuở xóm làng xanh mát.
Đúng kỳ huý kỵ, tưởng nhớ tiền nhân,
Y lệ lưu truyền, kính dâng lễ bạc.

 
Nhớ tướng quân xưa,
Hình thân tráng kiện, tướng mạo khôi ngô,
Trí tuệ phi phàm, tánh tình thuần phác.
Nhà thanh bạch quyết theo nòi thi lễ, từ văn đến võ học cần cù,
Nếp gia phong giữ rạng chốn hương lân, trên tổng dưới làng khen tấm tắc.
Đất Đường Long5 dùi mài kinh sử, Luận Ngữ Tôn Ngô thông thuộc, tài thư sinh một án lừng vang6,
Chốn Kinh Thành bàn luận cơ mưu, Binh Thư Toán Pháp thục thuần, thân tiểu lại mấy lần cất nhắc.
Dưới bệ rồng trổ tài nghiên bút, đấng minh quân khôn xiết ngợi khen7,
Nơi nội các tận sức văn thư, bạn đồng sự vô cùng tâm đắc.
Biên tu rồi Thừa chỉ, chiếu chương nhả ngọc phun châu,
Thị giảng đến Hồng lô8, sách sử hiểu nam rõ bắc,
Thuở yên bình thanh thản, chốn công đường tu chí phận làm quan9,
Lúc loạn lạc lan tràn, miền biên viễn can trường thân giết giặc.
Phận Tổng đốc vẫn chan hoà cùng sĩ tốt, nơi trận tiền chẳng sợ mũi tên bay,
Vai Khâm sai mà xông xáo giữa sa trường, chốn binh hoả ngán chi hòn đạn lạc.
An Hà nam phạt, Lạc Hoá thắng, Ba Xuyên lại thắng10, thổ phỉ hoàn lương,
Chân Lạp tây chinh, Ông Nôn hàng, Phi Nhã cũng hàng11, lân bang thần phục.
Triều trung danh tước vua ban,12
Võ miếu công lao bia khắc.
Rời khổn ngoại kiếm cung mà sự quốc, nghiêm minh thay bậc Phụ chánh Đại thần13,
Lập đồn điền làng mạc để an dân14, vất vả bấy quan Nam kỳ Kinh lược.
Mong sao ổn định sơn hà,
Cầu được thái bình xã tắc

Ai hay đâu,
Bọn Tây dương tham giàu hám lợi, nơi nơi tóm thu thuộc địa, nuôi dã tâm chiếm đất gấm hoa,
Dân Nam bang quen cấy rành cày, chốn chốn chịu nạn xâm lăng, vẫn quyết chiến liều thân cỏ rác.
Thây kệ tàu đồng súng thép, đền bồi một kiếp ơn vua,
Cứ việc gươm ngắn giáo dài, báo đáp bao đời nợ nước.
Can đảm có mà thô sơ vũ khí, đồn tiếp đồn Đà Nẵng phút tiêu vong15,
Đảm lược dư song rời rạc quân phong, trận nối trận Lang Sa thừa loạn sát.
Ải mất binh lui nối tiếp, Lê Đình Lý trí thương thọ tử, tướng quân tuân chiếu giúp binh triều,
Hào sâu luỹ hiểm dọc ngang, Ge-noui-lly16 tổn thất hồn kinh, quân địch cuốn cờ bày kế khác.
Đà Nẵng bại giặc tấn công Gia Định, máu tuôn xương chất chập chùng,.
Sài Gòn mất17 địch tập kích Quảng Nam, pháo nổ đạn bay sàn sạt.
Đất tiên tổ há cho Bạch quỉ chiếm, Bến Nghé đón anh hùng18.
Miếu tiền nhân sao để Tây man nằm, Đồng Nai phơi xác giặc.
Trứng chọi đá không nao thân bách chiến, phất phơ râu trắng trước cờ vàng19
Chấu đá xe nào ngán súng thần công, mù mịt khói đen hoà tóc bạc.
Đồn Kỳ Hoà Tán Lý Nguyễn Duy táng mạng20, Nam quân dăm kẻ sống còn,
Xứ Gò Công Lãnh Binh Trương Định mộ dân, Pháp tặc lắm phen chết ngặt.


Than ôi!
Lửa chinh chiến tràn lan,
Khói can qua chưa tắt.
Tàu địch chìm sông đã lắm, Nhật Tảo hoả hồng21,
Binh tà bỏ xác quá chừng, Kiên Giang kiếm bạt.
Những tưởng có phen hạnh vận, đuổi được bọn cường đồ,
Ai ngờ gặp buổi mạt kỳ, thua đau bầy xấc xược.
Thời sao chẳng phù người trung hiếu, Trương tướng công tuẫn tiết trước quân thù22,
Thế lại không giúp kẻ nghị hoà, Phan học sĩ từ trần bằng chén độc.23
Đất đai thì có hạn, miền Đông nhượng rồi miền Tây24 cũng mất, hàng hàng quân tướng sửng sờ,
Giặc cướp lại bên hông, Nam kỳ thua e cả nước đâu yên, lớp lớp sĩ dân nháo nhác.
Thêm loạn đảng viễn biên như kiến, Lạng Tuyên Ninh Thái25 lao đao,
Còn quân binh tảo phạt tựa mèo, Phủ Huyện Tổng Nha ngơ ngác.
 
May có tướng quân,
Vâng chiếu thiên nhan,
Tảo thanh khấu tặc.26
Giặc Phụng, giặc Nùng, giặc Khách, thấy lão thần tham chiến, lũ phỉ teo gan,
Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen, nghe danh tướng xuất chinh, bọn Tàu vỡ mật27
Thắng chen bại biết bao tân khổ, ùn ùn tiệp báo kinh kỳ,
Giáng rồi thăng mấy độ phù trầm, tiếp tiếp danh đề yên các.28
Binh triều mấy lần giáp trận, liên miên đánh bại quân Man,
Khâm mệnh hai lượt đốc binh, lần lượt dẹp yên cõi Bắc.
 
Ai hay bọn Pháp,
Nạp tiền cắt đất chưa nguôi,
Chiếm cảng giành sông đã gắt.
Thịt trước miệng hùm thơm quá, nòi thực dân vốn từ bản chất, thoả lòng chi lũ sài lang.
Dê trong vuốt cọp khổ sao, giống đế quốc nguyên tự thâm căn, tha mạng đâu bầy bạo ngược.
Đồ Phổ Nghĩa29 tham lam hám lợi, dòng Hồng Hà muốn biến của riêng tư,
Gạc- ni-ê30 xấc láo nghênh ngang, đất Hà Nội xem như miền hoang hoác.
Bắt dân bắt lính nhiều phen,
Hiếp tướng hiếp quan đủ mặt.
Quen thói tệ chúng luôn dối trá, trong lòng bày mưu kế tấn công,
Cả lòng tin31, ta vẫn đề phòng, ngoài mặt lấy nghị hoà thuyết phục.
Bỗng một phút, đạn tặc tơi bời tám hướng, cửa vỡ thành tan,
Chẳng mấy lâu, binh triều hoảng loạn bốn phương, giáo phơi đao chất.
Sống chết đâu sờn lòng chiến đấu, tan thân bao trẻ mới đôi mươi
An nguy chẳng giảm nỗi căm thù, ưỡn ngực một già hơn bảy chục.
 
Ôi thôi!
Pháo giặc nào kiêng người dũng cảm, lão thần đạn bắn nát chân,
Đạn thù đâu tránh kẻ hiếu trung, phò mã32 hồn lìa khỏi xác.
Nén thân đau nhìn luỹ cháy đen trời.
Rơi nước mắt trông thành trơ đỏ đất.
Sa tay địch tủi hờn cho thế cuộc, thuốc thang cơm cháo phun tràn,
Ngẫm ơn vua hổ thẹn với tiền nhân, băng bó nẹp dây tháo vất.
Nhịn đói cam lòng,
Chịu đau mà mất.
Trời Đại Nam chợt tối, tướng sĩ luống nghẹn ngào,
Giòng Hồng Lạc nhói đau, lương dân càng quay quắt.
Trụ kình thiên ôi đà gãy đoạn, mai rồi ai bảo vệ giang san,
Bậc lương đống chốc đã về trời, hẳn thiếu kẻ tiểu trừ khấu tặc.

Than ôi!
Đấng hào kiệt tài kiêm văn võ, ngàn năm trí dũng hiếm nghe,
Người anh hùng tâm tải trung trinh, muôn kiếp phương danh còn nhắc.
Xót vì nỗi nước nhà suy thoái, khăng khăng không học nếp văn minh,
Kính bởi lòng sĩ hoạn ưu dân, nhất nhất chẳng dung bầy ác độc.
Dẫu hết lòng cứu nước, xót xa thay, lực bất tòng tâm33,
Vốn tận sức giữ thành, cay đắng thật, cường năng thắng nhược34.
Quan phẩm thế mà ở ăn đạm bạc, tấm gương ngời già trẻ xin noi,
Công lao kia nhưng nhà cửa thanh bần, mẫu mực sáng xa gần hãy học.
Càng thương càng kính, thiên niên trung hiếu một nhà,
Thêm phục thêm yêu, vạn cổ anh hùng35 những bậc.
Triều đình biết, muôn dân cũng biết, bao chốn phụng thờ.
Văn bia ghi, trăm sách đều ghi, mọi người khắc cốt.

Thương ôi! 

Tâm thành lời điếu, nén nhang,
Lễ bạc vành hoa, chén nước.
Sống đã làm võ tướng, diệt tặc an dân,
Chết tất hóa phúc thần, phù gia hộ quốc.
Hồn có hiển linh
Niệm tình thính độc.
 
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
 
Tháng 8 năm Nhâm Thìn (2012)
 
Chú thích: 

1. Thành Hà Nội mất vào tay Pháp năm 1873.
2. Ông từ chối thuốc men của người Pháp mà chịu chết để bảo toàn khí tiết.
3. Năm 1847, cụ Nguyễn Tri Phương được vua Thiệu Trị phong tặng danh hiệu “An Tây Trí dũng tướng” sau các chiến công tại Trấn Tây thành.
4. Đó là Trung Hiếu từ ở làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, nơi thờ cụ cùng Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm.
5. Cụ Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, người Đường Long, tổng Chánh Lộc, Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
6. Tại huyện đường Phong Điền, cụ đã thành công phá được một vụ án khá bí ẩn, từ đó nổi danh và được bổ làm thơ lại ở Kinh Thành.
7. Vua Minh Mạng từng khen cụ Nguyễn Tri Phương rằng. “Chữ tốt văn hay, dù bậc Đại khoa cũng không hơn được.”
8. Biên tu, Thừa chỉ, Thị giảng học sĩ, Hồng lô Tự khanh,.. là những chức vụ mà cụ từng giữ khi làm việc ở Nội các.
         9. Năm 1840, cụ được cử làm Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi)
        10.Năm 1841, cụ được bổ làm Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên) để dẹp phỉ tặc nổi dậy ở miền Nam. Cụ  thắng nhiều trận, trong đó có 02 trận lớn ở Ba Xuyên và Lạc Hoá, đánh tan quân thổ phỉ.
11.Ông Nôn là vua Chân Lạp có Phi Nhã Chất Tri (tướng Xiêm) giúp sức nổi lên chống đối, không chịu thần phục nước ta. Cụ đã đem quân chiếm Trấn Tây thành để bình định.
12.Vua Thiệu Trị phong cụ là An Tây Trí Dũng tướng; vua Tự Đức cải tên cụ là Nguyễn Tri Phương. (Dựa theo câu nói trong sách xưa, Dũng thả tri phương: Mạnh mà còn có mưu lược)
13.Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà. Đình thần theo di chiếu tôn cụ làm Phụ chánh Đại thần.
14.Khi làm Kinh lược Đại sứ ở Nam kỳ, cụ thực hiện chính sách khai khẩn đồn điền và đã lập được hơn 100 làng và 21 cơ đồn điền.
15.Năm 1858 Pháp tấn công Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lăng Việt Nam. Giặc hạ đồn An Hải,  Tôn Hải, rồi tấn công Liên Trì, Điện Hải,…
16.Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858)  Trung tướng Hải quân Pháp Rigault de Genouilly đem chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho cả thảy 14 chiếc và 3000 quân đánh Đà Nẵng.
17.Pháp tấn công Gia định lần thứ nhất vào năm 1859. Thành Sài Gòn bị chiếm, quan Hộ Đốc Vũ Văn Ninh tự vẫn, rồi bị san bằng.
18.Tháng 7 năm Canh Thân (1860) cụ Nguyễn Tri Phương khởi hành vào Gia Định, xây đồn Kỳ Hoà chống Pháp. Dân ta khinh khi người Pháp và Y Pha Nho, xem như Bạch quỷ, Tây man.
19.Cờ vàng tức cờ của binh triều.
20.Tán lý Nguyễn Duy là em ruột của cụ Nguyễn Tri Phương. Ông mất khi đại đồn Kỳ Hoà thất thủ năm 1861.
21.Hai trận Nhật Tảo và Kiên Giang là 2 chiến công lẫy lừng của Nguyễn Trung Trực. Ở  sông Nhật Tảo ông đã đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp.
22.Thất trận, Lãnh binh Trương Công Định tự sát năm 1864.
23.Sau hoà ước Nhâm Tuất (1862) nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn, ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, rồi chỉ trong 5 ngày (20-24), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long) không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất, ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 04.8.1867, hưởng thọ 72 tuổi.
24.Tức ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và ba tỉnh miền Tây (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long)
25.Lạng Tuyên Ninh Thái tức các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, và Thái Nguyên nơi có nhiều loạn đảng.
26. Cụ hai lần ra Bắc (1862 -1866  & 1870 - 1871) làm Tổng thống Quân vụ Khâm mạng Đại thần chỉ huy dẹp khấu tặc nơi đây.
27.Giặc Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), Cờ Đen (Lưu Vĩnh Phúc), Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị) đều là người Tàu, dư đảng của Ngô Côn, một phần còn lại của bọn Thái Bình Thiên Quốc.
28.Yên các: Gác khói, nơi đề tên các công thần.
29.Đồ Phổ Nghĩa tức tên lái súng Jean Dupuis. Y muốn toàn quyền sử dụng sông Hồng để buôn bán vũ khí với Vân Nam, Trung Quốc.
30.Francis Garnier, đại uý Pháp, người chỉ huy tấn công thành Hà Nội.
31.Triều đình Huế vẫn tin Garnier ra Hà Nội nhằm phân xử vụ Đồ Phổ Nghĩa và Pháp không tấn công thành Hà Nội.
32.Phò mã Nguyễn Lâm, con trai cụ Nguyễn Tri Phương, ra Hà Nội để săn sóc cha và cùng cụ  phòng thủ thành Hà Nội.
33.Lực bất tòng tâm: Sức lực không theo như ý muốn.
34.Cường năng thắng nhược: Mạnh thì thắng yếu.
35.Cả ba người anh hùng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm, đều được thờ tại Trung Hiếu từ.

41 nhận xét:

  1. Đúng là văn vĩnh tế

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Bạn chỉnh sửa để mọi người bình luận khỏi nhập mã mất công :
    - Vào Thiết kế.
    - Vào Cài đặt.
    - Vào BÀI đăng và Nhận xét.
    - Tìm dòng HIỂN THỊ XÁC MINH TỪ,nhấp chữ KHÔNG .
    - Ngược lên đầu trang, nhấp Lưu Cài đặt là xong

    Bài này bạn mới viết và đăng ở Văn Hóa Phật Giáo 167 rồi phải không?

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Bác Vĩnh Ba bỏ chế độ cài đặt nhập chuỗi mã khi người ta vào comment nhé. Bác thực hiện theo trình tự sau :
    - Vào THIẾT KẾ.
    - Vào CÀI ĐẶT.
    - Vào BÀI ĐĂNG VÀ NHẬN XÉT (trong mục CÀI ĐẶT - một dòng chung chứ không phải là 2 dòng BÀI ĐĂNG riêng , NHẬN XÉT riêng ).
    - Tìm dòng HIỂN THỊ XÁC MINH TỪ, nhấp chữ KHÔNG .
    - Tra chuột ngược lên đầu trang, nhấp LƯU CÀI ĐẶT.

    Trả lờiXóa
  6. Một bài văn tế hùng hồn tha thiết Cảm ơn anh đã cho dộc giả biết tài vì thể loại văn này hiện nay trên văn đàn ít ai viết được Chúc anh và gia đình một đêm GS AN LANH VUI VẺ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết khi mình chết, có ai viết văn tế cho mình không.

      Xóa
    2. Thưa bác Ba! Giá như ngày nay, có ai đó có được "tử khí" như cụ Nguyễn Tri Phương nhỉ.
      Bác đừng lo sau khi chết không có người viết văn tế! Ở đâu chứ ở xứ Thừa Trời thì họ tế sống luôn chứ không cần để đến chết đâu...Hi..hi.
      Chúc bác bước sang năm 2013 hạnh phúc!

      Xóa
    3. Không ai làm thì cho tuyệt chủng luôn! Văn tế cho Bác Ba à? Để làm chi? Cũng có kẻ còn tham luyến nhỉ?Hehehe...

      Xóa
    4. Bạn Tuyến ơi, chết rồi thì tế sống răng được. Còn sống làcòn tham lam chứ anh NH.

      Xóa
  7. Chúc bác giáng sinh an lành, năm mới gia đình hạnh phúc, viết được nhiều hơn nữa để bạn bè được đọc.

    Trả lờiXóa
  8. Bút lực vẫn dồi dào như thời còn ở Yahoo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết cho vui vì món này không ai viết. Cám ơn đã ghé chơi.

      Xóa
  9. hhihihi mừng vì tìm gặp được bạn hiền !

    Trả lờiXóa
  10. Một bài văn tế thật hay . Chúc anh đón năm 2013 mọi sự như ý và hạnh phúc. Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ghé thăm làm mình vui quá. Sợ ở đây không ai biết chứ.

      Xóa
  11. Ghé thăm anh đọc bài văn tế rất hay, Chúc anh khỏe mạnh và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ghé chơi cho vui nha. Bên này chưa quen được nhiều người nên blog mình còn vắng vẻ.

      Xóa
  12. Anh viết văn tế rất hay, thật ngưỡng mộ anh ạ
    Ngày mới an vui nha anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài Văn tế này đã đăng ở VHPG số mới nhất (15.12.2012)

      Xóa
  13. Bài văn tế đầy chất bi hùng.
    Chúc anh luôn an vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là nhân vật thuộc thẩm quyền nghiên cứu của bạn mà. Nhà nước đã công nhận thành Điện Hải là Di tích lịch sử và cho trùng tu, phải không?

      Xóa
  14. Hồi xưa em ớn nhất là môn sử - giờ đọc bài văn tế của anh Ba lại muốn học thêm sử - già quá rồi ko biết có còn kịp
    =======================


    http://vinhtontam.blogspot.com/
    Anh Ba qua link này để tìm hiểu ( blog anh Vĩnh bạn đồng hương của em có gì không hiểu thì hỏi anh ấy rất nhiệt tình hướng dẫn )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn. Học Sử để xem mình còn yêu nước hay không. Ai không tự hào về các trang sử như thế này thì hỏng rồi đó.

      Xóa
  15. Ghé thăm nhà đồng hương đọc bài văn tế rất hay
    Chúc anh luôn vui khỏe đón NEW YEAR an khang -thịnh vượng - vạn sự như ý nhé !

    Trả lờiXóa
  16. Chúc bác và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  17. Qua thăm anh được đọc những bài văn rất hay, kiến thức còn hạn hẹp nên HD chỉ biết đọc và cảm nhận thôi anh ạ
    Chúc anh nhiều sức khỏe và an vui!

    Trả lờiXóa
  18. Bài tế Thầy viết súc tích cô đọng hết sức. Quả thật là Thầy quá am hiểu về sử sách và tài hoa...Kính phục. Quan ngày xưa là thế! Quan ngày nay, từ chức cũng hiếm chứ đừng nói giữ được khí tiết ấy cũng khó Thầy hí?

    Trả lờiXóa
  19. "Quan phẩm thế mà ở ăn đạm bạc, tấm gương ngời già trẻ xin noi,
    Công lao kia nhưng nhà cửa thanh bần, mẫu mực sáng xa gần hãy học."
    Hay lắm!
    Bạn nên phổ biến rộng ra, cho lũ quan trôn học tập.
    Cám ơn bạn VB!

    Trả lờiXóa
  20. "Mong sao ổn định sơn hà,
    Cầu được thái bình xã tắc"

    Xin cám ơn và bái phục!

    Trả lờiXóa