Thiền
sư Liễu Quán là Thiền tổ thứ 35 dòng Lâm Tế và là người khai sanh thiền phái
Liễu Quán ở Việt Nam
ta. Ngài đã khai sơn các chùa Thiền Tôn, Viên Thông, Viên Giác ở Thuận Hóa, và
chùa Bảo Tịnh ở Phú Yên.
Ngài
người làng Bạc Mã, huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sinh năm 1667 (Đinh Mùi) từ
một gia đình nghèo. Ngài họ Lê, húy Thiệt Diệu,hiệu Liễu Quán, mồ côi mẹ từ hồi
lên sáu tuổi. Năm mười hai tuổi Ngài đi chùa Hội Tôn, gặp thiền sư Tế Viên, và
xin ở lại chùa để học đạo.
Năm
1690 (Canh Ngọ), Ngài ra Thuận Hóa, núi Hàm Long (Bảo Quốc), cầu học với thiền
sư Giác Phong. Năm 1695 (Ất Hợi), nghe
nói thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn lớn tại chùa Thiền Lâm, người đến xin
ghi tên thụ giới tỳ khưu tại giới đàn do thiền sư Từ Lâm là Hòa Thượng Ðường
Ðầu. Lúc thiền sư khai sơn thảo am Viên Thông năm 1697, lúc mới có 27
tuổi.
Năm
1702 (Nhâm Ngọ) Ngài được gặp thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Long Sơn (Từ
Đàm), Thuận Hóa. Năm 1708 (Mậu Tý) Sư vào Thuận Hóa – Viên Thông rồi vào núi
Thiên Thai, khai sơn một thảo am ở đây, trở lại Long Sơn, trình bày công
phu của mình với thiền sư Tử Dung.
Năm 1742 (Nhâm Tuất), lúc ấy thiền sư đã 72
tuổi, Thiền sư vẫn được cử làm Hòa Thượng Ðường Ðầu của giới đàn tổ chức tại
chùa Viên Thông. Mùa thu năm ấy, Thiền sư Liễu Quán an trú tại chùa Viên
Thông, đến giờ mùi, thiền sư nhắm mắt mà tịch trong tư thế kiết già.
Chúa
Võ Vương sắc làm bia và tháp cho Ngài, và ban thụy hiệu là "Ðạo Hạnh Thụy
Chính Giác Viên Ngộ Hòa Thượng".
Khu tháp Tổ Liễu Quán ở núi Thiên Thai là một cụm
kiến trúc lăng miếu đặc sắc, đáng được quan tâm nghiên cứu về các mặt kiến
trúc, mỹ thuật. lịch sử, phong thủy,…
Điều đáng quý là sau bao biến động của thời cuộc, bao tàn phá của mưa
gió thời gian, bao lần tu bổ, tháp Tổ Liễu Quán vẫn giữ được gần như nguyên vẹn
diện mạo ngày xưa khi được tái thiết kế vào năm Ất Hợi, tức năm Gia Long thứ 14
(1815). Chúng tôi phỏng đoán vậy là dựa vào bia trùng tu sẽ nói ở phần sau.
Trong bài viết
dưới đây, chúng tôi tập trung tìm hiểu về các văn bản chữ Hán hiện có tại khu
tháp này để làm rõ một số điều tồn nghi trong bài viết của ông L. Sogny đã dăng
trong BAVH, tập XV – năm 1928. Chúng tôi thiết nghĩ rằng ông Sogny đã nghiên
cứu công phu và nghiêm túc nhưng có đôi chỗ nhầm lẫn và đôi chỗ quá tổng quát,
lấy ý là chính nên không hiển lộ được ý nghĩa thâm uyên của các văn bản này.
1. Hoành, đối tại cổng chính tháp Tổ
Từ ngoài cổng
khu mộ đi vào, bước qua minh đường là cổng đi vào bảo tháp của Tổ. Cổng này rất
bề thế, có tầng cấp nhiều bậc đi lên, vẫn được bảo tồn như xưa, giữ được nét cổ
kính rêu phong rất nghiêm nhã.
Ngay chính giữa trên đầu cổng này có câu hoành như sau:
Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương. (曇 花 落 去 有 餘 香: Hoa đàm1 dù đã rụng mất hương thơm vẫn còn).
Câu này ý nói “Hòa thượng đã viên tịch, lời giảng kinh của Hòa thượng không còn nghe được nữa nhưng những lời dạy đó vẫn còn lưu lại trong tâm mọi người.”.
Hai bên cổng vào nói trên là một câu đối.
Vế bên phải từ ngoài nhìn vào là:
Bảo đạt trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy (寶 鐸 長 鳴, 不 断 門 前 流 綠 水: Mõ quý vang hoài, trước cửa dòng nước xanh trôi chẳng dứt).
Vế bên trái là:
Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn. (法 身 獨 露, 依 然 坐 裏 看 青 山: Pháp thân riêng lộ rõ, vẫn ngồi trong mà ngắm núi xanh như xưa).
Cạp đôi này gồm một vế động một vế tĩnh. Vế động (câu bên phải) tượng trưng cho tướng hành hoạt bên ngoài, vế tĩnh (câu bên trái) tượng trưng cho thể bất sinh bất diệc bên trong. Câu đối này ý nói Hòa thượng mất rồi nhưng tiếng mõ của Ngài còn vang mãi, lời dạy của Ngài vẫn như xưa như thể Ngài đang còn sống và đang ngắm núi xanh xa xa và nước biếc trôi hoài trước tháp.
Câu hoành và câu đối nói trên đã được đắp lại theo nét chữ ngày trước. Nét chữ rất thanh thoát và khá chân phương.
2. Bia đá tại chân tháp Tổ
Vào trong cửa, ngay ở chân tháp có một bia đá hình chữ nhật được gắn sâu vào mặt trước của chân tháp.
Trên đầu bia là hàng chữ “Vô Lượng Quang” (無 量 光: Ánh sáng vô lượng, và còn là danh hiệu của Phật A Di Đà)
Giữa lòng bia có hàng chữ “ Sắc tứ Chánh Giác Viên Ngộ Liễu công Lão Hòa thượng chi tháp” (勅 賜 正 覺 圓 悟 了 公 老 和 尚 之 塔: Tháp của Lão Hòa thượng Liễu công, (kỵ húy tên Liễu Quán của Hòa thượng), ngài được ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ)2
Vế đối bên phải là: Bổng hát chân phong gia kế thuật (棒 喝 眞 風 家 继 述: Phong cách gậy hét chân chính của thiền môn được dòng đạo này tiếp tục truyền thừa).3
Vế đối bên trái là: Tân lương4 mỹ hóa quốc bao vinh5 (津 梁 美 化 國 褒 榮: Làm cầu bến để tế độ chúng sinh nên nước nhà ngợi ca).
3. Nhà bia Khai hoàng Hậu thổ
Mặt trong la thành phía bên trái là một nhà bia. Tấm bia thờ có dòng
chữ chính giữa ghi là “Khai Hoàng, Hậu Thổ, Nguyên Quân5 từ tọa chi
vị” 開 皇 后 土 元 君 祠 座 之 位 (Bài vị thờ các
vị Thành Hoàng khai canh khai khẩn, Thổ Địa, và tổ tiên các đời trước).
Vế đối bên phải là: Uy trấn sơn xuyên, cầu tất ứng (威 鎭 山 川, 求 必 應:
Uy lực trấn khắp núi sông, ai cầu xin các ngài sẽ ứng.)
Vế đối bên trái là: Ân quang nhật nguyệt, đảo giai linh. (恩
光 日 月, 禱 皆 靈: Ân đức sáng lòa mặt trăng mặt trời, ai nguyện
chi đều linh nghiệm cả.)
Điều đáng chú ý là tấm bia này hình chữ nhật bằng đá cẩm thạch,
màu đậu huyết, chạm khắc rất tinh xảo, khá hiếm gặp. Chữ được khắc rất đẹp và sắc
nét, hiện nay vẫn còn đọc được rõ ràng. Tuy nhiên đầu triệu của bia lại bằng đá
cẩm thạch trắng, được làm riêng rồi gắn vào. E là do đợt trùng tu làm thêm. Hai
câu đối hai bên được đời sau tu bổ lại. Trong đợt trùng tu gần đây, toàn bộ phần nền của
tháp, nền phía ngoài la thành được lát bằng đá chẻ, phía trong được khỏa bằng nền
vôi.
4. Nhà bia tháp Tổ
Mặt trong la
thành phía bên phải là một nhà bia có tấm bia lớn6 ghi hành trạng
của Tổ Liễu Quán. Nội dung bia khá dài, đã được cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu
dịch7 nên sẽ không đề cập trong bài này.
Toàn bộ nhà
bia này tương tự nhà bia Khai Hoàng Hậu Thổ Nguyên Quân ở phía đối diện. Tấm
bia chính cũng bằng cẩm thạch đỏ. Đầu triệu của tấm bia cũng làm bằng đá hoa
cương thường gặp màu nhạt hơn gắn vào. Nhà bia bằng xi măng có mái lợp ngói âm
đương.
Thay vì trang trí bằng câu
đối như lệ thường, hai bên nhà bia có hai tấm bia nhỏ bằng
đá, gắn lõm sâu trong hai hộc hình chữ nhật dưới hai họa tiết trang trí mai
trúc.
- Bia bên phải nội dung như
sau8:
重
修 塔 祖 碑
天
台 山 禪 宗 寺 宗 門 眾 等 恭 奉 祖 德 重 光, 禪 堂 遠 照. 玆 見 寶 塔 老 翁 和 尚 已 經 頹 弊, 協 力 重 修. 事 以 落
成, 眾 同 燕 賀 祝 頌 曰:
雙 林 留 出 足 隻
履 顯 西 歸
不 生 總 不 滅 無
是 亦 無 非
慧 燈 長 存 照 丈
室 顯 容 儀
豈 辭 開 象 教 臨
溶 法 嗣 垂
嘉
隆 十 四 年 仲 夏 吉 日 弟 子 眾 等 今 全 立 石。
Phiên âm: TRÙNG TU THÁP TỔ BI
Thiên Thai sơn Thiền Tôn Tự Tông môn chúng đẳng cung phụng tổ đức trùng
quang, thiền đường viễn chiếu. Tư kiến bảo tháp lão ông hòa thượng dĩ kinh đồi
tệ, hiệp lực trùng tu. Sự dĩ lạc thành, chúng đồng yến hạ chúc tụng viết:
Song lâm9 lưu xuất túc
Chích lý hiển tây quy10
Bất sanh tổng bất diệt
Vô thị diệc vô phi
Tuệ đăng trường tồn chiếu
Trượng
thất hiển dung nghi
Khởi từ khai tượng giáo
Lâm dung pháp tự thùy.
Gia Long thập tứ niên trọng hạ nguyệt cát
nhật đệ tử chúng đẳng kim toàn lập thạch.
Dịch nghĩa: Bia trùng tu tháp Tổ
Chúng
tôi, tăng nhân và đệ tử của chùa Thiền Tôn, núi Thiên Thai, luôn chăm lo chùa
miếu để Tổ đức sáng thêm, thiền đường rạng chiếu xa gần. Nay thấy bảo tháp của
Lão Hòa thượng đã quá đổ nát nên chúng tôi góp sức trùng tu. Việc đã xong xuôi,
chúng tôi cùng nhau ăn mừng, và viết lời chúc sau:
Nơi
này đã lưu dấu chân của người xuất gia.
Nay
Thầy một mình về cõi Niết bàn.
Không
sinh ra nên cũng chẳng mất đi.
Không
đúng mà cũng không sai.
Đèn trí tuệ vẫn còn sáng mãi.
Phòng thiền vẫn còn bóng dáng uy
nghi của Thầy.
Kể từ ngày khai lập Thiền Lâm Tế ở
Trung Hoa
Nay đã có người nối dõi ở nước ta rồi.
(Rừng song8 lưu dấu chân
đi
Một hài vui bước Tây quy nhẹ nhàng
Không sinh nên cũng không tàn
Không sai không đúng sự phàm khác
xa
Đèn trí huệ vẫn sáng lòa
Phòng thiền vẫn bóng hiền hòa thầy
xưa
Kể từ khai giáo ban sơ
Mừng rằng nối pháp bây giờ có đây.)
Chúng đệ tử
nay dựng bia vào ngày tốt tháng tư năm Ất Hợi tức năm Gia Long thứ 14 (1815)
-
Bia bên trái có nội dung như sau7:
夫
人 生 兩 間 禀 乾 始 坤 元 而 成 質. 教 流 東 土 勸 眾 人 做 善 以 存 心. 是 故, 為 善 最 樂, 良 知 因 果 以 無 差, 捨
施 寵 多, 夢 醒 塵 寰 之 不 錯. 善 願 良 心 有 慈 航 而 必 渡,
信 誠 一 念 憑 慧 燭 以 超 昇. 因 賦 古 風 謂 為 銘 曰﹕
誌
詩 曰:
世
界 三 千 一 果 藏
祇
園 鷲 嶺 活 茫 茫
善
緣 崇 起 施 無 量
福
果 圓 成 適 樂 邦
廣
照 冥 途 憑 慧 燭
濟
離 苦 海 仗 慈 航
維
新 寶 塔 千 秋 跡
信
善 咸 零 慶 會 堂
朱 門 貴 爵 士 信 人 等 玆 施 主:
欽 差 屬 內 掌 奇 正 管 圖 家 謹 慎 侯 黃 文 緣 法 名 性 覺,同 緣 黎 氏 格 法 名 性 聰,鄧 氏 富 法 名 性 直,
善 願 良 心 資 財 信 供 積 緣 流 芳. 是 為 銘 矣。
天 運 乙 亥 年 仲 夏 月 吉 日 立 石。
Phiên âm: Phù
nhân sinh lưỡng gian bẩm càn thuỷ khôn nguyên nhi thành chất. Giáo lưu đông thổ
khuyến chúng nhân tố thiện dĩ tồn tâm. Thị cố, vi thiện tối lạc, lương tri nhân
quả dĩ vô sai, xả thi sủng đa, mộng tỉnh trần hoàn chi bất thác. Thiện nguyện
lương tâm hữu từ hàng nhi tất độ, tín thành nhất niệm bằng tuệ chúc dĩ siêu
thăng. Nhân phú cổ phong vị vi minh viết:
Chí thi viết:
Thế giới tam thiên nhất quả tàng,
Kỳ viên Thứu lãnh hoạt mang mang
Thiện duyên sùng khởi thí vô lượng
Phúc quả viên thành thích lạc bang
Quảng chiếu minh đồ bằng tuệ chúc
Tế ly khổ hải trượng từ hàng
Duy tân bửu tháp thiên thu tích
Tín thiện hàm linh khánh hội đàng (đường).
Khâm sai thuộc
nội chưởng kỳ chánh quản Đồ Gia11 Cẩn Thận Hầu Hoàng văn Duyên pháp
danh Tánh Giác, đồng duyên Lê thị Cách pháp danh Tánh Thông, Đặng thị Phú pháp
danh Tánh Trực thiện nguyện lương tâm tư tài tín cúng, tích duyên lưu phương.
Thị vi minh hỹ.
Thiên
vận Ất Hợi niên trọng hạ nguyệt cát nhật lập thạch.
Dịch nghĩa: Ôi, sinh ra làm người trong
cõi nhân gian này vốn dĩ nguyên do đất trời âm dương tạo thành. Đạo Phật truyền
đến Đông thổ cốt khuyên mọi người làm việc thiện để giữ tâm an lạc. Cho nên,
làm việc thiện thì vui vô cùng, mới hay lý nhân quả không hề sai, bỏ việc thu
quén thật nhiều thì tỉnh mộng trần gian mới hiểu là nên vậy. Kẻ có lương tâm và
thiện nguyện ắt được thuyền từ tế độ, người có lòng tín thành thì nhờ đuốc tuệ
để siêu thăng. Nhân dịp trùng tu này viết bài thơ cổ phong làm bài minh vậy.
Thơ ghi rằng:
Một quả chứa ba ngàn thế giới
Vườn Kỳ đỉnh Thứu vui phơi phới
Thiện duyên bùng dậy giúp bao người
Phước quả vuông tròn vui cõi mới
Soi sáng đường đêm đuốc tuệ soi
Vượt qua biển khổ thuyền từ đợi
Sửa sang tháp quý lưu ngàn sau
Muôn kẻ tín tâm cùng tụ hội.
Các nhà hằng tâm hằng sản, người có chức tước cao, người
có lòng tin thành xin làm thí chủ:
Cẩn Thận Hầu Hoàng Văn Duyên, pháp danh Tánh Giác, Khâm
sai thuộc Nội chưởng kỳ làm Chánh quản Đồ Gia và vợ là bà Lê thị Cách, pháp
danh Tánh Thông, bà ĐặngThị Phú, pháp danh Tánh Trực có lòng thiện nguyện cúng
dường tài vật, tích duyên tích đức đế lại tiếng thơm. Nay ghi vào đây.
Năm Ất Hợi, tháng Tư ngày tốt lập bia này.
Hai tấm bia trùng tu này dù làm sau, nhưng chất lượng đá
sa thạch của bia không chịu nổi sự tàn phá của mưa gió. Mặt bia đã mòn, nhiều
chữ đã mờ hẳn. Có lẽ phải chạm lại một số chữ trên hai tấm bia trên hoặc có
biện pháp để bảo quản tốt hơn.
Chúng tôi dựa
vào thông tin từ các bia, vật liệu kiến trúc tạm thời suy đoán rằng vì khu tháp
đã bị tàn phá dưới thời Tây Sơn khá nhiều nên diện mạo kiến trúc hôm nay chúng
ta thấy chính là do đã được trùng tu vào năm Gia Long thứ 14. Trong bia trùng
tu có nói là bảo tháp đã đổ nát. Hai đầu triệu ở bia Khai Hoàng và bia Tổ khác
loại đá với thân bia được thêm vào vv…. Chất liệu nề và ngói âm dương cũng
không thấy ở lăng các Chúa. Ở thời này, qua lăng mộ của các Chúa Nguyễn thì
phần lớn bằng vôi vữa và gạch vồ. Quy mô lăng của các Chúa cũng nhỏ nhắn và
không uy nghi bằng. Trong khi mộ Tổ với tầng cấp, cổng vào rất uy nghi và trang
trọng. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm xây dựng này cần nhiều nghiên cứu
khoa học và cụ thể hơn.
Thật đáng mừng khi thấy khu tháp Tổ Liễu Quán thiền sư đến
nay vẫn còn cổ kính và nghiêm phong như ngày ấy, xứng đáng với công đức khuyến
giáo của Tổ vậy. Công đức bảo tồn tháp Tổ thật đáng ngợi khen.
Chú thích:
1. Hoa đàm là hoa ưu đàm (trong tiếng Phạn hay tiếng
Pali là udumbara, có nghĩa là “loài hoa linh
thiêng mang điềm lành từ Trời”. Hoa đàm đuốc tuệ trong thuật
ngữ Phật giáo chỉ giáo lý của đức Phật.
2. Chỗ này Sogny dịch nhầm là Hòa thượng Liễu Công Lão, thành ra vô
nghĩa.
3. Tiếng hét và gậy đập (bổng hát) là hai phương tiện giáo hóa của sư
Lâm Tế. Sư Liễu Quán là Tổ thứ 35 của Lâm Tế tông. Bài viết của Sogny không nói
tới chi tiết này.
4. Tân lương là tỉ dụ cây cầu tế độ chúng
sinh. Dẫn chứng trong Đôn Hoàng biến văn tập. Duy Ma Cật kinh giảng kinh: “Nhược yếu phao ly
sinh tử hương. Tu tri nội ngoại tác tân lương.” Nghĩa là muốn rời khỏi quê
hương sinh tử, phải biết làm cầu bến trong với ngoài. (敦 煌 變
文 集· 维 摩 詰 經 講 經:“若
要 抛 離 生 死 鄉,须 知 内 外 作 津 梁.” )
(theo tự điển online zdict.net)
5. Bao vinh là khen ngợi khôn xiết. Lấy từ tích, khi Khổng Tử viết
kinh Xuân Thu, khen ai một chữ thì được xem như là một đóa hoa trên áo cổn nhà
vua (Nhất tự chi bao, vinh như cổn hoa, )
5. Nguyên Quân
là tổ tiên (theo tự điển online zdict.net)
6. Bia dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), tức thời Chúa Hiếu Võ
Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765). Trên bia có dấu triện vuông ghi là “Quốc
Tông ngự bút chi bảo”. Ông Sogny nhầm là Hiếu Ninh Vương.
7. Xem đặc san Liễu Quán số 1/ Tháng 1.2014 hay tạp chí Nghiên cứu
Huế Tập 6/ 2008 (Phan Đăng).
8. Nội dung hai tấm bia trùng tu này được thầy Tâm An gửi cho.
Chúng tôi dịch theo bản in này và có đối chiếu với bia.
9. Song lâm là Song thọ lâm, rừng cây sala, nơi đức Phật nhập diệt.
Ở đây ẩn dụ nơi Tổ Liễu Quán viên tịch. Ông Sogny không hiểu điển tích này nên
dịch là “Ngài đã xây dựng trú xứ ở một tỉnh khác tỉnh nguyên quán của mình.”
10. Chích lý Tây quy: Một
chiếc hài đi về phía Tây, ý nói đã nhập Niết Bàn. Lấy từ tích Tổ Đạt Ma tây
quy. Tống Vân đi sứ ở Tây Vực về, ngang qua núi Thông Lãnh thì thấy Tổ Đạt Ma
vác gậy, treo một chiếc dép, phi hành như gió. Tổ ngoái đầu lại bảo, Tống Vân về
gấp, chủ của nhà ngươi sắp đi. Tống Vân
về đến triều thì vua mất. Tống Vân nghiệm thấy quá linh nghiệm. Về sau khi khai
quật tháp Đạt Ma thì trong quan tài không thấy di thể của Tổ mà chỉ còn một chiếc
dép.
11. Đồ Gia là một cơ sở chế tạo sản xuất của triều Nguyễn nằm
ngoài cửa Chánh Nam
(cửa Nhà Đồ)
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba – Tháng 12/2013.
Gửi cho VHPG chưa?
Trả lờiXóaĐã đăng số mới nhất Văn Hóa Phật giáo số 196, ngày 1.3.2014.
Xóarồi
XóaAnh ạ, có lẽ em phải tìm sách về Phật giáo đọc thêm để hiểu vì sao nó lại có một sức mạnh gần như ma mị đến như thế. Nhiều học sinh của em còn rất trẻ, trai có gái có, vậy mà đi Chùa riết rồi đi tu luôn, không muốn lấy vợ hay chồng gì cả. Anh giới thiệu cho em vài quyển sách nào nên đọc về đạo Phật với. Em rất rảnh rỗi nên có thể đọc được, hiều được bao nhiêu thì hiểu. Bài viết của anh đã gợi cho em cảm hứng đó đấy!
Trả lờiXóaBạn mua báo VHPG đọc mỗi tháng 2 kỳ đã. Mình thỉnh thoảng viết cho báo này. Sau đó, mình giới thiệu sách sau.
XóaCTT vào Google đánh "Phật Thích Ca" rồi từ đó, đọc một số bài liên quan để có khái niệm chung. Từ từ rồi sẽ đi vào từng chi tiết. Mình nghĩ Google có đủ. Đọc hết đã mệt rồi.
XóaVâng ạ! Em sẽ dọc loạt bài viết về Phật xem sao. Trong cuốn "Cơ sở văn hóa Việt Nam", tác giả cũng nói nhiều đến đạo Phật. Em cũng có xem rồi!
Xóachuẩn đó
XóaHi! Mụ Phù Thủy có thể kiếm mấy cuốn của Thích Nhật Từ để đọc -
Trả lờiXóaBây giờ thì thiếu gì sách. Vào Google đánh PG Việt Nam là có ngay.
XóaCảm ơn Hoasen vang và anh Vĩnh Ba nhé! Mình sẽ tìm đọc xem sao chứ mình tò mò lắm!
XóaLâu ngày qua thăm aVB thôi, chớ cs ko đủ trình độ đọc bài ni.
Trả lờiXóaChúc aVB luôn vui, sáng tác khỏe nghe.
Ghé chơi là vui rồi. Cám ơn.
XóaBài viết hay quá. Ngắn gọn, súc tích và công phu. Nể!
Trả lờiXóaNgười xưa có lắm đức hạnh mà nay khó ai theo kịp.
XóaMột bài viết có nhiều tư liệu hay... Tui thì mê tượng đài Liễu Quán ở đường Lê Lợi, quá đẹp... Nghe nói sau 75 mấy ổng định "hốt hết"... may mà có người can kịp...
Trả lờiXóaNước ta thì chỉ có "may mà.." như bạn nói thôi. Biết làm sao hơn!
XóaTuần mới EMT sang thăm anh VB và được đọc một bài viết hay nhưng chưa hiểu được nên sẽ qua đọc nữa anh VB ạ.
Trả lờiXóaChúc anh luôn vui.
Mừng có bạn ghé chơi.
XóaSang thăm anh lại được đọc một bài về di tích Phật giáo VN và biết thêm về một vị Tổ dòng Lâm Tế.
Trả lờiXóaRất mong gặp và trò chuyện với bạn. GCST có đọc được không?
Xóaeva flight
book vé máy bay đi mỹ
phong ve korean air
mua ve may bay di my hang korea
đặt vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch