Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (15)


http://nguyenphucvinhba.blogspot.com/2013/11/gion-chon-san-truong-truyen-dai.html

Những chuyện cũ vẫn còn lẩn quẩn trong đầu, Vũ đi vào nhà bảo vệ, vừa thả người xuống ghế thì Quát cũng vào, ngồi phạch xuống ghế đối diện và lên tiếng:
            - Trường mình càng ngày càng buồn hí. Sáng ni em mệt đừ. Đạp một két thầy ơi!
            - Cậu thì không có cái gì nói ngoài bia với rượu à? Đợi mình tới mà khoe hả?
Quát giơ cái mặt lì lì bởi men bia chưa tan, đáp:
- Dạo trước em nghe thầy cũng uống như hũ chìm hũ nổi. Chừ thầy già rồi, uống không nổi nên la tụi em.
            - Cậu chỉ giỏi lý sự. Dạo ấy còn bao cấp, còn 13 ki lô gạo độn sắn lát mốc cời, còn ăn bo bo mai ị ra còn thấy nguyên hột, đạp chiếc xe cà tàng trật sên trật búa cả chục cây số,... thì không nản lòng sao được. Cả nước gần chết đói thì uống rượu sắn cho nó chết sớm ngày nào hay ngày ấy. Chừ thoải mái xe pháo rủng rỉnh, lễ hội linh đình, phải khác đi chứ.
Quát ráng sức cãi:
- Chẳng khác chi cả thầy ơi! Mỗi thời nản lòng một cách. Mình còn có quyền chi ngoài ăn nhậu đâu. Cả nước này, thầy ơi! Lễ hội, cưới xin, chạp họ, cúng kiếng, thư giãn, chào mừng …toá loạ ra. Nào ta cùng uống. Uống mịt mờ đầu óc, rã rời tay chân, leo lên giường cái ạch là ngủ, khoẻ re. Phong cách mới, thời đổi mới mà. Thầy tưởng muốn trốn mà được răng. Bên đông mời, bên tây rủ, tránh quá cũng bị chửi là làm cao.
Vũ chưa chịu bỏ cái thói dạy đời, khuyên can:
- Ngao ngán mấy cậu vô cùng. Phải xoay xở chứ. Mấy cậu còn trẻ nên dành một tí tỉnh táo để học hành thêm vào. Mình thấy các cậu đã đủ thiếu gì đâu.
            - Học như thầy nói thì hãng bia Huda bán cho ai? Mà thầy cũng tránh có nỗi đâu. Hoạ là viện cớ này nọ cho gắt vào, đau bụng, bị tiểu đường, áp huyết cao, vợ nằm viện, đón cháu… Khổ nạn này bao giờ mới qua, thầy ơi! Thành nề rồi, vô phương cứu chữa. Làm càng to, uống càng mạnh, chứ sá gì bọn bạch đinh như thầy trò mình….
Vũ tự nhủ thầm, thằng quái này nói cũng có lí chứ. Chính bản thân anh cũng chóng mặt theo các cuộc lễ nghi thì ít vui chơi thì nhiều đó. Lắm người gặp bạn bè là ép uống, bỏ được cái ly xuống hơi bị khó đó. Họ dường như không có gì để tự hào nữa nên đành nhờ vào cái danh hiệu “Đệ nhất uống bia rượu” để an ủi bản thân. Những lời hô rập ràng “Dzô” trong các đám tiệc nghe như đại pháo nổ anh nghe quá quen tai. Đau thật khi trong đám cuồng nhiệt gào thét trên ta còn thấy lắm ông lão hơn sáu mươi nhưng còn quá nhiều hào khí với trò chơi la ó. Nghe như họ muốn nói, lão đây chưa già đâu! Lão đây còn hăng tiết vịt! Tiếng ồn hình như có khả năng khoả lấp những trống rỗng to tướng bên trong tim họ. Trong tiếng hô nghe đâu cả niềm hãnh tiến đầy thách thức với mấy két bia còn nắm chờ dưới sàn nhà hay mấy con gà mái tơ đâu đó ở các bàn lân cận.
Tiếng Quát cứ lãi nhãi tiếp bên tai:
- Em học ri là đủ dạy rồi. Học chi nữa cho mệt cái óc thầy ơi! Mụ Luyến mấy học mà cũng sắp lên hiệu phó là cái chắc. Đội ngũ kế cận, quần chúng ưu tú, với lại đã qua lớp quản lí, rứa thì còn thiếu điều kiện nào đâu. Không sớm thì muộn thôi. Lanh như chồn kiểu mụ này mươi năm nữa không biết lên thấu cái chi chi nữa chứ.
            Vũ gắt gỏng, nói:
- Buồn cười! Chuyện của ai mặc họ, mình lo cái phần mình cho nó chu đáo. Xọt xẹt chuyện người khác mình không thích chút nào nơi.
Quát cười vô tội vạ, hỏi lại:
- Chuyện ai nào? Em không dại như thầy đâu. Thua đàn bà cả. Cứ õng a õng ẹo là được tất. Biết đâu có ngày thầy trò mình phải dạ thưa với mấy con nhỏ đó. Khi cần trẻ thì mình già, khi cần đàn bà thì mình đàn ông, số phận thầy trò mình là rứa đó. Còn thầy bảo em không lo à? Cử nhân Toán từ xa đây, dù giải toán học sinh giỏi không ra. Đây đủ bằng đủ cấp nên đếch sợ thằng nào. Không dạy trường này thì đi trường khác. Năm ni không khéo em là Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh mà thầy không được cái Lao động tiên tiến đó. Mấy năm rồi em thấy thầy thiệt thảm hại. Thư ký Hội đồng chuyên đời đọc quyết định khen thưởng mà không thấy cái tên của mình. Đời nó éo le hí. Ai nói thầy giỏi thì em chịu chứ nói thầy khôn thì e lộn đó. Khôn cái kiểu chi mà dại rứa? Danh cũng không, lợi cũng không. Tụi nó ép thầy sắp ra nước rồi. Còn tui, còn lâu. Chọc thử mà chơi, biết liền. Hì hì… Đời này có có công bằng với ai đâu, thầy nói hoài mà mau quên hí.
Vũ lộ vẻ bực mình hẳn ra, nói nhát gừng:
- Nói rứa mà cũng ráng sức mà nói. Uống cho lắm chỉ tổ đái nhiều chứ mình thấy hay ho chi.
Một cái mặt đỏ gay nữa thò vào:
- Có sĩ quan Thành đây. Cho tham gia với!
Quát quay qua tay giáo viên mới đến, nói:
- Sư phụ la tui uống nhiều, anh Thành ơi! Không uống thì biết làm cái quái gì? Tụi học trò nó có mấy đứa chịu học đâu. Mình đi lùa vịt chứ dạy dỗ gì. Không cho nó lên lớp mà yên được với Huyện, Tỉnh à.
Thành tưng tưng uống ly nước sẵn giữa bàn, nói:
- Tại thầy già rồi, sức khoẻ lại yếu. Cuộc sống hôm nay dành cho những người khoẻ mạnh, khoẻ ăn, khoẻ uống, khoẻ chạy chọt, khoẻ làm tình… Sống là làm chứ không phải nghĩ về việc sống. Cây đời tụi em tươi non đang ngày vươn cao, cần phân cần nước. Cây cổ thụ đời của thầy đang già cỗi lần. Khác nhau là thế đó. Lơ ăn săng đến, lơ men phèn đánh mà. Uống vô nói chuyện mới vui. Cái dại của thầy là muốn khác với cái khuôn. Học chi cho lắm, biết hai ba ngoại ngữ làm chi, e thầy không thọ tới ngày về hưu. Mấy đứa khác khoẻ mạnh như vâm vì ít chịu suy nghĩ đó, thầy à.
Thành ngừng một lát rồi gân cổ lên nói tiếp:
- Tổ trưởng tổ Văn Sử kìa, mập mạp khoẻ mạnh nhưng sao mà thơ ngây lựng lựng, chẳng có một chút kiến thức văn học. Em nghe thầy xúi đi hỏi thử, chị Nguyệt ơi, có biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không? Cô ấy bảo, ông này viết rất kém, chị đã đọc rồi nhưng không thích lắm. Ui chà chà, láo khoét! Ngọc Tư là nhà văn nữ, chồng con đàng hoàng mà bảo là ông. Trừ dòm ba cuốn sách hướng dẫn rồi nói tầm phào chứ làm bài tập làm văn tả cảnh khai trường e không ra nơi, e dở thua cả học trò. Dạy Kiều mà ngoài các đoạn trích trong sách giáo khoa đố thuộc thêm câu nào khác. Giáo viên Sử thì chẳng biết triều Nguyễn có mấy ông vua là chuyện thường thôi. Xong cả thầy ơi, đừng rắc rối thêm sự bình yên ổn định nơi đây bằng mấy cái suy nghĩ xa xôi, tỉ mỉ, vô bổ, vô ích của thầy, ông thầy của em ơi!.
Vũ lặng thinh, không nói lại nữa. Trong một hội nghị ở Sở Giáo dục, anh đã nghe một giáo viên phát biểu câu tương tự, thậm chí là ám chỉ người đạt giáo viên giỏi Tỉnh cơ. Ui chao, nói người ngoài ngành nghe khó mà tin được. Mấy cuốn sách giáo khoa cũng chửi lộn nhau. Lỗi sờ sờ ra mà Bộ cũng không dám nhận để sửa, quơ cào dăm ba cái cho lấy có đính chính. Vũ dạy tiếng Anh nên anh chỉ biết về môn mình. Lá cờ Mỹ ở sách Anh văn 7 tô màu hồng ra màu xanh, màu xanh ra màu hồng cũng để vậy mà in bán cả năm bảy năm nay, trông chẳng biết cờ nước nào. Ở sách lớp 6 cái chai vẽ ra cái can, cái gói vẽ ra cái lon, thầy giáo vẽ ra ông lão gần xuống lỗ… Đọc ở báo Tri Thức Tuổi Hồng mỗi số có đến chục lỗi sai được trao đổi giữa học sinh phát hiện với Ban biên tập. Cái truyện dài đó thôi để báo chí họ nói vậy nhưng lòng anh cảm thấy ngao ngán quá đỗi. Cái nghề đi dạy bỗng trở thành cái nghề ăn theo nói thuội theo sách giáo khoa tam toạng như ri khi mô không biết.
            Vũ nhìn Quát. Quát chỉ bằng con anh nếu như anh lấy vợ sớm dăm năm. Thật tréo ngoe khi anh nhớ lại năm rồi Quát ôm cái bằng Cử nhân Toán về khoe với anh em đồng nghiệp. Chuyện của Quát thật khôi hài. Quát tốt nghiệp một khoá Cao đẳng cấp tốc hồi 84 ở Tây Nguyên về, nghe đâu học chỉ ba tháng rồi bổ túc vào các dịp hè năm sau. Hắn vốn là học sinh khá giỏi toán hồi cấp 3 nên học hành qua loa thế vẫn đủ cho hắn đứng lớp cấp 2. Mấy năm sau hắn xin chuyển được về Huế và làm Tổng phụ trách ở một trường tiểu học trong xã này. Đây là chiêu độc trong nghề tổ chức mà có người tham mưu cho Quát: Cứ nhận đại một công tác nào đó đang cần người để được về gần nhà, sau đấy sẽ tính bước tiếp theo.
            Trường cấp 2 Quảng Phong tái thành lập, đang còn thiếu giáo viên nên đầu năm 96 Quát được điều chuyển đến và nghiễm nhiên trở thành giáo viên Toán cấp 2 đúng khung đào tạo. Vũ gặp Quát chính là tại ngôi trường này. Quát đã ba lần đi học đại học ngu-như-tại -chức để nâng cao trình độ đào tạo cho đạt chuẩn. Lần thứ nhất, hắn đi học đâu được ba tuần, tự túc toàn bộ và vẫn phải đảm bảo các tiết dạy trên lớp. Mọi người biết vậy vì qua ba lần họp hội đồng hay chuyên môn, Quát đều được báo cáo là vắng mặt do đi học. Tuần thứ ba mới nghe tổ trưởng báo cáo Quát vắng mặt vì đi học tại chức, giọng một ai đó cuối phòng vang lên:
            - Tại chức ngoài hồ bên hông trường kìa!
            Mọi người cười ầm lên như một trò vui. Chiều lại tan họp, anh em còn thấy Quát cầm nơm, hụp lặn trong hồ nước đục ngàu cạnh trường cùng mấy thanh niên trong làng. Đầu hắn ngẩng lên cúi xuống, bèo hoa dâu bết đầy tóc, tay nơm tay mò chí thú vô cùng. Té ra hắn trốn họp chẳng phải để đi học mà a theo tụi thanh niên trong làng hôi cá khi chủ tát hồ. Thấy anh em ra về kêu hắn ơi ới, hắn ngẩng lên đáp trả:
- Họp có chi vui không? Đủ nồi lẫu rồi.
Bị truy ra, Quát cũng thừa nhận lỗi lầm của mình:
            - Em xin nhận lỗi. Có chiếc xe Honda rệp, vợ nó lấy đi bán nên phải nằm nhà. Đạp đây xuống phố cho mau chết chứ học cái chi. Mà sao đầu óc tui dạo này nó lì như chó, nhét chi cũng không vô.
Thế là xong chuyến sách đèn đợt một. Năm sau, nghe lời ai khuyên đó, Quát lại đi học lần hai. Vết xe cũ vẫn đậm đà nhưng kéo dài đủ một tháng tập trung, lẽ đương nhiên là Quát đi học bữa có bữa không. Đến kỳ tập trung tiếp, Quát đổ nhác và bỏ dở nửa đường. Cũng lí do như cũ, không sao nhét vô mấy cái tích phân với vi phân… vào cái não bộ đã lì đi vì bia rượu và rong chơi của hắn.
            Lần thứ ba Quát đi học tại chức mới đáng nói hơn. Hắn tươi tắn tâm tình với anh em trong trường:
            - Ba keo mèo cắn cổ. Kỳ này tui rinh cái bằng về cho mấy ngài coi. Chuyển từ tại chức qua từ xa dễ thở hơn. Hai năm chỉ là giấc mộng kê vàng.
            Giấc mộng kê vàng thật, Quát học đòi theo cách ăn nói chữ nghĩa của Vũ như hắn biết gì kê vàng với đậu đen. Số là đợt này có lão giáo viên tóc bạc trường khác trong huyện cùng đi học với Quát. Lão Tóc Bạc là bạn vong niên đã “lưu trú” ở trường tiểu học với Quát mấy năm trước. Có thời kỳ một số trường cấp 2 được giải thể để tập trung cứu trường cấp 2 -3 vì thiếu học sinh. Các giáo viên ở những trường đó đi “lưu trú” rải rác tại các trường tiểu học chung quanh. Năm năm sau, trường cấp 2 lại được tái thành lập và qui tụ trở lại các hảo hớn về Lương Sơn Bạc. Trường lớp càng ngày càng khang trang ra, số học sinh tăng vùn vụt, đội ngũ giáo viên lại tiếp thu các yêu cầu mới cho kịp với công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Phong trào đạt chuẩn giáo viên cấp 2 đã đẩy hai giáo viên này gặp lại nhau. Cái lí do mà Quát tự tin hứa hẹn với anh em trong trường là lão Tóc Bạc có hai thằng con trai đều đang học Đại học sư phạm ban Toán. Cả hai đều là sinh viên giỏi mới khốn nạn chứ. Ôm hai cục ngãi này mà tìm trầm không ra thì chết cha cho rồi.
            Dĩ nhiên, lão Tóc Bạc được cử làm lớp trưởng lớp từ xa kiêm tại chức này. Lão liên hệ với giáo viên, nhà trường, chuyên lo tất tật mọi chuyện của lớp, kể cả công tác trọng yếu của bất cứ lớp học tại chức nào: Ngoại giao. Tính ra, lão còn lớn tuổi hơn các giảng viên được mời về giảng dạy cả đống tuổi. Lão lại giỏi nhậu, càng nhậu càng tỉnh và đặc biệt là rất được anh em học viên tín nhiệm bởi cái tính không tham tiền của lão. Tiền đóng để ngoại giao với thầy cũng tiêu xài vừa phải, tiện tặn cho anh em chứ chẳng phải dây mơ rễ má ra mà chấm mút như bao người khác. Cái quí hơn hết là hai cục ngãi của lão, hai thằng con sinh viên Toán loại Giỏi, được chia đều cho cho toàn bộ anh em cùng hưởng mà không tính một xu. Quái, ở đời này còn có thứ người như lão Tóc Bạc là hơi bị hiếm đấy.
Chương trình học đại khái Quát kể lại như sau: Mỗi học kì lớp tập trung hai tuần rồi mỗi hè tập trung học một tháng. Phần còn lại, đại học gởi giáo trình cho học viên tự học bằng cách tóm tắt giáo trình và làm một số bài tập. Bài làm xong sẽ gởi về trường cho ban giáo sư chấm điểm. Hai năm như thế. Cuối năm thứ hai, sẽ có khoá thi tốt nghiệp. Trong chương trình học, ngoài môn chính là Toán còn có dạy thêm Anh văn trình độ B và tin học trình độ A.
Tội nghiệp chăng trong việc học để nâng cao trình độ của bậc cha và chú là hai thằng con trai của lão Tóc Bạc. Hai cậu sinh viên học thay cho hai thầy giáo. Chúng tóm tắt bài, giải bài tập cho ba chúng và thầy Quát chép lại. Thỉnh thoảng, chúng phải chép thay cho Quát nữa vì hắn có chịu chép đâu. Thôi thì lỡ thương thì thương cho trót vậy, lão Tóc Bạc động viên hai đứa con. Đến kỳ thi mới là giai đoạn khó khăn. Không sao. Hai cậu sinh viên đành “phục kích” tại căng tin. Lão Tóc Bạc sẽ xin phép đi ngoài để chuyền đề thi tới chúng. Công việc của chúng là giải nhanh khoảng hai phần đề và phô tô thành mươi bản. Buổi thi trở thành một trận công đồn có nội công ngoại kích như đã được bố trí và giả chiến trên sa bàn. Mọi việc trót lọt với một chút vờ như không hay biết gì của các giám khảo coi thi. Cả mớ học viên thầy giáo này cầm tấm bằng Đại học từ xa, bằng B Anh văn, bằng A Tin học về trường tha hồ trưng khoe với đồng nghiệp. Nhưng than ôi, trình độ thầy Quát cũng như bao thầy khác vẫn y xì như ngày chưa đi học đại học.
Quát chẳng dấu diếm gì sự dốt nát của hắn. Hắn trân trân mặt ra, tâm sự:
- B Anh văn, C Anh văn này là B sủi, C sủi đó. Hỏi tui cái bàn tiếng Anh chữ chi tui cũng chịu luôn. Máy vi tính không biết mở chỗ mô đây. Tui thi đỗ mấy ông thầy quá mừng, cám ơn rối rít. Họ có thành tích, có tiền bạc… Dạy mà học viên rớt hết thì có nước mà húp cháo. Cái đại học từ xa ni góp phần làm băng hoại nền giáo dục của ta khá đấy. Hoan hô đại học từ xa! Từ xa, tại chức, chuyên tu. Cả ba thằng đó đều ngu như bò. Thơ của tui đó. Ngon lành không?

32 nhận xét:

  1. NT ra thăm anh. Đọc chuyện và uống bia Huda tuyệt ngon.

    Trả lờiXóa
  2. "…”Tụi học trò nó có mấy đứa chịu học đâu. Mình đi lùa vịt chứ dạy dỗ gì. Không cho nó lên lớp mà yên được với Huyện, Tỉnh à.”
    Dạy Kiều mà ngoài các đoạn trích trong sách giáo khoa đố thuộc thêm câu nào khác. Giáo viên Sử thì chẳng biết triều Nguyễn có mấy ông vua là chuyện thường thôi.
    Lỗi sờ sờ ra mà Bộ cũng không dám nhận để sửa, quơ cào dăm ba cái cho lấy có đính chính. Vũ dạy tiếng Anh nên anh chỉ biết về môn mình. Lá cờ Mỹ ở sách Anh văn 7 tô màu hồng ra màu xanh, màu xanh ra màu hồng cũng để vậy mà in bán cả năm bảy năm nay, trông chẳng biết cờ nước nào. Ở sách lớp 6 cái chai vẽ ra cái can, cái gói vẽ ra cái lon, thầy giáo vẽ ra ông lão gần xuống lỗ… Đọc ở báo Tri Thức Tuổi Hồng mỗi số có đến chục lỗi sai được trao đổi giữa học sinh phát hiện với Ban biên tập. Cái truyện dài đó thôi để báo chí họ nói vậy nhưng lòng anh cảm thấy ngao ngán quá đỗi. Cái nghề đi dạy bỗng trở thành cái nghề ăn theo nói thuội theo sách giáo khoa tam toạng như ri khi mô không biết.
    Quát chẳng dấu diếm gì sự dốt nát của hắn. Hắn trân trân mặt ra, tâm sự:
    - B Anh văn, C Anh văn này là B sủi, C sủi đó. Hỏi tui cái bàn tiếng Anh chữ chi tui cũng chịu luôn. Máy vi tính không biết mở chỗ mô đây. Tui thi đỗ mấy ông thầy quá mừng, cám ơn rối rít. Họ có thành tích, có tiền bạc… Dạy mà học viên rớt hết thì có nước mà húp cháo. Cái đại học từ xa ni góp phần làm băng hoại nền giáo dục của ta khá đấy. Hoan hô đại học từ xa! Từ xa, tại chức, chuyên tu. Cả ba thằng đó đều ngu như bò."
    .
    Những dẫn chứng của anh VB thật sống động mà người ngoài ngành GD cũng phải ngao ngán. Chúc anh luôn vui.

    Trả lờiXóa
  3. Từ xa, tại chức, chuyên tu.
    Cả ba thằng đó đều ngu như bò..
    ..giai đoạn gọi là tiền XHCN phải cần những phương tiện này để chuyển đổi giai cấp từ công nông thành trí thức ...bạn chưa thuộc bài nên cho hư trí là phải ! (le lưỡi)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn lật tẩy sớm quá. Tất cả đều không phải VÔ TÌNH hay LỆCH LẠC. Nó là một bài bản tuyệt vời nhất đó..

      Xóa
  4. Chính bản thân anh cũng chóng mặt theo các cuộc lễ nghi thì ít vui chơi thì nhiều đó. Lắm người gặp bạn bè là ép uống, bỏ được cái ly xuống hơi bị khó đó. Họ dường như không có gì để tự hào nữa nên đành nhờ vào cái danh hiệu “Đệ nhất uống bia rượu” để an ủi bản thân. Những lời hô rập ràng “Dzô” trong các đám tiệc nghe như đại pháo nổ anh nghe quá quen tai. Đau thật khi trong đám cuồng nhiệt gào thét trên ta còn thấy lắm ông lão hơn sáu mươi nhưng còn quá nhiều hào khí với trò chơi la ó. Nghe như họ muốn nói, lão đây chưa già đâu! Lão đây còn hăng tiết vịt! Tiếng ồn hình như có khả năng khoả lấp những trống rỗng to tướng bên trong tim họ. Trong tiếng hô nghe đâu cả niềm hãnh tiến đầy thách thức với mấy két bia còn nắm chờ dưới sàn nhà hay mấy con gà mái tơ đâu đó ở các bàn lân cận.
    --------------------------------------------------------
    Cử nhân Toán từ xa đây, dù giải toán học sinh giỏi không ra. Đây đủ bằng đủ cấp nên đếch sợ thằng nào. Không dạy trường này thì đi trường khác. Năm ni không khéo em là Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh mà thầy không được cái Lao động tiên tiến đó. Mấy năm rồi em thấy thầy thiệt thảm hại. Thư ký Hội đồng chuyên đời đọc quyết định khen thưởng mà không thấy cái tên của mình. Đời nó éo le hí. Ai nói thầy giỏi thì em chịu chứ nói thầy khôn thì e lộn đó. Khôn cái kiểu chi mà dại rứa? Danh cũng không, lợi cũng không. Tụi nó ép thầy sắp ra nước rồi. Còn tui, còn lâu. Chọc thử mà chơi, biết liền. Hì hì… Đời này có có công bằng với ai đâu, thầy nói hoài mà mau quên hí.
    ------------------------------------------
    làm bài tập làm văn tả cảnh khai trường e không ra nơi, e dở thua cả học trò. Dạy Kiều mà ngoài các đoạn trích trong sách giáo khoa đố thuộc thêm câu nào khác. Giáo viên Sử thì chẳng biết triều Nguyễn có mấy ông vua là chuyện thường thôi.
    ---------------------------------
    Anh Vĩnh Ba khiến người đọc, nhất là người trong ngành như em cứ là há hốc miệng ra mà ...suy tư đấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không đóng sao, CTT? Có ông HT trường chuyên hỏi mình, "Ông Phan Bội Châu và ông Phan Sào Nam, ai anh ai em", đó?

      Xóa
  5. Đúng là thời bao cấp chẳng có niềm vui gì ngoài chén rượu và cà kê de ngỗng chuyện trai gái....
    Chúc anh sức khỏe !

    Trả lờiXóa
  6. Sang thăm anh, chúc anh sức khỏe

    Trả lờiXóa
  7. Không cho nó lên lớp mà yên được với Huyện, Tỉnh à!...
    Từ xa, tại chức, chuyên tu. Cả ba thằng đó đều ngu như bò!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế là quá rõ, phải không bác LV. Ai sữ chịu trách nhiệm cho nền GD suy đồi này?

      Xóa
  8. Kết quả của giáo dục đang kết trái đầy trên báo ,ăn cướp,chém,giết trong gia đình,ngoài xã hội như là chuyện bình thường.Tình người chai đi,dửng dưng đến tàn nhẫn.Tập 15 này anh viết hay quá.Thân

    Trả lờiXóa
  9. Ăn bo bo sáng mai ị ra còn nguyên hột... ẹ cả một thời kinh hoàng, khốn nạn, ...

    Trả lờiXóa
  10. Hôm nay ghé vào thăm anh Ba đây, đúng là càng về khuya càng hay, mà hay nhất là đoạn cuối của phần 15 GCST : " Từ xa, tại chức, chuyên tu. Cả ba thằng đó đều ngu như bò ", mà anh Ba cũng gan đấy chứ, dám đụng vào " ổ kiến lửa " đang bò nhung nhúc "làm ăn" khấm khá khắp cả nước đó anh. Chào anh, chúc sức khỏe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi có cái Đại học Từ xa xa, anh em chế cái câu "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" thành câu trên.Nhắc với các bạn cho vui, GS Hoàng Ngọc Hiến bảo, "Dăt 01 con bò vào ĐH Lomonosov, 04 năm sau ta có con bò TS" Đấy đi học Liên Xô cũng thế thôi.

      Xóa
  11. "Từ xa, tại chức, chuyên tu. Cả ba thằng đó đều ngu như bò ". anh đã nói một điều khôn ai dám nói. bởi vì cả ba bọn nó đang hung hăng như bò. chúc anh an lành nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiên hạ nói đầy ra chứ riêng gì mình. Có gì ghê gớm đâu.Chuyện thường ngày ở huyện mà.

      Xóa
  12. Hơ hơ ....em cũng hoan hô đại học từ xa thầy ơi -giáo dục đất nước cứ thế mà tiến thầy nhỉ !
    Chúc thầy vui khỏe .

    Trả lờiXóa
  13. Thật là thú vị (đến đau lòng)qua cách viết của anh về các loại hình đào tao chuyên tu để cố đạt chuẩn trình độ cho cán bộ GVcủa bộ GDĐT bày ra,nhưng sao mãi đến giờ họ vẫn nhận ra điều đó anh VB nhi! họ vẫn tiếp tục thực hiện dài dài...

    Trả lờiXóa
  14. chỉ có cách đó họ mới nâng đở nhau cùng lên được thôi, đưa ra theo chính qui thì chết chắc anh nhỉ. chúc anh nhiều sức khoẻ và bình an.

    Trả lờiXóa
  15. Anh Vĩnh Ba viết tiếp đi chứ em cứ qua ngóng mãi!

    Trả lờiXóa