Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (17)


           Ngoài hành lang vẫn vang đều tiếng guốc lóc cóc và tiếng cười nói tươi tắn của các nữ Chiến sĩ thi đua cấp Huyện và Tỉnh. Nhìn đồng hồ, Vũ biết đã vào lớp hơn mười phút. Anh đã ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, và viết nhan đề bài mới lên bảng. Bao giờ thì họ đến phòng nhỉ, các lớp ở tầng 2 chẳng hạn? Chỉ có anh nghe trống là anh xách cặp đi ngay. Tất cả nhìn nhau, ai cũng sợ đi sớm sẽ bị bạn bè rủa là bon chen, là muốn lấy lòng Ban Giám hiệu. Lâu ngày thành cái nề, khó bỏ.  Vả lại, có lên sớm hay muộn thì họ cũng phải cấy thêm điểm cho lũ quỉ này để đủ chỉ tiêu trường giao. Còn Vũ thì khác, có năm nào anh được cái Chiến sĩ thi đua cấp huyện đâu, được xếp Lao động tiên tiến đã là may. Họ chưa quên những lần thu quân, tháo chạy toán loạn mới đây sao? Đúng đàn bà tánh mau quên thật! Anh nghe Thuý kể, một lần, Bình, một nữ Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh  tức tối than thở với cô:
- Học trò bây giờ láo quá!
- Răng? Thuý hỏi lại.
- Mình mới dạy một lát thì nghe trống đánh. Mình hỏi học trò, sao đánh sớm rứa? Tụi nó trả lời sao bà biết không? Tại cô vào lớp trễ hai mươi phút đó. Lếu láo thật! Mình mới làm chủ nhiệm tụi nó năm ngoái mà năm ni chúng đã trở mặt.
- Học trò nhà quê tính thật thà, có chi chúng nó nói nấy. Trách làm chi!
Thuý suy nghĩ một lát rồi nói thêm:
- Năm bảy phút thì còn được chứ như rứa là hơi bị nhiều đó. Mà cũng đúng đó chứ học sinh có nói thêm mô? La chi chúng nó tội nghiệp.
- Đúng cũng không được nói. Như thể xỉ vả vào mặt cô giáo.
- Thế chị bảo học trò phải làm răng? Thuý tỏ vẻ không đồng tình hỏi lại.
- Thì ngậm miệng lại chứ răng. Tụi giáo viên mình cũng còn vậy nữa chứ học trò? Lắm khi cấp trên nói sai phè phè mà tao thấy đứa nào mở mồm ra mô.
Nói xong, nữ chiến sĩ quay ngoắc người phân bua với một giáo viên nữ khác:
- Cũng tại tụi bây cứ sanh sự ăn với uống. May mà thủ trưởng không biết. Lọt mấy lần rồi thì có ngày cũng gặp ma.
- Chị là đầu têu rồi còn đỗ thừa tụi em. Ai nói ông Dũng không biết? Ông giả đui đó. Chị không nghe tiếng xe ông đi họp về hôm đó sao? Ông chạy bọc ngả sau phòng Hội đồng. Em ngán cái miệng của chị lu loa lí do lí trấu như mấy lần khác. Lên trên lớp rồi, em phải gọi điện nhờ chú Thoá bảo vệ thu dọn chiến trường đó.
Đó là Thuý muốn nói cho oai, cái bệnh của dân nhà nghèo tính nói ngông kiểu cụ Nguyễn Khuyến. Tất cả bãi chiến trường chỉ là một chén nước mắm ớt và một đống lá chuối bề bộn thải ra từ mấy chục cái bánh nậm và bọc lọc. Giá tất cả “sơn hào hải vị” đó chỉ bằng hai lon Heineken mới thảm chứ. Khi khác thì là một đống ổi hay cốc xanh. Đời giáo viên có thế thôi. Hoạ chăng là được vợ nuôi mới dám nhậu nhẹt liên tu bất tận như Quát. Đám phụ nữ trường này có niềm vui nho nhỏ như thế nghĩ cũng đáng cảm thông, Vũ thầm nghĩ. Anh sống ở thành phố nên chứng kiến nhiều cảnh sung sướng của thị dân. Đôi khi anh cũng chẳng biết họ kiếm tiền từ đâu mà ra. Một đời đi dạy ở nông thôn, anh càng chán nản và than thầm một mình thôi cho cuộc sống thanh bạch của nhiều đồng nghiệp như anh.
Thuý kể tiếp. Nữ chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh ngậm ngự một lát rồi nói:
- Tao lại tưởng tay Huy dạy Thế dục. Thôi, bữa ni không ăn vặt trong giờ ra chơi nữa! Đứa nào rủ rê, tao cạch mặt. Tao thề với tụi bây đó!
Lời nói đó cũng như các hiệp ước bất tương xâm của các lãnh chúa Trung cổ. Đâu lại vào đấy. Vũ thỉnh thoảng lại nghe chú Thoá phàn nàn về rác rưởi từ những bữa quà vặt mà các nữ giáo viên xả ra trong phòng Hội đồng. Ăn vặt và lên lớp trễ gần như là một tố chất của giáo viên nữ trường Vũ. Giáo viên nam thì làm ô nhiễm môi trường bằng cách khác: Lên lớp đúng giờ nhưng hút thuốc như tàu lửa trong nhà bảo vệ, góc trời riêng của họ.
Nói cho chí tình, chị Bình, nữ chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh này là một con người rất bình thường, hay đúng ra quá đỗi bình thường. Chị có cái tật gần như bẩm sinh của phụ nữ là ăn vặt và tâm sự. Cứ xúm lại, tán chuyện chồng con, áo quần, trời đất… và có cái gì nhét vào mồm là mọi sự trở thành sôi nổi đến độ quên cả công việc lẫn thời gian. Nói đến chuyện tán láo này thì Hiệu phó Dĩnh là một thành viên rất tích cực. Hôm nào Dĩnh trực Giám hiệu là chị em cứ xúi nhau khều chuyện. Dĩnh vô tâm cứ thao thao bất tận chuyện nọ xọ chuyện kia. Có Hiệu phó đứng đó kể chuyện, ai mà lại xách cặp lên lớp một cách bất lịch sự như thế. Lũ yêu quái học trò lại được dịp quậy phá tha hồ. Bốn mươi lăm phút vàng ngọc lại tan một phần như nước đá ngoài gió.
Phụ nữ họ vô tâm thế mới có thể quên hết bao khó khăn gian khổ đời trần này mà nuôi chồng con, một lũ vốn vô tích sự như Vũ, Quát… Bởi một lẽ dễ hiểu nữa là một khi họ thoát khỏi cái cõi vui vui này, họ phải vần vũ lao vào trong vòng lốc xoáy kiếm thêm tiền bạc để bù vào cái đồng lương khiêm tốn của họ hầu còn kịp với anh, với ả chứ. Cứ nhìn giáo viên trong trường, thấy ai cũng nhà cửa tươm tất, con cái đàng hoàng mới thấm cái công lao của phụ nữ ta. Đó là công quả của bao con người bình thường đó. Phải cho họ có cái chỗ để xả hơi chứ. Đương nhiên, đối với chị và lắm cô giáo khác thì chỗ xả hơi đó chính là nhà trường. Chị đúng là một người như vậy. Dạy ở trường xong, chị đã dạy không biết bao lớp dạy thêm, dạy chính môn Toán của chị, nhưng nếu các “con” của chị cần, chị dạy thêm cả Tiếng Việt hoặc tiếng Anh … Nói như anh em thích đùa thì chị đang “lượm một ít thóc đổ về nuôi gà.”
Có vậy thôi vẫn chưa thấy hết sự cần mẫn của Bình. Ở nhà, chị còn nuôi cả một chuồng gà năm sáu mươi con và mấy mệ heo nái. Anh em bảo, tìm nhà chị ta rất dễ bởi mới đi ngang ngõ đã sực nức mùi phân gà, phân heo. Thỉnh thoảng, người ta lại gặp chị ngồi bán gà hay heo con ở các chợ quê lân cận. Gà heo cũng có dịp được chị đem ra than thở với đồng nghiệp cho xôm truyện bên cạnh chuyện áo quần giày dép. Chị là một con người không chỉ cần cù đến thế mà lại còn cực kỳ biết vâng lệnh cấp trên. Nhà trường bảo đăng ký chiến sĩ thi đua là chị đăng ký ngay. Sống lâu lên lão làng, cũng thi tay nghề, cũng trình bày sáng kiến kinh nghiệm chi chi đó mua lại từ các tiệm phô tô và sửa lại đôi chữ. Nhà trường cần danh hiệu còn nhiều hơn bản thân chị mà. Vài bộ áo quần tặng thủ trưởng bà, mấy chai rượu tặng thủ trưởng ông. Đôi bên cùng có lợi. Thi cử thì cũng anh em trong Huyện chấm qua chấm lại với nhau, hiệu trưởng gợi ý đôi chút là qua cầu. Ba năm cấp Huyện, chị được đề cử nhận chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Chuyện đơn giản thường đến với những người giản đơn, năm rồi chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Ai cười mặc kệ họ, chị dốt mặc kệ chị, học trò ra sao mặc kệ học trò. Cùng tắc biến, biến tắc thông. Cuộc đời cứ vô tình trôi cùng năm tháng, chẳng đếm xỉa gì ai. Mỗi năm học trường lại thêm một vài chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Mọi người vui vẻ lãnh tiền thưởng và đãi dằng nhau nhậu nhẹt tưng bừng. Người người thành tích, nhà nhà thành tích, trường trường thành tích,…
Cuộc đời vẫn đẹp biết bao! Sao lại rắc rối tự xét mình cực đoan đến thế. Đó cũng là một bài học cho mấy tay sĩ diện hão, cố chấp danh thực như nhất kiểu như Vũ học tập: Tôm chết chỉ thiệt mụ bán tôm.
Ngoài hành lang xa dần tiếng cười nói sôi nổi của những đồng nghiệp ưu tú của Vũ. Anh trở lại với lũ học trò của anh. Chúng đang chờ anh giảng giải tiếp những kiến thức hay đẹp mà. Tuy nhiên, anh không sao gạt được những ý nghĩ quá buồn bã khỏi tâm trí mình. Dù có tham chút danh hão huyền đi nữa, các đồng nghiệp của anh sao vô tâm đến thế. Anh nhớ lại hôm ấy Thuý còn nói kể một chi tiết nữa:
- Thầy biết không? Em tức quá, trả lời chị Bình, giáo viên tụi mình liệt kháng rồi, quen ngậm miệng nhắm mắt rồi, nhưng đừng làm cho lũ trẻ vô tội thơ ngây đó cũng liệt kháng như chúng ta.


19 nhận xét:

  1. Không phải nói xấu nữ GV nhưng trong môi trường SP dối trá ni, họ phát huy được tính cách riêng của phụ nữ. Và cũng như rứa họ mới trụ được cho tới ngày tháo giày.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình rất thông cảm với tất cả nhân vật trong GCST. Không chê bai họ đâu. Họ chỉ là nạn nhân của một xã hội đầy rẫy bất công, ngu si, ....

      Xóa
  2. Đọc rồi liên tưởng đến hình ảnh,cuộc sống...của những Cô Giáo đã dạy dỗ Tôi mấy mươi năm trước.Có những hoài niệm quý giá không thể nào quên dưới mái trường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều cô thầy còn khổ hơn nhiều vào những thập niên 80, 90. Sau này đời sống họ tương đối có nhích lên chút đỉnh. Nhưng vẫn khổ đấy.

      Xóa
  3. Em bỏ dạy năm 1982,dù khó khăn nhưng không phải vì lương tiền,vì không chịu ngậm miệng mà lắng nghe.
    Em sang thăm và chúc anh nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, có nhiều người như bạn. Mình thì ráng chịu mà kiếm cơm nuôi con cái đã.

      Xóa
  4. cái bệnh của dân nhà nghèo tính nói ngông kiểu cụ Nguyễn Khuyến. Tất cả bãi chiến trường chỉ là một chén nước mắm ớt và một đống lá chuối bề bộn thải ra từ mấy chục cái bánh nậm và bọc lọc. Giá tất cả “sơn hào hải vị” đó chỉ bằng hai lon Heineken mới thảm chứ. Khi khác thì là một đống ổi hay cốc xanh. Đời giáo viên có thế thôi. Hoạ chăng là được vợ nuôi mới dám nhậu nhẹt liên tu bất tận như Quát. Đám phụ nữ trường này có niềm vui nho nhỏ như thế nghĩ cũng đáng cảm thông, Vũ thầm nghĩ. Anh sống ở thành phố nên chứng kiến nhiều cảnh sung sướng của thị dân. Đôi khi anh cũng chẳng biết họ kiếm tiền từ đâu mà ra. Một đời đi dạy ở nông thôn, anh càng chán nản và than thầm một mình thôi cho cuộc sống thanh bạch của nhiều đồng nghiệp như anh.
    ------------------------------------------
    Phụ nữ họ vô tâm thế mới có thể quên hết bao khó khăn gian khổ đời trần này mà nuôi chồng con, một lũ vốn vô tích sự như Vũ, Quát… Bởi một lẽ dễ hiểu nữa là một khi họ thoát khỏi cái cõi vui vui này, họ phải vần vũ lao vào trong vòng lốc xoáy kiếm thêm tiền bạc để bù vào cái đồng lương khiêm tốn của họ hầu còn kịp với anh, với ả chứ. Cứ nhìn giáo viên trong trường, thấy ai cũng nhà cửa tươm tất, con cái đàng hoàng mới thấm cái công lao của phụ nữ ta.
    -------------------------------------------
    Sống lâu lên lão làng, cũng thi tay nghề, cũng trình bày sáng kiến kinh nghiệm chi chi đó mua lại từ các tiệm phô tô và sửa lại đôi chữ. Nhà trường cần danh hiệu còn nhiều hơn bản thân chị mà.
    -----------------------------------------
    Em tức quá, trả lời chị Bình, giáo viên tụi mình liệt kháng rồi, quen ngậm miệng nhắm mắt rồi, nhưng đừng làm cho lũ trẻ vô tội thơ ngây đó cũng liệt kháng như chúng ta.
    ------------------------------------------
    Anh Vĩnh Ba, sau nhiều ngày chờ đợi thì em cũng được đọc tiếp rồi. Và em cũng đã tìm được nhiều điều tâm đắc. Em cảm ơn anh Vĩnh Ba.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mọi nơi đều như thế CTT. Hs không muốn học, NN không muốn gv dạy, cứ thế mà 99, 98 % tốt nghiệp. Sự nghiệp GD VN là thế.

      Xóa
  5. Giỡn dài thế anh.
    Câu chuyện của giáo dục VN là muôn thuở, hình như không năm nào, tháng nào, mùa nào người ta không nhắc đến.
    Nhưng dù sao chúng ta cũng mong ước có một nền giáo dục VN tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, một nền giáo dục không đâu sánh bằng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ai cũng ước mơ như bạn. Tuy nhiên, phải hoàn thành CHỈ TIÊU cái đã.

      Xóa
  6. Nước mình có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất thế giới đấy anh ạ.

    Trả lờiXóa
  7. "- Thầy biết không? Em tức quá, trả lời chị Bình, giáo viên tụi mình liệt kháng rồi, quen ngậm miệng nhắm mắt rồi, nhưng đừng làm cho lũ trẻ vô tội thơ ngây đó cũng liệt kháng như chúng ta."
    .........
    Không biết tình hình GD hiện nay đã tiến bộ được chút nào chưa anh VB nhỉ.

    Trả lờiXóa