Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (19)



Hoà đi xuống phòng hiệu trưởng nhưng trong bụng anh cũng nôn nóng mong sao cho xong việc cúng bái ở trường sớm. Hai bảy âm lịch rồi. Tết đến bên lưng mà anh cũng chưa dọn dẹp chuẩn bị gì cho năm mới trong nhà anh. Họp chi bộ hằng tháng chậm vài hôm thì chết ai. Liệu ta có làm tốt nhiệm vụ của ta chưa mới quan trọng chứ, anh thầm nghĩ. Thật ra, trong nhà trường anh là người chịu nghe nhiều nhất các kế hoạch của nhà trường vì phải có mặt tại ba nơi: nhà trường, chi bộ và công đoàn. Cả ba nơi cũng chỉ chừng ấy chuyện mà chuyện hoạt động của  nhà trường thì đã được Phòng, Sở và Bộ đã qui định quá chi tiết. Nghe mãi thành ra như không nghe nên lắm khi anh chỉ ngồi làm đồng cốt cho có lệ.

         Hoà đến nơi, Dĩnh vẫn còn nói giọng rất tức tối:
            - Tôi thề mà. Tôi chỉ có nguyện vọng được làm giáo viên giảng đạy. Tôi không biết quản lí. Tôi nói rồi. Bắt tôi làm rồi chê bai này nọ.
            - Cô Dĩnh ơi! Nói nhỏ nhỏ để anh em trên còn cúng kiếng nữa chứ. Thề gì thế? Hoà chen ngang vào.
            Dũng ngồi ở ghế, sắc mặt không vui, nói:
            - Mà anh em góp ý hồi nãy có nói chi chuyện đó đâu, cô Dĩnh. Họ nói việc điều hành chung chung mà. Mình cũng cần rút một số kinh nghiệm.
            Dĩnh vẫn còn tức tối, giọng vẫn oang oang:
            - Ai dại gì mà nói ra trước hội đồng nhưng vẫn có người xì xào mới tới tai em chứ. Thà họ nói toạc ra.
            Vốn không ưa Dĩnh, Hoà được dịp công kích:
            - Có sao cũng không thề thốt kiểu như chị, chị Dĩnh. Giáo viên ai lại thề như ba cái mụ bán hàng ngoài chợ. Mình cứ công tâm mà làm. Quần chúng bao giờ cũng sáng suốt, vô lẽ họ không thấy tâm huyết của chị. Chị cũng nên khéo mà sắp xếp công việc. Khi mô cũng thấy chị lu bu hồ sơ sổ sách, loay hoay trong phòng làm việc. Tui nghe anh em nói, chị cứ bây ba ra cho nhiều việc rồi than với thở. Họ nói, thợ vụng kéo chỉ dài, chứ hay ho chi. Tui thấy họ nói cũng có lí, hồ sơ giáo viên mà một học kỳ tổ kiểm tra rồi giám hiệu kiểm tra đến ba, bốn lần. Lắm người hồ sơ ngon lành đó chắc chi dạy dỗ đã giỏi. Chị thật thà nên cứ bám vào mấy cái cụ thể là chị bị họ gạt rồi. Điểm họ cho trên trời nữa. Bám vào đấy để đánh giá giáo viên e chưa thực chất đâu. Chị cũng đừng giận mà nên rút kinh nghiệm.
            Biết Hoà vốn nhân cơ hội này châm chọc mình,  Dĩnh nguýt lại Hoà, nói:
            - Nói như thầy thì dễ, nhưng giáo viên nhiều người nhiều chuyện lắm. Chia cái lịch coi thi cũng xin lui xin tới, phân bì kẻ nọ người kia. Tui nói rồi, tui dốt quản lí, tui cứ theo nguyên tắc mà làm, vừa học vừa làm mà.
            Buổi sáng để chấp hành lệnh của Sở và Phòng Giáo Dục dạy đến hết ngày 27 âm lịch, Dũng cho học sinh nghỉ nhưng lại tổ chức gặp mặt giáo viên cuối năm, gọi là còn làm việc theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Bí chuyện, anh đưa thêm việc góp ý Ban Giám hiệu nhà trường vào nội dung buổi họp, anh bảo để rút kinh nghiệm học kỳ I. Dũng đơn giản nghĩ như bao năm chắc ai nấy đều nôn na về nghĩ Tết, chuyện góp ý rồi cũng gọn nhẹ, như theo cái thông lệ dân chủ tận cơ sở. Ai hay lại thâm trầm.
Ngọc Thuỷ, tổ trưởng Sinh Hoá mở màn, nói:
- Góp ý thứ nhất của tôi là Ban Giám Hiệu thường chưa thống nhất khi đề ra kế hoạch nhà trường. Hiệu phó đôi co với hiệu trưởng quá thường xuyên trong buổi họp làm mất thì giờ của giáo viên. Đề nghị Ban Giám hiệu rút kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch trước khi họp giáo viên. Thứ hai, nhà trường cần bắt đầu các buổi họp đúng giờ. Khi nào cũng trễ cả nửa tiếng đồng hồ. Hết họp là trưa trề, các chị em không kịp về nấu cơm trưa cho gia đình, chồng nó chửi cho. Thứ ba, mỗi buổi họp thường vắng quá nhiều giáo viên. Kế hoạch thường tiếp thu chậm, thực hiện chệch choạc khiến tổ chuyên môn khó làm việc.
Anh không ngạc nhiên trước ba ý kiến này. Dĩnh vẫn hay cãi lại anh một cách kẻ cả trong họp liên tịch hay hội đồng, đôi khi chỉ vì một số chi tiết cỏn con. Theo ý anh thì cô có vẻ ỷ vào chức vụ bí thư chi bộ và cái bằng thạc sĩ tài giỏi hơn mọi người nên hay có suy nghĩ này nọ. Mà hay ho gì cho cam, cái ý kiến nào cũng ngang ngang, chẳng đến đâu vào đâu. Phần việc của Dĩnh anh lại thấy còn thiếu sót mà cô lại chẳng tiếp thu khi anh góp ý. Em xin rút kinh nghiệm, đó là câu đáp lại rất thường tình của cô thế nhưng anh thấy cũng chẳng chút gì chuyển biến. Anh tự xoa dịu mình bằng niềm tin rằng cô sẽ tiến bộ. Còn việc họp trễ thì đúng thế, phần lớn cũng vì lẻ tẻ vài giáo viên đi muộn mà anh lại muốn chờ cho đông đủ. Tại họ chứ tại anh đâu, mấy lần anh đã phê bình. Việc cuối thì phần lớn giáo viên vắng mặt đều có đơn xin phép, vì con đau, vì bản thân đau đột xuất, vì kỵ giỗ… thì anh làm sao mà cấm họ. Thêm vào trường anh còn có ba giáo viên đi học tại chức nữa, anh cần tạo điều kiện cho họ nâng cao nghiệp vụ. Anh cũng thấy rằng hình như giáo viên trường này tìm cách tránh họp nhưng biện pháp khống chế thì anh không nghĩ ra…
Người thứ hai góp ý là Nhân, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ và Nhạc Hoạ. Giọng nói dõng dạc của Nhân đã cắt ngang ý nghĩ của anh:
- Tôi xin góp ý thêm với nhà trường mười điểm sau…
Một ai đó chen ngay vào:
- Thêm một điểm nữa cho đủ đội banh.
- Thầy Vũ, thư ký Hội đồng, làm trọng tài cho công bình nghe.
- Suýt vài bàn cho đẹp đi, chú Nhân!
Nhân không để ý đến, tiếp tục nói:
- Trong mười điểm này, tôi xin góp ý với thầy Hiệu năm điểm, với cô Hiệu phó năm điểm. Điểm đầu tiên dành cho thầy hiệu trưởng: tôi đề nghị trường nên có kế hoạch dài hơi, chứ mới ba bốn ngày đã có thay đổi thì giáo viên tụi tui không chạy theo kịp. Giáo viên không ổn định được kế hoạch riêng tư của họ thì kế hoạch của nhà trường họ cũng chỉ làm đối phó và không có chất lượng. Điểm thứ hai dành cho cô hiệu phó: đề nghị cô viết kế hoạch cho rõ ràng và sạch sẽ. Tấm bảng kế hoạch chuyên môn chi chít chữ lại thêm nguệch ngoạc cẩu thả, giáo viên không đọc ra nổi. Đề nghị cần gọn và rõ. Điểm thứ ba tôi xin góp ý với thầy hiệu trưởng cần tăng cường kỷ luật học sinh. Có nhiều em khối 9 vào lớp là nằm ngủ, đứa trên bàn, đứa dưới ghế …
Cách nói của Nhân khá hài hước nhưng quả thật Nhân đã có những ý kiến xác đáng: nào làm việc không khoa học, thiếu quyết đoán, chọn lựa không có tiêu chí, buông lõng kỉ luật học sinh, chất lượng học sinh chưa thực chất… Đúng thế. Song trên đe dưới búa là cái thế của anh, Dũng không thấy rằng phải xem trọng những lời góp ý đó. Anh thầm nghĩ, đúng là ếch nằm đáy giếng. Mọi sự đâu phải cứ muốn là được, cứ đúng là làm. Cả trăm thứ ràng buộc mà trẻ tuổi, ít trách nhiệm như Nhân thì biết đâu tới. Nhân mới đi dạy hơn mười năm, về trường một lần với Thuý. Vợ anh theo gia đình đi Úc, sang bên ấy sinh đôi, được một cháu trai, một cháu gái. Anh có tiếng là cần mẫn, ham học hỏi, là người thường có thái độ nghiêm khắc với học sinh, nhất là những cháu lười học và không chuyên cần. Tiếp thu tốt công nghệ thông tin, anh luôn là gương mặt trẻ điển hình của huyện này và hay chịu khó góp ý với nhà trường. Về chất lượng học sinh, kỹ luật học sinh mà Nhân góp ý chẳng hạn, Dũng cứ suy nghĩ miên man nhưng anh lại không biết sao để trả lời cho chết lí. Xã hội ngày càng phức tạp, học sinh ngày càng khó bảo. Giỡn chơi với uỷ ban nhân dân xã, huyện là cái ghế hiệu trưởng long gốc ngay. Huống hồ đây là chỉ đạo của cả Huyện và Tỉnh về công tác phổ cập. Không ai bảo nên dung túng học sinh như thế cả nhưng cũng không ai bảo mặc kệ số lượng có giảm bao nhiêu cũng được. Duy trì số lượng là một nỗi khổ của mọi nhà trường. Dỗ cho chúng ngồi lại trong trường cũng đủ bạc tóc rồi. Ai không biết học sinh kém thì cho ở lại lớp, thế nhưng chẳng lẽ ở lại một nửa lớp sao, rồi chúng bỏ học thì làm sao mà ăn nói với cấp trên. Dũng nghĩ đi nghĩ lại rồi cứ ngồi lặng thinh nghe góp ý.
Dĩnh có vẻ hả dạ khi thấy nhiều giáo viên góp ý với hiệu trưởng. Đến phiên cô giải trình cô đã đùn mọi chuyện cho Dũng, xem như cô không có trách nhiệm gì:
- Thì có cãi lại cũng phải chấp hành lệnh Hiệu trưởng, chế độ thủ trưởng mà. Tôi có thiếu sót gì, anh em đã góp ý thẳng thắn tôi xin nhận. Không tiện nói bây giờ thì xin các anh chị cứ nói trực tiếp với tôi sau. Nhà trường đánh giá cao các góp ý của các đồng chí. Nguyện vọng tôi không phải là làm quản lí. Tôi chỉ mong được đứng trên bục giảng để giảng bài cho học sinh. Đó là hạnh phúc mà tôi hằng mong mỏi, giúp các em có thêm hiểu biết, có thêm kiến thức về lịch sử xây dựng bảo vệ Tổ quốc của tiền nhân chúng ta…
Vài ba ý kiến tiếp theo nhưng vẫn vô cùng lịch sự. Bầu không khí chẳng có gì cởi mở. Không vấn đề gì to tát như tham ô, chèn ép, móc ngoặc, vi phạm pháp chế…Cái âm ỉ xầm xì trong giáo viên đâu đó vẫn nằm yên. Chúng chỉ lì xì trong vài ba người như những bài báo lạc lõng nói về các tệ nạn trong ngành giáo dục trên báo chí. Mọi người nhìn về phía Vũ. Anh chẳng nói gì. Mọi người như thầm nghĩ, ngay thầy Vũ không nói thì ta nói làm gì. Buổi họp tan, buổi họp chi bộ tiếp theo trước khi cúng lễ tất niên.
Cơ sự là thế. Về đến phòng hiệu trưởng thì đã trưa. Hoà và một số anh em đề nghị dời buổi họp chi bộ ra sau Tết rồi bỏ đi lo chuyện cúng tất niên. Dĩnh không thoã mãn, phân bua với các chị em còn lại. Tánh Dĩnh thế. Phụ nữ nhưng phổi bò, ruột để ngoài da, nóng nảy như Trương Phi. Cô lại ham nói. Cô cứ nghĩ nói nhiều chắc mọi người sẽ hiểu, sẽ thông tư tưởng. Hồi trước, cô còn kiêm cái ghế chủ tịch công đoàn nên anh em trong trường tha hồ mà bị tra tấn. Lũ học sinh là bị nhiều nhất. Rất nhiều lần, trống tan tiết đã đánh, Dĩnh vẫn còn say sưa thuyết giảng dông dài với học trò mặc cho chúng mắt ngoài tai trong, trông sao bay được ra khỏi lớp. Với đồng nghiệp cũng vậy, Dĩnh nói quên cả trống vào lớp. Mấy giáo viên lười rất ủng hộ cô, ngồi ì lại chổng tai nghe cô nói hoặc khơi chuyện cho cô tha hồ dông dài. Họ bảo, hiệu phó được nói, tụi mình được thêm mấy phút giải lao, tội gì mà can, để cho hiệu phó thoả mãn cái nỗi lòng với chứ.
* * *
Cúng xong, vật phẩm được chuyển xuống phòng giáo viên để mọi người cùng hưởng “thừa thần chi huệ”. Quát làm vô mấy ly bia cùng Thành cười nói lung tung. Dũng điềm đạm ăn và hỏi thăm vớ va vớ vẩn các cô giáo. Bữa ăn đang dang dở thì Huy, giáo viên thể dục ở đâu chạy vào trường, xe nổ máy bình bình lạng quanh sân mấy vòng rồi thắng két ngay trước cửa phòng. Hắn đi vào, dáng đi lừ đừ, mặt đỏ gắt, miệng oang oang nói:

- Cái công đoàn ni là khốn nạn lắm. Phát quà Tết mà còn thua cả phát hàng cứu trợ bão lụt. Khi khổng khi không giáo viên ùn ùn đua nhau lấy rồi về. Anh Hoà, chủ tịch cũng không thèm nói một tiếng. Bộ tụi tui là ăn mày chắc? Mà tiền của ai nào? Tiền của cha mẹ mấy người chắc? Tụi tui tháng nào không nạp công đoàn phí... 
Thành, Quát và cả Chú Thoá vội chạy ra ôm Huy lại, kéo hắn vào ghế. Dĩnh lên tiếng giải hoà:
- Anh Hoà quên đó. Thôi cuối năm rồi, vạn sự xí xoá, Huy ngồi vào uống bia với anh em. Răng mà bức xúc ghê rứa?
Huy chưa chịu ngồi xuống, đứng chống nạnh tay, lí sự nói tiếp:
- Quên, quên là xong? Sao lắm cái quên rứa? Mẹ tui đau nằm viện cả tuần không thấy cái mặt Công đoàn mô hết là răng. Cô Duyên xin đổi buổi coi thi, kỵ ông già chồng, Hiệu trưởng cũng không cho, khóc hù hu răng không thấy Công đoàn lên tiếng. Con đầu dâu trưởng phải lo việc kỵ giỗ chứ ai vô đó mà lo. Công đoàn cũng chỉ giỏi cúng với kiếng, quyền lợi chính đáng của anh em quên hết, bỏ vô giỏ rác hết, hiệu trưởng ưng làm chi cũng được sao? Cúng làm chi mà tui hỏi cúng ai rứa? Công đoàn ơi là công đoàn, không biết dị sao, anh chủ tịch?
Dĩnh đi lại gần Huy, ôm vai hắn, khuyên can:
- Thôi, Huy nờ. Cuối năm rồi, chị nói Huy nghe. Ai cũng có cái sai, cái sót. Nãy giờ anh Hoà có nói chi mô tức là anh đã nhận mình có sơ sót. Anh em cứ đoàn kết, góp ý nhẹ nhàng để cùng xây dựng trường của chúng ta. Nói ngọt mà lọt tới xương, Huy ơi!
Huy gạt phăng tay Dĩnh ra, bỗng khóc hu hu, nước mắt lậm loà lậm luện trên má. Hắn xoay qua châm chỉa Dĩnh, nói hung hăng không kém:
- Chị chị cái gì? Không thích làm quản lí, năm mô cô cũng nói rứa. Làm không được thì từ chức, thì xin thôi. Nói hoài bộ không biết thẹn sao? Đất nước ni cũng chưa hết người. Trong bụng cô sao khối người biết. Oai quá, hiệu phó chuyên môn! Xuống làm dân mới biết khổ, cứ ngồi đó mà góp ý với phê bình giáo viên. Cũng một phường tham quyền, tham chức. Ưa thì nói cha ra cho rồi. Cô làm như cô đi dạy thì tốt hơn quản lí chắc. Tụi học trò rên trời với cô đó. Tui góp ý cho luôn. Tui ngán ngẩm cô quá trời. Sang năm rồi cũng hát lại bài đó chứ chi. Tui lạ chi cái chuyện đó. Trường ni khó mà lên lắm.
Thành nói nhỏ với Dũng:
- Hắn khóc là say gắt rồi, không nhớ chi mô, đụng mô nhớ cái chi là nói nấy, anh Dũng ơi! Nhịn cho êm cho rồi. Chọc hắn, hắn nói sa đà. Với lại, vua cũng thua thằng say. Có trời mới can nổi hắn thôi.
Dũng đằng hắng mấy cái rồi lên tiếng:
- Thầy Huy ngồi xuống cái đã. Cả năm làm việc vất vả, anh em ngồi lại với nhau là quí rồi. Uống một ly rồi nói.
Huy rõ là quá say, nghe Dũng nói, độp liền:
- Thầy nói tui thèm uống bia của trường lắm sao? Cái thằng ni chưa thiếu tiền mô nghe. Mà có thiếu thì cũng phải đói cho sạch, rách cho thơm, không thể ăn thịt học trò như mấy ngài hiệu trưởng được. Phát cho học sinh một tờ đề thi A 4 mà lấy một ngàn đồng, ui chao, cắt cổ học trò bằng lưỡi lam chắc. Làng nước ơi, ăn cả thịt học trò nữa. Hở ra là mấy ngài xẻo thịt ngay. Một tờ đơn thi vào cấp 3, các ngài cũng ịn cái dấu đỏ vào để bán với cái giá trên trời. Thế nhưng mở miệng ra là các ngài bảo tất cả vì học sinh thân yêu. Bước vào lớp một, mấy cháu đã thành con nợ của mấy ngài rồi. Nhà nước bảo miễn phí, các ngài cũng đẻ ra vài chục khoản khác cho mấy cháu được cái hân hạnh nạp tiền cho trường. Lắm đứa phát rồ vì lo cái nỗi nạp không đủ tiền cho mấy ngài mà thôi. Đó là mấy chuyện sờ sờ trước mắt, vạn sự nhem nhuốc ma quỉ nữa thì bao nông dân quê mùa dốt nát làm thế nào biết được. Hiệu trưởng ăn tiền chạy trường, tiền học sinh nộp, tiền nhà nước… báo đăng đầy, tui có nói thêm mô. Phải không thầy Hiệu? Trường ni liệu có không hè? Cái ngành giáo dục cả nước này mà nói thật ra thì nhân dân rụng hết tóc. Ông bộ trưởng mà còn nói không ra tật để báo nó chưởi cho tối mắt. Thầy cho em uống một  vài ly bia để trám miệng em sao? Hơi khó đấy.
Không khí chẳng còn vui vẻ để nói đùa được nữa. Hắc bạch bất phân, liệu một đoàn thanh tra làm việc đôi tuần một cơ sở giáo dục nào đó có vấn đề thì đã ra chưa? Buổi sáng phê bình thật hoá nói chơi cho vui, buổi trưa nói toá loạ mùng mền hoá ra phê bình thật. Huy thế mà ranh, chừ ai dám mà cản hắn nói. Mai rồi hắn bảo say quá không nhớ chi cả là xong việc. Quát, Thành hay nhậu nhẹt với hắn, thừa biết, ngồi im re. Không khí như đông đặc lại. Mấy cái quạt quay rè rè ai cũng nghe. Chẳng ai thèm nhấc đũa, nâng ly. Huy đi lui đi tới như chực ai nói lỡ lời thì gây sự. Dũng, hiệu trưởng trường, cũng chẳng nói gì thêm hẳn vì không biết đường mà nói. Dĩnh máu nói nhưng tính lại nhác, thấy ai hùng hổ là cô sợ, rụt cổ nên cũng làm thinh.  Như con rắn không có đầu, cái thân quằn quại một chút rồi nằm yên. Cả bữa ăn như chết nghẹn. Một năm cũ chấm dứt đau buồn làm sao. Liên, Thuý và mấy cô giáo rủ nhau đứng dậy. Liên nói:
- Ăn một miếng mà nuốt cũng không trôi. Về thôi. Mấy người thành phố là sướng thôi. Chừ ăn xong, ôm chồng con ngủ rồi. Mấy người ở lại đó mà góp ý cho nhau. Về nhà ngủ, mấy chị em ơi!
Chú Thoá thì càm ràm:
- Tại cái thằng Quát cả. Tui nói rồi, chỗ đó uế tạp mà hắn không nghe, cứ quét tới quét lui rồi nói sạch. Nhác chi mà nhác lạ lùng, cha cái thằng! Chỉ có giỏi cái nhậu bằng tiền vợ. Đốt bộ đồ giấy chỗ nớ uế tạp nên chừ ngài không cho ăn. Thấy chưa? Đừng có nói không có thần, không có thánh. Tui nói hoạ có sai.
Huy lừ đừ đi ra cửa, bỗng đứng lại, quay lui nói:
- Sao lại bỏ về? Bộ tui nói sai sao mấy cô bỏ về. Khinh bỉ thằng này không ra gì hả?
Chúc có vẻ ngán Huy, líu ríu níu tay Liên, kéo ngồi xuống ghế. Liên gạt tay Chúc, nghiêm mặt nói một hơi:
- Chú Huy nhầm to rồi. Các ngài quý tộc có chức có lộc, hay tham ô nhũng lạm này nọ, có tật nên giật mình, mới sợ chú em thôi. Bọn chị đây là dân vô sản chính hiệu, tay làm hàm nhai, không tơ hào một xu của nhân dân thì chú em doạ sao được. Chúng chị đây bán cháo phổi suốt từ đầu năm học cũ đến đầu năm học mới mới có tiền dạy quá tiêu chuẩn. Đồng tiền thì mất giá theo năm tháng. Mặt xanh nanh vàng rồi mà còn phải tự nguyện cống hiến năm, mười phần trăm cho ban Giám hiệu ngoại giao với cấp trên. Biết đâu mấy ổng chẳng  chi một đồng nào. Chú xem cái bọn đó có khốn nạn  không hở? Ôi, tất cả cái gọi là tự nguyện của đất nước này chỉ là bắt buộc trá hình. Chúng chị nào nói chi. Cóc kêu dưới bụi tre ngâm / Cóc kêu mặc cóc, tre dầm mặc tre. Chú em biết một mà chẳng biết hai. Cái khôn ngoan bây giờ là ngậm miệng. Chúng chị ngậm đắng nuốt cay cho qua cuộc đời “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra này.” Chú Huy ơi, chú còn tơ lắm. Chống đối chi cái bọn tay sai tép riêu đó. Chúng cũng khổ như mình, ngoại trừ kiếm được vài xu nhét túi mà quên cả liêm sỉ. Thương cho chúng nó một chút, chú Huy ơi! Chúng chị đây cái gì không biết. Nói cho lắm thì chó mèo nó nghe. Chú em tưởng rằng điều chú vừa nói là mới mẻ lắm ư? Nói cho chú em biết, chú em nói thì đúng đấy nhưng chú em cũng ma mãnh đâu có kém. Các chị biết hết. Nói cho rộng hơn, nhân dân biết hết. Dân biết nhưng không thèm phàn nàn đâu. Ngu chi mà làm màu mè cho chúng nó. Còn với chú, thương thật tình đó nhưng buồn lên, các chị phang cho chú em chiếc guốc vì cái tội vô lễ. Muốn nói gì phải thưa các chị, bẩm các chị cho đàng hoàng.
Huy khựng lại, ngẩn ngơ một lát rồi lên xe rú đi. Thật ra, nghe Liên nói thì Huy e đã tỉnh cả cơn say. Hắn vấp nhiều lần rồi, cái con mụ cha tập kết, mẹ ở tù mà chưa chịu gia nhập đảng này ghê gớm lắm. Hắn lẩm bẩm, mụ đó nói cái gì thì chết cái đó, quậy không nổi với mụ ấy đâu.   

21 nhận xét:

  1. Huy và Liên ,hai anh hùng của trường nói hay quá.Anh Ba viết quá tuyệt vời,bức tranh vân cẩu anh vẽ đủ màu sắc rồi.Thân mến.

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Thu ra thăm anh. Đọc xong chuyện hay. Thích cái mụ cha tập kết, mẹ ở tù mà không chịu vào Đảng, quậy tới bến đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái mụ nớ nhiều chuyện éo le lắm. Anh Nguyễn Thu chờ đọc tiếp nghen.

      Xóa
  3. thăm anh và chúc anh bình yên, vui, khoẻ anh nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Em sang đọc bài viết của Thầy và cảm nhận -
    Đầu tuần chúc thầy vui khỏe nhé
    -Em đã liên kết với trang này -Gần đây thấy biến mất ,mà liên kết lại máy cứ abor ''không thể '' là sao thầy ơi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Máy móc dạo này cứ trục trặc. Mình chịu thôi. Có chi xài nấy. Cám ơn bạn ghé chơi.

      Xóa
  5. - Lắm người hồ sơ ngon lành đó chắc chi dạy dỗ đã giỏi.
    - Ban Giám Hiệu thường chưa thống nhất khi đề ra kế hoạch nhà trường. Hiệu phó đôi co với hiệu trưởng quá thường xuyên trong buổi họp làm mất thì giờ của giáo viên. Đề nghị Ban Giám hiệu rút kinh nghiệm, thống nhất kế hoạch trước khi họp giáo viên. Thứ hai, nhà trường cần bắt đầu các buổi họp đúng giờ. Khi nào cũng trễ cả nửa tiếng đồng hồ. Hết họp là trưa trề, các chị em không kịp về nấu cơm trưa cho gia đình, chồng nó chửi cho. Thứ ba, mỗi buổi họp thường vắng quá nhiều giáo viên. Kế hoạch thường tiếp thu chậm, thực hiện chệch choạc khiến tổ chuyên môn khó làm việc.
    -Điểm đầu tiên dành cho thầy hiệu trưởng: tôi đề nghị trường nên có kế hoạch dài hơi, chứ mới ba bốn ngày đã có thay đổi thì giáo viên tụi tui không chạy theo kịp. Giáo viên không ổn định được kế hoạch riêng tư của họ thì kế hoạch của nhà trường họ cũng chỉ làm đối phó và không có chất lượng. Điểm thứ hai dành cho cô hiệu phó: đề nghị cô viết kế hoạch cho rõ ràng và sạch sẽ. Tấm bảng kế hoạch chuyên môn chi chít chữ lại thêm nguệch ngoạc cẩu thả, giáo viên không đọc ra nổi. Đề nghị cần gọn và rõ. Điểm thứ ba tôi xin góp ý với thầy hiệu trưởng cần tăng cường kỷ luật học sinh. Có nhiều em khối 9 vào lớp là nằm ngủ, đứa trên bàn, đứa dưới ghế …
    - Ai không biết học sinh kém thì cho ở lại lớp, thế nhưng chẳng lẽ ở lại một nửa lớp sao, rồi chúng bỏ học thì làm sao mà ăn nói với cấp trên.
    - Xuống làm dân mới biết khổ, cứ ngồi đó mà góp ý với phê bình giáo viên. Cũng một phường tham quyền, tham chức. Ưa thì nói cha ra cho rồi. Cô làm như cô đi dạy thì tốt hơn quản lí chắc. Tụi học trò rên trời với cô đó.
    ----------------------------------
    Em đã tìm ra được vô khối "điểm tương đồng" anh Vĩnh Ba ơi! Anh phải cho in và phát hành tác phẩm này đi ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHuyện của muôn nơi mà, không giống thì còn gì giá trị.

      Xóa
  6. nếu cần cứ cho ở lại cả lớp cũng được, cái quan trọng là kiến thức, sang chúc anh luôn bình an.

    Trả lờiXóa
  7. CANH ĐẠI GIA


    Đứa cháu ngoại từ Huế ra thăm, thế là con cháu tứ xứ gần xa cùng kéo về trong ngày chủ nhật. Đứa cháu muốn ông bà được thưởng thức món đặc sản xứ Huế, liền chuẩn bị nấu bún bò giò heo. Nó hi hoay từ sáng ninh xương ống làm nước dùng, nướng giò lợn, mua các thứ rau thơm, rau sống, gia vị để sẵn và bắt tay vào làm. Một lũ anh, chị em nó có đến ngót chục đứa ngồi quanh bàn ăn vừa xem nó làm, vừa góp ý cho món ăn thật ngon để đãi ông bà ngoại và chúng cũng được chén theo. Con bé khéo tay, hiền lành và ít nói cứ chăm chú làm thức ăn mà nó đã từng giúp mẹ làm để bán trong cửa hàng nổi tiếng cả thành Huế của nhà nó.
    Trong lúc nó hì hụi nấu, nào cho vài mảnh quế, đôi cánh hồi vào nồi nước dùng cho thơm, bọn anh chị em mỗi người thêm một ý. Thằng anh lớn nhất bảo:
    - Đã là món bún thì phải có măng chua, có măng chua mới dậy mùi bát bún em ạ.
    Không đợi con em nói sao, thằng anh ra chợ bên cạnh nhà làm bát măng chua đổ vào. Con chị vẫn nấu ăn cho bà hằng ngày cũng thêm vào:
    - Giò heo hầm thế nào cũng phải có giềng, xả, mẻ và mắm tôm mới ngon, để chị thêm vào cho.
    Con em chưa kịp ngăn lại thì nó đã tương cả bốn thứ sẵn có trong bếp vào nồi nước đang lăm tăm sôi, thơm và béo ngậy. Đứa cháu ngoại chả biết nói sao, vốn tính nó hiền và ít nói chỉ đứng nhìn và cười. Con em ông cậu nhà xế bên lại bảo:
    - Món thịt bò ninh phải có gừng và tỏi, để em cho thêm vào mới đủ vị chứ không ăn nhạt toẹt, ra gì.
    Vừa dứt lời nó lại ra chợ cạnh đấy mua mấy thứ rửa sạch cho thêm vào nồi nước xáo. Lũ trẻ ngồi xung quanh cứ thế góp ý thêm vào, đứa thì bảo phải cho thêm tương Bần, đứa bảo phải thêm tương ớt, đứa bảo phải có ngò gai, đứa đòi thêm ngò thơm, đứa đòi cho thêm tôm khô, đứa thêm tôm nõn, mực tươi… Con cháu ngoại từ Huế ra, chẳng biết nói thế nào cho phải, nó cứ để mặc các anh chị em làm. Nấu xong, nó lên mời ông bà và các bác xuống ăn món bún bò giò heo xứ Huế. Vừa cầm bát bún, bà lão hỏi:
    - Hôm nay cháu nấu món gì vậy?
    - Thưa bà! Cháu nấu món bún bò, giò heo.
    Nhìn kỹ rồi nếm thử, bà ngoại bảo:
    - Nó không giống món bà được ăn ở Huế con ạ.
    - Thưa bà! Con nấu đúng món con vẫn làm, nhưng các anh chị cho thêm nhiều thứ quá nên con cũng chưa biết gọi là món gì bà ạ.
    Nhướng cặp mắt đã hơi mờ mờ, bà mỉm cười:
    - Thế thì thôi, không gọi là món bún Huế nữa, bà đặt tên cho nó là Canh đại gia, được không?
    - Thế ông định gọi là món gì ạ?
    Con bé cháu là giáo viên, quay sang hỏi ông vừa đi dự hôi thảo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa vòng hai về ban chiều. Ông cụ lấy cặp kính lão nhìn kỹ, tủm tỉm cười:
    - Gọi như bà cũng được, nhưng theo ông, nó giống cái món mà người ta đang chuẩn bị để bắt trẻ cả nước ăn ở trường hơn.
    - Món gì thế hả ông?
    - À! Cháu sẽ được thấy ngay thôi cháu ạ, để sang năm học mới.
    Lê Vân , Tháng 12/2014

    Trả lờiXóa
  8. Ghé thăm anh và chúc anh năm mới 2015
    Nhiều sức khoẻ,nhiều niềm vui,gia đình luôn
    luôn hạnh phúc A.Vĩnh Ba nhé.Thân mến

    Trả lờiXóa
  9. TỔNG VỊNH
    GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG
    SÂN TRƯỜNG VƯỚNG BỤI MẮT ĐỜI CAY
    THÀNH THẬT DỐI GIAN CHUYỆN ĐÓ ĐÂY
    CHINH CHIẾN HÒA BÌNH ĐỜI QUAN BÉO
    KHỔ ĐAU HẠNH PHÚC KIẾP DÂN GẦY
    CỨ HÔ KHẨU HIỆU THÀNH CÔNG LỚN
    LẠI RÉO CHỦ TRƯƠNG KẾT QUẢ ĐẦY
    VẪN BỆNH CHẠY THEO THÀNH TÍCH DỠM
    ĐỐI ĐẦU THỰC TẾ LÁO LƯỜNG THAY
    NHA TRANG,06.05.2015
    VÕ SĨ QUÝ

    Trả lờiXóa
  10. Mua vé máy bay của giá rẻ thì liên hệ em nhé

    Trả lờiXóa