Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Triệu tổ Nhà Nguyễn húy KIM hay CAM?



Triệu tổ Nhà Nguyễn húy KIM hay CAM?

Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế nhà Nguyễn là ngài Nguyễn Kim. Theo Wikipedia, ngài Nguyễn Kim (阮 淦, 1468 - 1545) là một quyền thần của nhà Lê trung hưng, đã tích cực đối kháng nhà Mạc sau khi nhà Lê sơ sụp đổ. Ông đã đem con em chạy sang Ai Lao, chiêu tập binh mã, lập Lê Duy Ninh làm vua Lê Trang Tông, đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê khởi đầu thế Nam-Bắc triều (1533-1592). Ông được truy tôn miếu hiệu Triệu Tổ của các chúa Nguyễn và ngoại tổ phụ của các chúa Trịnh.


Xưa nay các sử gia đều viết như thế. Điển hình sớm nhất là trong Việt Nam Sử lược (Nxb Trung Bắc Tân Văm, 1920) của cụ Trần Trọng Kim (1863 – 1953), cuốn lịch sử đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, và trong Tiên nguyên loát yếu phổ (TNLYP) của cụ Liên Đình Tôn Thất Hân (bản dịch của Ưng Tôn và Ưng Bình, năm 1935) cũng ghi như thế. Những cuốn sử về sau dựa vào các sách ấy nên không có gì thay đổi.
Cụ Tôn Thất Hân, và tác phẩm TNLYP
Tuy nhiên, khi cuốn Nguyễn Phúc tộc thế phả (NPTTP, Nxb Thuận Hóa, 1995) của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc ra đời thì lại ghi ngài tên là Nguyễn Cam. Lý do là chữ  淦“theo Khang Hy tự điển phải đọc là Cam. Từ trước đến nay quen đọc là Kim, nay sửa lại cho đúng.” (chú thích ở tr. 97)
Về mặt phát âm Hán Việt thì các tác giả cuốn thế phả này hoàn toàn đúng. Chữ theo các từ điển Hán Việt đều đọc là Cam. Vậy thì các bậc thâm nho nói trên vì lí do gì lại đọc sai như thế. Sau đây là một số kiến giải của chúng tôi:
1. Cam không thể là tên của ngài Triệu tổ
1.1. Chữ Cam và ch Kim viết khá đơn giản. Ngay cả đối với một người biết vài trăm chữ Hán cũng khó lẫn lộn hai chữ này. Do đó, các bậc thâm nho như Trần Trọng Kim, Tôn Thất Hân, Ưng Bình,… không thể lầm lẫn chúng được. Vậy phải có lý do đặc biệt khiến các ông không chấp nhận âm Cam.
1.2. Chúng tôi tra lại chữ Cam ở Tự điển trực tuyến zdic.net thì được kết quả như sau:  1. 水 入 船 中 2.  河 工 称 起 伏 很 大 的 激 浪 3. ( Cam 1. Thủy nhập thuyền trung; 2. Hà công xưng khởi phục ngận đại đích kích lãng. 3. Tính.) Như thế chữ Cam có 3 nghĩa: 1. Nước rịn vào thuyền. 2. Sông có nhiều sóng to (Thuật ngữ của ngành đê điều). 3. Họ Cam.
Tra tiếp Tự điển trích dẫn thì từ Cam cũng có 3 nghĩa tương tự: 1. (Động) Nước ngấm vào trong thuyền. 2. (Danh) Sông "Cam" , phát nguyên ở Giang Tây. 3. (Danh) Họ "Cam".
Ở Khang Hy tự điển thì ghi là “ 切,音 ”(Cổ ám thiết, âm Cám) nhưng theo Tập vận và Quảng vận thì đọc là ”(Cổ nam thiết, âm Cam) và cho 2 nghĩa: 1. 2. (1. Thủy nhập thuyền trung dã 2. Thủy danh). Vậy chữ này đọc là Cám/ Cam, có 2 nghĩa: nước thấm vào lòng thuyền và tên sông. Ngoài ra chữ này còn có âm Yểm và âm Hàm.
Ở Thiều Chửu tự điển thì ghi âm Cam và chỉ một nghĩa “sông Cam”.
Từ đó, chúng tôi thấy rằng ngài Nguyễn Văn Lựu, thân phụ của ngài Nguyễn Kim, làm đến chức đại quan là Thái Phó Trừng Quốc Công, lẽ đâu chữ nghĩa văn chương không có đến nỗi lại đặt cho con mình cái tên với nghĩa chẳng hay ho gì “Nước rịn/ ngấm vào thuyền” như thế. Với nghĩa thứ hai thì sông Cam bên Trung Hoa hay sông có nhiều sóng cả cũng chẳng có mấy ý nghĩa cho con cái một gia đình quyền thế bậc nhất nhì trong nước. Thiết nghĩ, vào thời đó, một nho sĩ có học đòi dăm chữ Hán cũng không chọn tên cho con một cách hời hợt như thế. Tên con cái thường được  gởi gắm một hoài bão của cha mẹ về tương lai của con sau này.
1.3. Âm Cam xưa nay trong dân gian chúng ta thấy không hề húy kỵ. Dân chúng vẫn nói quả cam, cam tâm, cam khổ, chảy máu cam, mẹ rất cam con, cây cam thảo,.… một cách bình thường.
Trong khi đó, chúng ta thấy tên của các chúa Nguyễn đều được húy kỵ như Hoàng (tên của Chúa Tiên) đọc trại thành Huỳnh, Nguyên (Chúa Sãi) thành Ngươn, Tần (Chúa Hiền) thành Tờn, Thái (Chúa Nghĩa) thành Thới, Chu (Quốc chúa) thành Châu…Vậy, nếu tên của Triệu tổ mà không húy kỵ thì thật là một chuyện quá lạ đời.
2. Tên của ngài Triệu tổ có khả năng là Kim chăng?
Chúng tôi tạm nghĩ vậy vì có một số trường hợp cho thấy chữ/ âm Kim có húy kỵ phần lớn trong thời các vua Nguyễn dẫu rằng là khinh húy, không toàn diện và chặt chẽ:
2.1. Lý do đầu tiên là ở Huế có một loại trái cây khá thông dụng trong việc làm mứt. Đó là trái cam quật, theo người Huế thường gọi. Thật sự, tên trái này là trái kim quất ( ).  Bây giờ nhiều miền vẫn gọi tắt là trái quất, tránh nói đến từ Kim. Việc đọc trại từ “kim quất” sang “quất” và “cam quật” rõ ràng đã chứng tỏ âm Kim được kỵ húy, mà âm Cam thì không.
2.2 Sông Hương là một vẻ đẹp độc đáo của thành phố Huế. Nguồn gốc cái tên Hương giang cũng cho chúng ta một chỉ dẫn về tên của ngài Triệu Tổ.
Từ năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc Thừa tuyên Thuận Hoá. Sách "Ô châu cận lục" do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, cho biết nguyên sông Hương có tên là sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang) vì sông này ở trong huyện Kim Trà. Sách "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn gọi là sông Hương Trà (Hương Trà nguyên). Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hoá (1558), huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà và sông này có tên Hương giang như ngày nay.
Vậy kết luận rằng việc đổi tên này nhằm kỵ húy tên của ngài Triệu Tổ là điều khá hiển nhiên.
2.3. Lý do thứ ba mà chúng tôi cho là có giá trị hơn là có một dòng họ Kim đã đổi ra họ Nguyễn Chơn dưới triều Gia Long để con cái có thể thi cử tiến thân. Đó là họ Kim ở làng Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang, Thừa thiên Huế. Theo gia phả của họ, ông tổ họ Kim này là Kim Đinh Hào, người Trung Hoa sang định cư ở nước ta cuối thế kỷ 17 thời các Chúa Nguyễn như Mạc Cửu. Đến đời thứ 8, khoảng triều Gia Long, bốn trong năm ông đã đổi sang họ Nguyễn Chơn. Duy chỉ ông Kim Đình Lễ thì vẫn duy trì họ Kim đến nay.  Lý do là bốn ông này có học hành, muốn thi cử để làm quan triều Nguyễn. Nhánh vẫn giữ họ Kim thì con cháu chỉ làm ruộng hoặc làm nghề để sinh sống.
Chúng tôi khảo sát ngôi từ đường của họ Nguyễn Chơn này thì thấy hoành phi chính căn giữa có ba chữ “Chính Kim Tự, 正 金 祀” (Hình 1). Cụm từ này theo chúng tôi nghĩa là “Thờ họ gốc là Kim”. 
   Hình 1
Hai bên có câu đối như sau (H.2):
                                                            Hình 2
Bản chi vĩnh thế truyền vi Nguyễn
Qua điệt sơ sinh bản tự Kim
(Gốc cành từ nay truyền về nhiều đời sau là họ Nguyễn/  Con cháu thuở mới sinh ra lúc đầu vốn từ họ Kim)
 Như thế rõ ràng từ Kim ít nhiều đã được kỵ húy trong thi cử.
2.4. Lý do tiếp theo là cụ Thân thần Tôn Thất Hân (1854 - 1943), người soạn cuốn Tiên nguyên loát yếu phổ bằng chữ Hán, mất năm 1943 trong khi sách dịch bởi Ưng Tôn, Ưng Bình xuất bản năm 1935. Như thế suy ra, cụ đã xem sách dịch này và công nhận rằng sách đã được dịch đúng nguyên tác. Một bậc đại thần suốt bốn triều từ Thành Thái đến Bảo Đại, kiêm Thái tử Thiếu bảo rồi Phụ chánh, rồi Võ Hiển, Cần Chánh đại học sĩ lý đâu không biết rõ tên tuổi các tiên chúa và tiên đế. Khi viết sách hẳn cụ có trao đổi, tham khảo với các đồng liêu trong Quốc sử quán và Tôn nhơn phủ chứ. Sự công nhận của cụ Thân thần Tôn Thất Hân như thế có thể xem như là sự xác nhận của Quốc sử quán triều Nguyễn và Tôn nhơn phủ chứ gì. Người dịch là cụ Ưng Bình và Ưng Tôn thì trên bìa TNLYP ghi là Lễ bộ Thượng thư trí sự. Riêng cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị thì hẳn không mấy ai không biết. Cụ nổi tiếng hay chữ và giỏi thơ thời ấy. Cụ đã để lại tập thơ chữ Hán rất tài hoa, đó là Lộc Minh Đình thi thảo.Tất cả tên tuổi các bậc danh nho đại thần đó thiết nghĩ đủ để bảo đảm cho việc đọc tên húy của Triệu tổ phải là Nguyễn Kim rồi.
2.5. GS Ngô Đức Thọ trong cuốn Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Nxb Văn Hóa, 1997), tr. 95, 96 cho biết ông đã tìm thấy trong Ngự chế thi tập của chúa Trịnh Cương (1686 – 1729), biên soạn bởi Lâm quận công Cao Huy Trạc, 6 chỗ chữ Kim được viết là  X (H. 3). Theo GS Thọ thì viết vậy chỉ có khả năng là kỵ húy tên ngài Nguyễn Kim, ngoại tổ của các chúa Trịnh. Ở phụ lục IV, mục 258 thì GS Thọ còn ghi rằng chữ và chữ là 2 chữ đồng âm. Ở bảng kê các chữ húy thời Tự Đức trang 156, ông Thọ còn ghi âm Kim kỵ húy ngay đầu bảng với chữ . Các chi tiết này liệu có đủ khẳng định tên húy của Triệu tổ là Kim chăng?

 
Hình 3. Chữ Kim (X) được viết kỵ húy trong Ngự chế thi tập của Trịnh Cương.
2.6. Chúng tôi còn tìm thấy chữ/ âm Kim được kỵ húy trong cuốn Thiên gia quý sách, Chính biên. Quyển này được biên soạn bởi Tôn Nhơn phủ vào đời Khải Định thứ 8, ghi phả hệ các đời vua triều Nguyễn. Các phủ phòng đều có nó để dựa vào mà viết phả hệ của phòng mình. Toàn bộ chữ kỵ húy dưới triều Nguyễn đều được viết tuân thủ theo luật lệ hoàng triều. Chữ Kim () ở tất cả các chỗ trong sách đã được viết khác với các dị thể của chữ Kim trong Khang Hy tự điển. Ví dụ như trong hình kèm dưới đây ở câu thơ dành cho phòng Quảng Uy “Kim ngọc trác tiêu kỳ” (H.4). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh thì trong các tác phẩm Nôm thuộc thế kỷ 16, 17 chữ như thế được dùng khá nhiều. Điều này thêm lần nữa xác nhận sự kỵ húy với chữ/ âm Kim. Đối với chữ Cam thì hoàn toàn không có việc này.
Hình 4
            Dạng chữ Kim này chúng tôi chúng tôi còn tìm thấy trong bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện (bản Duy Minh Thị). Riêng bản Nôm Liễu Văn Đường thì ở bìa và ở câu “Kể từ khi gặp chàng Kim” bản khắc cũng dùng dạng chữ Kim này, mà chỗ khác thì không. (H. 5 & 6)
   
                                     Hình 5                                                                       Hình 6
2.7. Tương tự như thế, tại đình làng Diềm, Viêm Xá, Hòa Long, Bắc Ninh, chúng tôi còn thấy được một hoành phi có chữ Kim, viết khác với các dị thể của chữ Kim trong tự điển dị thể (H. 7) . Đây cũng là một minh chứng cho việc kỵ húy chữ Kim đã lan tràn trong dân gian.
Hình 7. Hoành phi Thủ khố ngân sơn ở đình làng Diềm.
            3. Giả thiết cho sự mâu thuẫn giữa cách đọc và chữ viết
Tuy nhiên, với cả 10 lí do trên, chúng tôi cũng chưa quyết đoán tên húy của Triệu Tổ là Kim hay Cam nếu chúng tôi không giải quyết được sự mâu thuẫn giữa cách đọc và chữ viết tên của Ngài. Sau đây là giả thuyết của chúng tôi:
3.1. Bộ thủy () trong tên các Chúa Nguyễn do đời sau đặt vào
Khi đọc lại NPTTP, tr. 99, phần anh chị em của ngài Triệu Tổ, thì ngài còn có một người em tên là Nguyễn Tông Thái (阮 宗 泰), làm quan đến chứ Điện tiền Đô tổng binh sứ dưới triều Lê. Tên Thái này không có bộ thủy như tên ngài. Cũng trong NPTTP, tr. 116, con của ngài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là Nguyễn Thành ( ) cũng không có bộ thủy. Tiếp theo là con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là Nguyễn Phúc Trung ( ), Nguyễn Phúc An ( ) Nguyễn Phúc Vĩnh ( ), Nguyễn Phúc Lộc ( 祿), Nguyễn Phúc Thiệu ( ), Nguyễn Phúc Vinh ( ),… cũng không có bộ thủy (NPTTP, tr. 125).  
Vậy thì rõ ràng ngay từ đời Phó Quốc công Nguyễn Văn Lựu đến sớm nhất là đời Chúa Sãi, các chúa Nguyễn chưa có ý định chọn bộ thủy để đặt tên cho con cái mình như kiểu các danh gia vọng tộc thời xưa (và tên gọi cũng chưa lót chữ Phúc).
3.2. Vậy thì bộ thủy được thêm vào tên các chúa và có tên lót chữ Phúc do thần nhân báo mộng chỉ là một mưu kế của các quân sư đời sau để đối lại dòng chúa Trịnh với bộ mộc () và nhằm tăng cường uy tín chân mệnh thiên tử cho dòng các chúa Nguyễn. Người quân sư đủ tài trí để nghĩ ra những mưu chước như thế chúng tôi đoán rằng chính là Đào Duy Từ dưới thời Chúa Sãi. Từ đó về sau, chữ Kim tên ngài Triệu tổ luôn được ghi có bộ thủy và trở thành từ kỵ húy như ta thấy trong các liệt kê các từ kỵ húy dưới triểu Minh Mệnh hay Tự Đức.
Đào Duy Từ (1572-1634) là nhà quân sự, nhà thơ và nhà văn hóa, danh thần thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ông chỉ làm quan với Chúa Nguyễn có tám năm, nhưng trong tám năm đó, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu. Ông là tác giả bộ binh thư Hổ trướng xu cơ, mâm 2 đáy để trả sắc phong cho chúa Trịnh, lũy Thầy và lũy Trường Dục… Chúng tôi suy đoán rằng chuyện thần nhân ban chữ Phúc khi cho Gia Dụ Hoàng hậu khi hoài thai Chúa Sãi cũng chỉ là huyền thoại mà Đào Duy Từ bày ra để tạo uy tín cho chân mệnh thiên tử như chúng ta thường thấy trong lịch sử. Theo Đại Nam Thực Lục, Chúa Sãi lúc 51 tuổi mới lên ngôi Chúa, bấy giờ người ta gọi là chúa Phật. Từ đấy, Chúa mới xưng quốc tính Nguyễn Phúc, chứ không là ngay khi Chúa sinh ra đã có tên là Nguyễn Phúc.
4. Phần kết
Với các chứng cứ như trên, chúng tôi tin rằng tên húy của Đức Triệu Tổ là Kim, nghĩa là chúng ta nên tách bộ thủy ra để đọc tên ngài. Đó chính là cách đọc chính xác của các bậc thâm nho, các bậc đại thần như Trần Trọng Kim, Tôn Thất Hân, Ưng Bình, Ưng Tôn. Cách đọc đã đó được công nhận từ xưa đến nay và trở thành truyền thống trong dòng họ Nguyễn Phúc. Có như thế mới giải quyết các tồn nghi như chúng tôi đề ra ở trên. Tiếp theo cũng sẽ giải quyết được tên của ngài Trừng Quốc Công (đang tồn nghi) là Nguyễn Văn Lưu () thay vì Nguyễn Văn Lựu ().
Cách đặt tên theo bộ là một vấn đề khá rắc rối, có khi thay cả bộ thủ này bằng bộ thủ khác nữa. Chúng tôi dự tính dành vấn đề đó cho một bài báo khác. Riêng đây, chúng tôi xin nhấn mạnh một điểm rằng không phải bất cứ khi nào ta cũng tách bộ thủ ra khỏi chữ để đọc tên.
Rất mong có sự trao đổi với các bậc thức giả, và các nhà nghiên cứu lịch sử.
Tháng 7.2017 – Nguyễn Phúc Vĩnh Ba.

2 nhận xét:

  1. Bài viết sắc sảo, rõ ràng, có tình có lý.Tôi nghĩ Ngài tên đúng là Kim chứ không phải là Cam (theo cách phiên thiết của Khanh Hi Tự Điển. Một ví dụ như từ đường của Ông Nguyễn hữu Dộ ở Kim Long. Ông Độ bộ Nghiễm nên từ đó về sau con cháu ông Khi viết tên bằng chữ hán hay chữ nôm đều thêm bộ nghiễm ở trên hết.Việt lấy một bộ để ghi tên là chuyện thường thấy ra trong các cuốn gia phả của dòng họ Việt Nam. Khi thì bộ nhật, khi thì bộ thủy, bộ ngọc, bộ mộc v.v...

    Trả lờiXóa