Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (21)


            Dũng về tới nơi thì đã thi xong môn đầu trong hai môn của buổi sáng. Lũ học sinh ùa ra tràn đầy sân trường, ngồi đầy các ghế đá dưới bóng cây. 

           Hè đã về. Dãy bằng lăng đã khoe sắc tím. Phượng vàng, phượng đỏ cũng nở ngập sân trường nhưng không hề có tiếng ve. Lũ côn trùng này đã giã từ các bạn học sinh hẳn vì không chịu nổi đủ thứ thuốc trừ sâu phun khắp ruộng đồng cây cỏ. Dế cũng vậy. Anh lâu lắm không nghe tiếng dế kêu dù đây là một vùng nông thôn. Trong tâm trí ngày nào của anh phượng ve, cỏ dế… là những cặp song hành. Những tiếng ve râm ran ngày hè, những lời dế rền rĩ trong đêm là những kỷ niệm theo anh trong thời nhỏ dại. Bây giờ ấn tượng đó vẫn thế. Nhìn quanh cảnh trường xanh mát và đua hoa, anh vẫn không thấy vui vẻ chút nào. Giá ai chụp một bức ảnh trường anh thì người xem sẽ không tiếc lời khen ngợi. Nhưng đó chỉ là cái bề nổi. Không ai nhìn vào đó mà thấy được cái ẩn nấp sau bóng lá, chùm hoa và đám học trò xúm xít vô tư kia. Công lao ngành giáo dục của anh lại phần lớn nằm ở phần chìm: cái còn lại trong bộ não của các em học sinh kia như lương tâm, lòng nhân ái hay khả năng cảm thụ hoặc biện biệt cái đúng cái sai... Than ôi, những cái đó đang bị bỏ quên trên sân trường này. Ngay cả phần kiến thức thì anh vẫn thấy mình hổng hụt đáng kể nhưng nhiều cái linh tinh khác lại làm anh và nhiều người trong ngành đau đầu. Một năm học lại sắp qua, anh cảm nhận được sức nặng của nó như chiếc cầu biết áp lực của đoàn xe đi ngang qua. Anh gõ trống, sắp xếp cho học sinh vào thi môn thứ hai, dặn dò nhân viên trực hội đồng rồi đi theo Hồng ra quán nước ở cạnh trường.
            Hồng vừa ngồi xuống ghế đã nói liền:
            - Con mái của cậu không được cái gì hết.
            Dũng giật mình, đáp lại tức thì:
            - Trống với mái gì? Anh nói chi chi mô.
            Hồng gõ gõ cái bật lửa xuống mặt bàn, nhìn Dũng dò hỏi một hồi rồi nói:
            - Cậu giấu được ai mà chối. Cô Luyến đó cho cậu hưởng xái mấy lần rồi. Nó mà ngổng phao câu lên là cậu đổ nhào ngay. Không giấu nổi mình đâu.
            Như chạm phải nọc, Dũng đỏ bừng mặt, nóng ran đến tận hai tai. Anh mơ hồ thấy bóng Luyến chập chờn trước mắt như hôm đầu tiên ăn nằm vội vã với Luyến trong phòng hiệu trưởng. Ba năm rồi. Anh nhớ là mình nằm dài trên sàn xi măng còn Luyến ngồi lên mình anh, giạng chân hai bên hông anh, nhấp nha nhấp nhỏm. Trong bóng tối dày đặc, anh không nhìn thấy gì, một tay bóp vào eo ả, tay kia rờ mò bấm bẹo khắp ngực ả. Tiếng ả rên hừ hừ như tiếng mèo cái động dục khiến anh ngã gục ngay. Luyến hì hục một hồi nữa, đứng dậy mò mẫm áo quần trên bàn, mặc vào rồi lẻn đi ra khỏi phòng.
Đúng ra mà nói thì anh đã bị ả hiếp. Hôm đó trường cắm trại và tổ chức luôn Hội thi Phù Đổng cấp trường, và cũng là năm thứ hai Luyến về trường. Hơn mười một giờ khuya rồi. Anh đi một vòng quanh các trại để xem tình hình học trò thức ngủ ra sao. Học sinh nữ đã ngủ êm ra sau khi bị nhốt vào các phòng trên tầng hai và được các cô giáo địa phương là Duyên, Liên… trông nom. Tụi con trai vài đứa còn lúc rúc bày trò bài bạc chi đó, xầm nầm xì xì chưa chịu ngủ. Phần đông các cô giáo ở thành phố đều xin về nhà vì gia đình hay con dại. Riêng Luyến ở lại với lớp cô chủ nhiệm, cũng vì bổn phận thôi, thường tình thôi và anh không nghĩ có cái gì đặc biệt.
Các cô hớn hở thu xếp xách cặp túa ra về. Họ rối rít khen anh:
- Thầy Hiệu tâm lý ghê. Tụi em mà ở lại là không sao ngủ nổi. Chồng ở nhà thì sao, con ở nhà thì sao. Đủ thứ chuyện thầy ơi! Thầy thông cảm cho tụi em. Mai tụi em ra sớm.
- Mai mua bún bò bồi dưỡng thầy hiệu nghe. Bún mụ Kéo ngon lắm.
- Tụi em gởi chị Luyến cho thầy đó. Sứt mẻ chi tụi em bắt đền thầy đó nghe.
Quay sang Luyến, họ nói đùa:
- Luyến nhớ hát vài bài cho thầy hiệu nghe. Thầy rứa chứ văn nghệ lắm.
- Chị Luyến ở lại vui vẻ nghe.
Đêm văn nghệ lửa trại kết thúc sớm lúc chín giờ rưởi. Một ngày nắng gắt và các cuộc thi đấu thể thao mệt nhoài đã khiến phần lớn các học sinh đi ngủ sớm. Giáo viên nam thì tập trung ở nhà bảo vệ uống bia, đủ mặt cả: Quát, Thành, Huy, Vũ… Hồi chiều Huy lại gây gổ với Quát trong ban quản trại về cách tổ chức thi kéo co. Hai tay nói qua nói lại một hồi rồi nổi cáu lên,suýt đánh nhau trên sân cỏ. Họ uống giải hoà thế cũng tốt. Họ rủ Dũng uống nhưng anh quá mệt nên uống một hai ly rồi kiếm cớ đi ngủ, nói:
- Mai còn khối việc. Mấy thầy thư giãn vừa vừa nghe. Có chi gọi tui. Tui khép hờ cửa thôi.
- Thầy làm thêm một ly rồi lên ngủ cho khỏe, Quát nói.
Anh nói đùa trả lại:
- Tui uống bia vào là thích ngủ với vợ thôi.
Nói thế chứ anh cũng nốc thêm một ly đầy cho tình cảm với đồng nghiệp.
Huy lanh chanh nói chen vào:
- Còn ngon mà, anh hiệu của em.
Anh để đèn nhỏ ở bàn làm việc, vừa nằm thiu thiu trong ghế xoay, gác hai chân ở bàn thì cửa trước hé mở. Một bóng trắng lướt vào, vòng ra sau ghế, bịt lấy mắt anh.
- Em đây. Dậy tắt đèn đi!
Anh nhận ra tiếng Luyến, chồm người bóp công tắc ở bàn. Bóng tối ngập căn phòng thì ả đã ngồi sà vào lòng anh, thủ thỉ:
- Nằm một mình, tội nghiệp hè!
- Liều mạng hí! Ai thấy thì chết.
- Răng cũng lỡ rồi. Hiệu trưởng kêu lên thì hiệu trưởng chết trước chứ ai chết?
- Dại à? Dũng vừa đáp vừa luồn vào trong áo ả, trống trơn không một rào cản. Anh sờ mó lung tung. Hai đầu vú của ả cứng lên dưới bàn tay anh. Anh vén cả áo ả lên, úp mặt vào ngực ả. Luyến cười khẽ hi hi, nói:
- Từ từ mà!
Trong bóng tối dày dặc, anh chỉ nghe được tiếng áo quần mình rơi trên sàn và tiếng áo quần Luyến ném trên bàn. Chiếc khóa nịt đánh xuống sàn xi măng cái tróc, nghe lạnh trong đêm văng. Anh ép Luyến vào lưng chiếc tủ đựng hồ sơ, hôn say đắm vào đôi môi ham hố của ả. Hai tay anh vòng ra sau xoa mãi đôi mông tròn trịa rồi đổi chỗ lên ngực ả. Ả thò một tay xuống phía dưới anh. Hai người cựa quậy xấn xáp vào nhau. Tiếng ghế bàn bị xê dịch nghe rõ trong đêm thanh. Căn phòng nhỏ bỗng trở nên quá chật chội. Luyến một lúc sau xô mạnh anh ra, bắt anh ngồi vào chiếc ghế xoay. Sau một hồi, ả lại xô ghế ra, ấn anh nằm trệt xuống sàn.
Dũng lờ mờ thấy lại cảnh tượng đó loạng choạng trước mắt, cái cảnh do anh vẽ lại những ngày sau đó trong cơn hồi tưởng mê li. Như một giấc mộng hoang đường. Đàn bà nó thế ư? Bao lâu nay, anh vẫn ạch đụi với vợ mình như con heo nọc làm cái công việc truyền giống cho lũ heo nái trong làng quê anh. Không một chút sáng tạo, không một chút bất ngờ. Đầy cả thụ động tính, đầy cả vật tính. Còn với Luyến ư? Nó người hơn, nó nghệ thuật hơn. Anh rùng mình nhè nhẹ. Một cái gì đó vốn từ lâu yên bình vững chãi chao đảo sụp đổ trong anh. Dũng dụi mắt, lừ đừ không nói năng một hồi rồi lên tiếng:
- Đừng có nói chuyện người khác cho mệt. Nói chuyện anh đi. Chuyện chi mà gấp rứa?
- Bàn với cậu bữa trước rồi. Nhận mình về làm Hiệu phó nghe. Mình chỉ thích về trường cậu thôi. Hồng vẻ mặt nghiêm trọng, nói.
- Mình có cô Dĩnh rồi.
- Trường cậu loại I, tiêu chuẩn hai hiệu phó mà. Đợt luân chuyển này, tụi mình về vườn cả. Không lo sớm chỉ có nước chết. Cậu không cứu được thì anh chết mất.
Dũng trấn an Hồng, nói:
- Chắc không? Anh nghe tin đâu mà tài thế. Kế hoạch này lâu rồi, hè năm trước mình cũng đã nghe nói. Đề ra là rứa nhưng thực hiện chắc gì cứng nhắc như kế hoạch. Bao giờ tổ chức cũng chiếu cố đến đóng góp bao lâu nay của anh. Anh lo xa quá đó. Cứ để vậy xem sao đã.
Hồng cười đau khổ, nói:
- Cha ni nhẹ dạ quá! Quần chúng không ưu tú như mình thì sớm tính đường lui cho mau. Gọi là “thức thời vi tuấn kiệt” đó. Cậu cứ làm tờ trình, xin bổ sung một hiệu phó. Chết chi của bọ mô. Còn mình xoay xở sau. Mấy thằng như mình lận chứ ít đâu, không tính sớm lỡ đứa nào chen vô thì hỏng. Trăm năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ. Ai hỏi, cứ nói cho anh Hồng về để đẩy mạnh chất lượng môn Ngữ Văn. Trường cậu chỉ yếu có môn đó chứ giáo viên mấy môn khác ai mà đọ nổi.
- Được, được. Khó chi mà.
- Nhớ nghe cậu “khù”. Mà làm ngay đó. Mình lo sốt vó đây. Chừ mà về cái trường mô xa xề, đứng lớp trong khi tụi nhóc tì nó làm cai, mình không chịu nổi. Đợt ni lại có bổ nhiệm một số hiệu phó nữ trẻ nữa. Toàn là gà vịt của mấy quan lớn. Con mái của cậu sắp bay rồi đó. Tiếc không?
Dũng giả lơ chuyện của Luyến, ái ngại nói:
- Anh nói chi rứa. Không làm quản lý thì đi đứng lớp. Có chi. Tui cũng như anh thôi. Làm hiệu trưởng bộ sướng lắm chắc. Tui thấy anh dư năng lực, bỏ anh xuống cũng tiếc. Tụi trẻ chừ năng lực yếu lắm.
Hồng cười chua chát:
- Yếu mạnh không phải là chuyện đáng nói. Học từ từ mà. Nói đừng giận. Ai bảo cậu “khù” là lầm rồi. Cậu chúa khôn, ngậm miệng ăn tiền. Cậu lại có mả làm hiệu trưởng, mình thì không.
Câu nói của Hồng nhắc Dũng nhớ tới lão Một Ngà. Lão đã về hưu, cái nhà hai tầng to đùng ở Huế. Dũng vào thăm một vài lần vào dịp Tết, trông mà thèm. Cây cảnh non bộ dày đặc, mỗi cây giá có đến năm bảy triệu. Xa lông nệm dày cả gang tay, ngồi vào như ngồi trên mây. Lão bây giờ nói toàn chuyện triết lí Tây Tàu, lấy nhân nghĩa làm điều răn mình, đi chùa niệm Phật và làm từ thiện. Con cái lão đều có công ăn việc làm ngon lành, mà lại chức phận nghênh ngang ngay tại thành phố này nữa mới tuyệt chứ. Lão gọi là có phúc có phận. Phúc phận gì, anh thừa biết. Giá mà chúng không có cái lí lịch ngon lành, cái quen biết đường đi lối về của bố mẹ nó để lại. Ôi, thế là hưởng đức của tổ tiên ư? Còn anh, mả mồ gì, mình không có tài như lão được, có dăm ba đồng không đủ nhét mồm mấy đứa con, anh nghĩ. Lắm lúc anh chợt thấy chán ngán cái công việc mình đang làm. Anh nhớ tới cuốn tiểu thuyết về giáo dục của Nam Cao, Sống mòn. Đó là một trong vài ba cuốn sách anh đọc suốt một đời đi dạy. Nam Cao nói về cái mòn mỏi sức lực, tâm hồn và cả nhân cách của anh giáo Thứ vì cuộc sống nghèo khó, vì bị miếng ăn, đồng tiền dày vò. Chẳng qua là cũng vì những cái tủn mủn, không ra gì của một đời khốn khó. Còn giáo viên như tụi anh bây giờ, nhà cửa xe cộ có người thiếu gì nhưng họ còn mòn mỏi hơn với bao sự giả dối, lường láo và vô lương tâm. Họ áo quần láng lẩy, ăn uống cao sang, tiền bạc rủng rỉnh nhưng tâm hồn và nhân cách thì rỗng rang và úa héo dần. Cái áo không làm sao dựng nên ông thầy tu.
Anh buột miệng hỏi Hồng:
- Anh đọc cuốn Sống mòn của Nam Cao chưa?
- Hẳn là rồi. Chi rứa?
- Tụi mình cũng sống mòn, sống mỏi không kém anh giáo Thứ.
Tiếng Hồng vang lên:
- Mòn với nguyên gì, mặc xác. Mình chẳng chủ động được cái quái gì hết. Đời nào không có thằng mòn. Khối thằng không có cái mà mòn. Mình đôi khi có cảm giác mình là một thằng điên. Nếu không điên chắc mình ra cầu Trường Tiền mà nhảy mất.
Dũng bâng khuâng trô hố mắt nhìn Hồng. Cái ông anh tào lao này mà đau đớn thế sao? Anh nhớ lại bao điều mà Hồng thường nói với tụi anh, nào về gái ghe, ăn nhậu, chơi bời…Hắn bao giờ cũng tỏ ra là dân chơi sành điệu thứ thật, thơn thớt mồm miệng, đạo đức giả dối một đời mà. Cái mặt thịt của Hồng toàn lộ chuyện hưởng thụ thì đào đâu ra mấy cái tư tưởng bi hài thế. Hắn đã từng nói bao biện rằng giờ đã hết thời đánh nhau vỡ đầu vì này nọ mà là thời của “yêu” nhau điên cuồng tha thiết, bay áo lột quần mà. Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng, hắn hay trích hát câu nhạc Trịnh này. Anh chợt thấy thấp thoáng trong trí mình con hói chảy quanh co trong làng anh, nước tanh tưởi, màu nước tối đen, rác rến trôi lềnh bềnh. Không còn ai trong làng anh nghĩ đó là một con sông con cả. Với họ, than ôi, nó chỉ là một cái hố rác tự nhiên, thuận lợi vô cùng. Những căn nhà nhỏ lấn dần lòng hói, cơ hồ hai bờ muốn bắt tay nhau. Cũng con hói đó bề ngang không đầy chục mét ngày anh còn nhỏ là cả một trời kỷ niệm ấm áp và êm đềm. Ngày hè nào anh lại không dầm mình đôi ba lần và cùng nô đùa với bè bạn. Sắc nước trong xanh, vị nước ngọt ngào, thân nước mát rượi. Giờ đây tàn tạ đau thương như vậy, liệu con hói lại chẳng còn chứa chút nước trong lành nào mà suối nguồn ngàn dặm xa đã rót vào lòng nó sao? Như Hồng, hắn nói dzậy mà lại không dzậy sao? Anh tự cười ruồi khi nhớ tới câu nói này của dân Nam bộ mà anh nghe trong các băng ca nhạc tiếu lâm rẻ tiền. Hoá ra hắn cũng khó hiểu nhỉ! Hồng hôm nay khác hẳn, một con người biết đau đớn về phận người sao? Ui chao, trời đất sắp sập rồi! Đâu lại có chuyện lạ như ri? Anh nghĩ lung tung rồi nói:
- Anh đừng nói gỡ. Sống mà nuôi con. Nói chi dễ sợ rứa. Tui đang lo kỳ thi tốt nghiệp tới đây.
Hồng nhắp chút cà phê rồi nói:
- Lo gì. Ta cứ theo Tô chủ tịch mà phấn đấu, thế nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
- Sao anh nhớ dai thế? Tô chủ tịch huyện mình đã về hưu gần mười mấy năm, không khéo mồ yên mả đẹp vì sạn thận và lủng bao tử rồi. Lâu rồi không ai nhắc nhở chi đến lão cả. Lão được có cái là tính dân dã, xuề xoà chứ không quan cách như các ngài bây giờ. Cái lão ăn mạnh không ai chịu nổi, mời là lão nhiệt tình ăn ngay. Cả dĩa thịt lợn thế mà lão nhét sạch vào bụng. Uống cả nửa chai rượu Lúa Mới nữa. Cái bao tử với mấy quả thận của lão chịu hoài cũng hết sức. Mấy lần lão về trường, tui tiếp lão bơ phờ.
- Lão ăn bù những ngày gian khổ nằm rừng lội suối đấy. Thế mới lủng bao tử. Nhưng câu nói của Tô tiên sinh năm tổng kết kỳ thi tốt nghiệp nọ thì anh Hồng này không quên đâu: Năm ni ta thi đỗ chín mươi lăm phần trăm, hơn hẳn năm trước, đó là một thắng lợi của tinh thần tiến công cách mạng trên lãnh vực diệt giặc dốt. Ta năm sau càng phấn đấu nữa, hoàn thành xuất sắc hơn, vượt cả trăm phần trăm cho cả tỉnh biết mặt. Ôi, ông chủ tịch ơi, có bỏ ông vào mà thi thì cũng không làm sao mà hơn một trăm phần trăm được. Sao mà ngu thế ngài chủ tịch giữ trâu ơi? Chú em còn nhớ không? Hôm đó, hội trường vỗ tay ran làm lão tưởng là mình dẻo miệng nói hay, chứ biết đâu anh em đang cười xỏ vào mũi lão. Chà, chà, còn tay trưởng phòng của mình nữa. Y đáp lại rằng chúng tôi xin khắc sâu những lời vàng ngọc chỉ thị của Tô chủ tịch, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được trên giao. Tô chủ tịch nghe đắc chí, đầu gật gật có vẻ ưa ý thẩm tình lắm. Lão có biết đâu tay này cũng láo bỏ mẹ. Mẹ của hắn tám chục tuổi rồi, nói chi cũng bị hắn quát tháo, mạ già có biết chi mô mà hay nói, nói ít lại giùm cho khoẻ cái thân già… Hắn sá gì lão đâu…
Dũng vỗ vai Hồng, ngắt lòi:
- Anh còn đùa được ư? Chuyện xưa đã cũ kỹ rồi, quên béng cho khoẻ cái óc. Lo cái trước mắt giùm với ông anh ơi!
- Năm ni nghe đâu là năm cuối còn thi tốt nghiệp Trung học cơ sở. Không khéo mình về làm chủ tịch hội đồng thi ở đây lần nữa đấy.
- Ừ, thì sao không bỏ thi sơm sớm cho nhẹ nợ? Anh về đây thì tui được nhờ. Năm mô lo cái chuyện thi tốt nghiệp cũng bạc hết cả tóc.
Hồng lộ vẻ vui ra mặt:
- Yên tâm, mình chơi đẹp để lấy mặt với uỷ ban. Biết đâu, tổ chức có hỏi ý kiến với địa phương thì mình gặp hên. Mấy tay ủy ban mình có đụng mấy lần rồi. Mấy ông nớ cũng thích mình lắm.

12 nhận xét:

  1. Phần này thầy viết bạo tay ghê! Hấp dẫn và sâu sắc thầy ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Sướng nhe...tưởng tượng như những phím con chữ đang nhổm thêm nhổm xuống theo điệu...( chuyện thật không bịa - thường- ngày-ở-huyện) để cho có thêm mảng xanh tươi bù lại cho...ciment đá cuội...

    Trả lờiXóa
  3. Thăm anh và đọc tiếp GCST
    Chúc anh vui khỏe !

    Trả lờiXóa
  4. Còn giáo viên như tụi anh bây giờ, nhà cửa xe cộ có người thiếu gì nhưng họ còn mòn mỏi hơn với bao sự giả dối, lường láo và vô lương tâm. Họ áo quần láng lẩy, ăn uống cao sang, tiền bạc rủng rỉnh nhưng tâm hồn và nhân cách thì rỗng rang và úa héo dần. Cái áo không làm sao dựng nên ông thầy tu
    Hay!

    Trả lờiXóa