Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (22)



Chương 7
            Sáng chủ nhật. Trường Quảng Phong vẫn hoạt động không kém ngày thường. Tám phòng học điện sáng, quạt quay và văng vẳng tiếng thầy cô giảng bài. Chú Thoá ngước nhìn đồng hồ, tám giờ ba mươi lăm phút, rồi ra gõ trống, miệng lẩm bẩm:
            - Chủ nhật mà cũng không nghỉ được!

            Hơn ba trăm học trò khối 9 ùa ra khỏi phòng học. Thế là xong hai tiết học phụ đạo cho kỳ thi tốt nghiệp do trường tổ chức. Sân trường rộn cả lên. Trên hành lang trên tầng hai, rải rác những trò con trai ngồi lắt lẻo trên lan can, nhào người ra ơi ới gọi bạn. Lũ con gái áo hoa, áo màu tranh nhau ngồi trên ghế đá dưới các bóng phượng. Học thêm ngoài giờ có thu tiền nên kỷ luật khá mềm dẻo, cố làm sao càng đông học sinh theo học càng tốt. Chúng mà không đi học là làm khổ các thầy cô. Chiến thuật "mưa dầm thấm đất" được nhà trường đề ra. Dũng cũng như nhiều hiệu trưởng khác chủ trương không dạy gì rắc  rối và khó, cứ nói mãi những điều căn bản cho học sinh nghe, nói mãi chúng cũng phải nhớ được đôi ba điều, nhất là với học sinh Trung bình và Yếu. Kết quả thật không dễ như họ đã tưởng. Lẽ dễ hiểu họ vốn chỉ là những lí thuyết gia giỏi vẽ kế hoạch trên trời cao mà thôi. Trò giỏi và ngoan chán ngán vì nghe hoài những điều quá đơn sơ, trò lười và kém thì lại ỷ lại vào bạn mình, đi chăng là chiếu lệ vì sự bắt buộc của nhà trường. Đôi ông hiệu trưởng cấp tiến cho hẳn số học sinh Khá, Giỏi tự ý chọn chỗ học thêm. Kết quả càng bi đát hơn. Các trò còn lại ngồi ngơ ngơ suốt buổi, đuổi ruồi không bay và lớp học chết nghẹn một cách tức tưởi. Làm sao đây? Thế rồi đâu lại vào đấy, toàn lớp buộc phải tham gia sau khi nhà trường tham mưu và tư vấn hội Phụ huynh học sinh, một cái hội làm vì. Học sinh thì thế mà giáo viên nào hơn. Họ đang nhai cái kẹo cao su đã hết chất ngọt và mùi thơm. Nhai “những điều cơ bản” mãi, sái cả quai hàm, vừa nhai vừa trông được nhổ ra và vẫn nhai mới khốn nạn chứ. “Xì trétđè nặng lên cả thầy lẫn trò: trò không muốn học, thầy không muốn dạy nhưng cả hai cùng đến đây và chờ cho hết giờ để ra về. Ai cũng hiểu nhưng một người không hiểu, nói một cách nên thơ như Thành là hoàn toàn chính xác. Ngài hiệu trưởng trường nào cũng vì cái chỉ tiêu tốt nghiệp cuối năm chẳng chịu chấp nhận cái thực tế phụ đạo nó xốn xang như thế nào. Còn nước ta còn tát, có lần Dũng nói để thuyết phục hội đồng giáo viên.
Tiếng trống vừa dứt, lối về nhà bảo vệ thấp thoáng bóng các thầy giáo, bước xẳng xái đầy vẻ nôn nóng. Mười lăm phút chuyển tiết mà. Thành không dạy nhưng ở đâu đến, đã ngồi sẵn ở đấy. Chú Thoá cũng đã nhanh chân có mặt, nói:
            - Trà lá đã mấy thầy! Mai mốt lãnh tiền dạy thêm nhớ kêu tui đi làm một bữa nghe!
            Thành lên tiếng trả lời:
- Kêu chi. Tiền đóng gạo góp, ai cũng như ai mới lâu dài được. Chú cũng được chia tiền mở cửa đóng cửa chơ. Làm ngày chủ nhật ăn lương gấp hai, tiêu chi cho hết mà bòn mấy thằng bán cháo phổi ni cho tội.
- Thầy nói rứa chứ tui được mấy hột, để nuôi cái thân già. Thằng cu út còn năm đầu đại học mà.
Chú Thoá nói xong, giở chiếc nắp hộp nhựa đậy trên ấm trà, kéo chiếc phích nước sôi lên, rót vào thì Vũ lên tiếng:
- Cái nắp bình mô rồi?
- Tối qua tui lụi cụi rửa ấm chén, nó rớt bể mất.
Vũ cằn nhằn:
- Bể một cái tui tìm thêm một cái mới, rứa mà toi công tui rồi! Kiếm cho ra cái nắp không dễ mô. Bộ đem cái bình trà mới ra mà đập răng? Tui đã moi móc từ nhà đem ra cho chú mà chú cũng không giữ nổi. Uống nước trà mà thấy cái nắp ấm đổ đau con mắt, mất cả ngon lành.
Chú Thoá đáp lại:
- Họ cho chi dùng nấy. Thầy đừng kêu ca chỉ tổ mỏi miệng thầy thôi.
- Cái trường ni mạt hạng, không lo nổi cái ấm cho giáo viên uống. Tách nữa? Mẻ tứ tung lung tàng. Chú không kiếm mô ra một bộ cho đàng hoàng răng? Tụi tui không phải giáo viên trường ni chắc? Giáo viên chứ heo răng mà uống trong mấy cái máng sứt.
- Hồi trước có mấy bộ rồi cũng bể lần bể hồi cả. Mấy năm sau này có mua mô. Còn một bộ ngon lành tui để trong phòng hiệu trưởng để tiếp khách. Đem ra đây cho bị la à?
Vũ không đồng ý, nói tiếp:
- Trà đã không có, ấm chén cũng không. Lạ thiệt! Chơi mấy bình nước tinh khiết trong phòng hội đồng là xong. Thanh bần lạc đạo kiểu ni bần tăng chịu không nổi. Dạy bộ không khao hơi rát cổ răng? Chú phải nói đôi điều với thầy Hiệu chứ?
- Quyền chi tui. Có chi tui dùng nấy. Mà lạ thiệt, thầy Vũ ơi. Cái cần thì không mua, cái không cần mua tá lả. Răng bàn ghế chưa hư thì chở về thay cấp tám còn cái ấm trà mua không ra, thầy hè?
Vũ nhìn lăm lăm chú Thoá một hồi rồi nói:
- Đừng hỏi xóc xương nghe. Hôm lụt thấy chú chẻ mấy cái chân bàn hư mà nấu nước sôi, tui tiếc đứt ruột. Toàn gỗ chuồn, gỗ huệnh còn tươi rói. Cứ cải cách bàn bốn chỗ thành bàn xoay, rồi bàn hai chỗ cho đã đời chỉ tổ nuôi ba thằng thiết bị. Hay ho chi đâu, mới nửa năm thấy đã hỏng toá loạ. Đồ tốt thanh lí sạch rồi thay bằng ba cái đồ dổm. Mấy trường trong phố cũng ri thôi. Tui mới mua hai bộ bàn ghế học sinh bị thanh lí một trăm ngàn đồng, còn rẻ hơn là đồ thợ mả. Chở về nhà, hai cha con bưng một cái bàn mà xéo méo. Tốt chi mà tốt lạ. Còn ba cái đồ mới thì sao mà như đồ chơi trẻ con, nhẹ như bấc, bưng không khéo là long mộng. Trong kho tui thấy cả một đống phế liệu chân cẳng ba cái bàn ghế sắt rét rỉ. Khổ nỗi trên cấp ta không nhận cũng không được, chú ơi! Hợp đồng ký rồi để tăng cường cơ sở vật chất trường học mà, cứ đổ tiền vào mấy cái lỗ ni là an toàn nhất. Mấy quan tha hồ mà nhận hoa hồng.
Chú Thoá cười hề hề, trơ mấy chiếc răng đen xịt khói thuốc, nói:
- Thầy nói cũng có lí, có điều tui cũng tiếc như thầy. Ngành mình thiệt giàu mấy thầy ơi! Đồ dùng dạy học nữa. Năm mô cũng cấp về hằng đống. Dồn một kho trên lầu, chỗ mô mà chứa cho hết. Sách thư viện cũng tràn đầy mà có mấy ai đọc mô. Có mấy cuốn tui thấy dày hơn cái gối lận.
Quát chen vào:
- Của chi chú mà tiếc. Chú cứ lo cái việc bảo vệ của chú đi. Tụi tui dạy chay hay mặn chú đừng có nói mà tụi tui lãnh đủ. Ghi sổ mượn đồ dùng dạy học là đối phó với thanh tra. Họ thừa biết nhưng mình cũng phải làm bộ cho phải lễ. Mà nói thiệt chú nghe, đài truyền hình đưa tin và ảnh nhiều lần rồi. Toàn cái đồ tam toạng không mà. Sách mà càng dày thì càng không có chi đáng đọc.
Chú Thoá ý chưa vừa lòng với lời giải thích của Quát, chú nói:
- Răng mà nói hoài không thấy thay đổi chi. Bữa hôm mấy cô dọn ra mấy đồ sứt gãy, rách chuột gặm. Ui là một đống! Tiền không hà. Tui nghe cô Hoa kế toán nói bộn bạc đó.
Vũ lắc lắc cái đầu, nói:
- Để tui nói cho chú nghe, cứ tiền tiền bạc bạc. Còn nhiều chuyện nữa. Nghe mô ngoài Hà Nội với trong Thành phố Hồ Chí Minh họ sắp đưa máy vi tính vô giảng dạy như bên ngoại quốc. Trường mình rồi cũng phải theo. Rứa là ba cái tranh giấy với mô hình đất sứ nớ sắp thanh lí rồi. Bấm cái con chuột là không thiếu một thứ chi, màu mè tươi rói, lại nhanh và rõ, khỏi mất công lôi ra, trưng lên rồi dẹp xuống ba cái đồ lằng nhằng. Thanh lí là mất tang mất tích. Người ta thích cải cách là rứa đó. Kích cầu mà, tha hồ công ăn việc làm. Chỉ khổ ba thằng học trò là hết nhét cái này tới cái kia. Chữ viết cũng thay, vần a b c cũng thay… Học sinh được làm vật thí nghiệm hơi bị nhiều đó. Cái thời tui mấy chục năm cũng y xì một cuốn sách.
Chú Thoá lại nói:
- Tui chộ trên Ti vi rồi. Tối mô nằm trực trường, tui không mở Ti vi mà xem. Coi mấy thầy cô còn xem ít hơn tui đó. Ừ, sao họ tài ghê hè?
Quát chuyển đề tài, nói:
- Thôi, nói chuyện của mình. Mai chú mua đại một bộ ấm chén rồi xin thanh toán với Tài vụ sau. Có mấy đồng mô!
Chú Thoá quay qua Quát chửi:
- Cha cái thằng này! Cháu chi mà cứ bẫy chú. Tao sợ thành thần rồi. Mua cái gì cũng dễ mà răng thanh toán cho được đồng xu nó quá loạn là giấy với chữ ký. Tao sợ rồi, ai giỏi thì cứ mua. Thầy Dũng cứ nể nể bên Tài vụ, chẳng quyết được một cái gì cho dứt khoát. Việc chi xem ra cũng cô Hoa quyết cả. Thầy hiệu trưởng trước ngon lành hơn, cái chi cũng tự ý thầy, chẳng hỏi một ai.
Vũ góp ý, nói:
- Xem ra có cấn cái đôi điều chứ đâu mà yếu thế.
Thành đâm ngang:
- Hống hách là tổ chức, ấm ức là thanh tra, ba hoa là tuyên giáo, bát nháo là thi đua và chanh chua là tài… vụ….
Hắn kéo dài hai chữ tài vụ rồi nói tiếp:
- Cái bệnh của muôn đời mà. Dân gian đã tổng kết thì không trật đi mô hết. Kệ nó, uống nước mà lên dạy kẻo mười lăm phút bay như gió đó.
Trà được rót ra, khói thuốc bắt đầu toả lên. Cái nhà bảo vệ vốn là đại bản doanh của phe hút thuốc. Chỉ Nhân là giáo viên nam kiêng thuốc. Giờ chừ hẳn đang ca hát với các cô giáo dạy Văn, Toán ở phòng hội đồng. Thành, Quát quay qua bàn về kết quả của trận bóng cúp C1 đêm qua với Thành thì hiệu phó Dĩnh xuống đứng ở cửa, nói:
- Mấy thầy ơi! Xông chi mà xông ác rứa? Cho em nói với. Mấy thầy nhắc học sinh nạp tiền học thêm nghe. Tụi nó không nạp là mấy thầy không có tiền đó.
Vũ lừ đừ nói:
- Chuyện tiền bạc văn phòng lo đi. Chi cũng giao cho tụi tui, cực quá. Phần trăm quản lí mô?
Dĩnh phân bua:
- Mấy thầy doạ học sinh chúng sợ hơn. Mấy cô văn phòng làm sao tận thu nổi. Tháng cuối họ sẽ về dò bài giùm mấy thầy.
Lớp học thêm này có cái tên khá mĩ miều là “Lớp phụ đạo học sinh Yếu và Kém theo yêu cầu của gia đình”. Trường sau khi họp bàn với Hội phụ huynh học sinh, làm tờ trình và xin phép của Phòng Giáo dục huyện. Giáo viên được cử dạy thuộc loại Giỏi để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh. Bài bản làm việc thế là rất dân chủ, hợp với lòng dân, ý Đảng. Tuy nhiên, cái thực tế lớp học này nó xốn xang vô cùng. Học sinh vất vả suốt tuần rồi, học thêm thứ bảy, sáng Chủ nhật quả làm suy yếu thêm sức lực và tinh thần của chúng. Cái thời nay đi học khác xưa nhiều, không đi học thêm là chuyện hơi bị lạ. Nội dung lớp phụ đạo thì vẫn là củng cố tối đa những kiến thức cơ bản cho học sinh Yếu và Kém kiếm được điểm 5. Thế nhưng vẫn phải có các phương án dự phòng rất hình sự để đạt được chỉ tiêu hơn chín mươi mấy phần trăm.
Mấy năm rồi, năm nào cũng như ri thôi. Qua học kỳ 2 là thấy mệt đến nơi. Toàn trường tập trung cho lớp học này. Thời lão Đẻ Bọc, ban Giám hiệu (đúng ra là chỉ một mình lão) hưởng hai mươi phần trăm tiền học phí vì chức năng quản lí. Lão đến trường hò hét, giảng giải lợi ích của việc bổ sung kiến thức ngoài giờ lên lớp. Lão nói na rả suốt giờ chào cờ đầu tuần, trong giờ giao ban chủ nhiệm…Sáng Chủ nhật lão đến trường, đi lòng vòng các lớp, nhìn lom lom vào các phòng học, vừa doạ ma học sinh vừa kiểm tra thầy cô giáo. Tất cả cái đó được gọi là quản lí tổ chức đấy. Giáo viên đứng lớp dạy phờ cả râu bốn tháng trời chỉ nhận được số tiền thù lao bằng nửa của lão Đẻ Bọc. Số thất thu thì giao lại cho nhà trường thu tiếp rồi tính sau. Lão Đẻ Bọc buộc học sinh nào chưa nạp đủ tiền phụ đạo thì không có được nhận giấy chứng nhận tạm thời tốt nghiệp và học bạ để nạp vào hồ sơ tuyển cấp 3. Lão từ từ lượm hoa rơi cửa Phật và quên tính toán lại với anh em giáo viên. Mọi người đều biết nhưng chẳng ai nói. Số tiền đó để riêng cho một mình lão thì nhiều mà chia ra cho hơn chục người thì cũng chẳng mấy, ai lên tiếng không khéo làm lão mất ăn lại mua sự ghét bỏ của thủ trưởng vào riêng mình. Thôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy.
Nhà lão Đẻ Bọc to đùng, hai tầng lầu, dài đến cả ba mươi thước. Vợ lão làm giáo viên mẫu giáo ở xã, cả mùa vẫn chưa nhận lương. Thế mà lão giỏi thật, bòn tro đãi sạn từ ngôi trường cấp 2 này mà nên cơ đồ. Quá trình lão làm nhà được lão kể lể rất đau khổ: nào mượn của anh, của chị; nào vay ngân hàng…chỉ đủ xây được phần thô. Mấy năm sau lão hát lại bài ca cũ và hoàn thiện ngôi lầu tráng lệ của mình. Một tay anh chị trong vùng ngứa mắt, thỉnh thoảng nổi máu Chí Phèo, y đi ngang nhà chửi đổng vài câu:
- Nhà thầy Hiệu xây bằng thịt học trò đẹp thiệt! Mình đây buôn gian bán lậu mà cũng chỉ đủ nhét vào mồm. Nhà lão giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên kia thì xây bằng bìa học bạ mà bão cấp tám thổi cũng chẳng sứt mép. Quan giáo dục bây giờ giỏi quá!
Y muốn vơ cả hai xếp giáo dục vào mà chửi cho luôn chuyến. Không ngờ, mối thù vặt cá nhân đó lại kéo y vào nằm tù sáu tháng vì hành hung giáo viên, học sinh, phá rối học đường trong một lần xô xát với lão Đẻ Bọc sau này. Con y bị đứa học trò nào đấy tát một bạt tai. Y bênh con, dẫn một số đầu trâu mặt ngựa, gậy sắt đùi gỗ, hùng hổ vào trường tìm hung thủ đánh trả thù. Chú Thoá đứng ra can, bị lũ đàn em của y xô ngã chúi vào góc phòng, sứt đầu, máu chảy lênh láng. Mọi người giạt vào góc phòng giáo viên. Mấy cô giáo nhanh trí la lối om xòm khiến chúng ngừng tay. Cả một sân trường học trò nháo nhác. May mà một giáo viên lanh chân, gọi điện thoại cho công an huyện. Lũ đàn em chạy thoát cả còn y bị công an về túm cổ ra giam tại huyện. Vụ kiện tụng kéo dài cả mấy tháng mới xử xong. Y nằm tù thêm một hai tháng mới được tha về nhà.
Qua thời Dũng, mọi sự có khác. Một số trường bị tố cáo lên Sở Giáo dục vì ăn chận tiền dạy quá giờ của giáo viên. Từ đấy lây lan sang các loại tiền phụ đạo khác. Dũng để giáo viện tự nguyện cống nạp tiền “trà nước giao dịch” với lí do cho mau xong việc. Giáo viên phần đông vốn dễ tính và ngoan ngoãn. Họ chỉ việc nói một câu, Thói đời mà! Thằng thủ trưởng nào cũng phải có lộc chứ! Không, ai làm cho.

6 nhận xét:

  1. Thăm anh và đọc tiếp GCST
    Nghỉ chuyển tiết giờ phụ đạo ngày chủ nhật,nghe thầy cô"tám" để nhận ra biết bao điều...

    Trả lờiXóa
  2. "- Nhà thầy Hiệu xây bằng thịt học trò đẹp thiệt! Mình đây buôn gian bán lậu mà cũng chỉ đủ nhét vào mồm. Nhà lão giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên kia thì xây bằng bìa học bạ mà bão cấp tám thổi cũng chẳng sứt mép. Quan giáo dục bây giờ giỏi quá!"
    .
    Những con sâu trong ngành được tôn sùng là cao quý!!

    Trả lờiXóa
  3. "Thói đời mà! Thằng thủ trưởng nào cũng phải có lộc chứ! Không, ai làm cho."
    Rất chính xác ạ.

    Trả lờiXóa
  4. CANH ĐẠI GIA


    Đứa cháu ngoại từ Huế ra thăm, thế là con cháu tứ xứ gần xa cùng kéo về trong ngày chủ nhật. Đứa cháu muốn ông bà được thưởng thức món đặc sản xứ Huế, liền chuẩn bị nấu bún bò giò heo. Nó hi hoay từ sáng ninh xương ống làm nước dùng, nướng giò lợn, mua các thứ rau thơm, rau sống, gia vị để sẵn và bắt tay vào làm. Một lũ anh, chị em nó có đến ngót chục đứa ngồi quanh bàn ăn vừa xem nó làm, vừa góp ý cho món ăn thật ngon để đãi ông bà ngoại và chúng cũng được chén theo. Con bé khéo tay, hiền lành và ít nói cứ chăm chú làm thức ăn mà nó đã từng giúp mẹ làm để bán trong cửa hàng nổi tiếng cả thành Huế của nhà nó.
    Trong lúc nó hì hụi nấu, nào cho vài mảnh quế, đôi cánh hồi vào nồi nước dùng cho thơm, bọn anh chị em mỗi người thêm một ý. Thằng anh lớn nhất bảo:
    - Đã là món bún thì phải có măng chua, có măng chua mới dậy mùi bát bún em ạ.
    Không đợi con em nói sao, thằng anh ra chợ bên cạnh nhà làm bát măng chua đổ vào. Con chị vẫn nấu ăn cho bà hằng ngày cũng thêm vào:
    - Giò heo hầm thế nào cũng phải có giềng, xả, mẻ và mắm tôm mới ngon, để chị thêm vào cho.
    Con em chưa kịp ngăn lại thì nó đã tương cả bốn thứ sẵn có trong bếp vào nồi nước đang lăm tăm sôi, thơm và béo ngậy. Đứa cháu ngoại chả biết nói sao, vốn tính nó hiền và ít nói chỉ đứng nhìn và cười. Con em ông cậu nhà xế bên lại bảo:
    - Món thịt bò ninh phải có gừng và tỏi, để em cho thêm vào mới đủ vị chứ không ăn nhạt toẹt, ra gì.
    Vừa dứt lời nó lại ra chợ cạnh đấy mua mấy thứ rửa sạch cho thêm vào nồi nước xáo. Lũ trẻ ngồi xung quanh cứ thế góp ý thêm vào, đứa thì bảo phải cho thêm tương Bần, đứa bảo phải thêm tương ớt, đứa bảo phải có ngò gai, đứa đòi thêm ngò thơm, đứa đòi cho thêm tôm khô, đứa thêm tôm nõn, mực tươi… Con cháu ngoại từ Huế ra, chẳng biết nói thế nào cho phải, nó cứ để mặc các anh chị em làm. Nấu xong, nó lên mời ông bà và các bác xuống ăn món bún bò giò heo xứ Huế. Vừa cầm bát bún, bà lão hỏi:
    - Hôm nay cháu nấu món gì vậy?
    - Thưa bà! Cháu nấu món bún bò, giò heo.
    Nhìn kỹ rồi nếm thử, bà ngoại bảo:
    - Nó không giống món bà được ăn ở Huế con ạ.
    - Thưa bà! Con nấu đúng món con vẫn làm, nhưng các anh chị cho thêm nhiều thứ quá nên con cũng chưa biết gọi là món gì bà ạ.
    Nhướng cặp mắt đã hơi mờ mờ, bà mỉm cười:
    - Thế thì thôi, không gọi là món bún Huế nữa, bà đặt tên cho nó là Canh đại gia, được không?
    - Thế ông định gọi là món gì ạ?
    Con bé cháu là giáo viên, quay sang hỏi ông vừa đi dự hôi thảo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa vòng hai về ban chiều. Ông cụ lấy cặp kính lão nhìn kỹ, tủm tỉm cười:
    - Gọi như bà cũng được, nhưng theo ông, nó giống cái món mà người ta đang chuẩn bị để bắt trẻ cả nước ăn ở trường hơn.
    - Món gì thế hả ông?
    - À! Cháu sẽ được thấy ngay thôi cháu ạ, để sang năm học mới.

    Trả lờiXóa