Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG (2)

 
 
(Hình chỉ có tính minh họa)
 
              Năm đó, Luyến mới về trường, tươi roi rói như một đoá hoa đang nở rộ. Trước đấy anh em giáo viên đã xì xào, có cây văn nghệ về trường, khỏi lo bắt mấy bà già đi thi văn nghệ giáo viên hằng năm rồi, cứ nhảy lom xom vung vẩy như mấy con gà mắc mưa. Mà cũng lạ thật. Hay chỉ riêng có ở cái huyện này mới rầm rộ văn nghệ văn gừng như ri? Nào tạo không khí vui tươi trong học đường, nào đem món ăn tinh thần cho đời sống cán bộ, nào chào mừng thành tích này, đợt thi đua kia,… Giáo viên thi dạy tốt đã hết hơi rồi lại còn cái mục “Tiếng hát giáo viên” mới sợ. Năm mô trường cũng cà xình cà xàng vài ba tiết mục không ra cái gì cả, thi ngang cụm đã ôm khăn gói trở về. Anh em nói vui, như ri cũng đỡ tốn kinh phí của nhà trường, của Công đoàn. Không ai chuyên nghiệp, biết hát hỏng đờn địch như những năm sau này, toàn cây nhà sâu, lá vườn nát. Năm nào cũng thi, như thể “Sao Mai điểm hẹn” không bằng.

Luyến về đỏng đa đỏng đảnh trong buổi đến trường trình diện. Cũng quần rin áo pun như hôm nay. Sau  mấy thủ tục hành chính, Dũng nghiêm nghị hỏi:

- Nghe nói cô giáo hát hay lắm, phải không?

- Dạ. Hay chi mô.

Giọng Hà Nội mà pha pha giọng Huế. Quê mẹ: Quảng Bình. Quê cha: Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm môn Công dân, một môn học vô tội vạ như bao người nghĩ. Ba mươi hai tuổi. Một con trai 5 tuổi học mẫu giáo. Dễ coi nếu không bảo là đẹp gái. Lẳng. Dân chịu chơi.

- Cô chuẩn bị một bài hát ra mắt Hội đồng giáo viên hí? Cho vui. Trường ni cũng văn nghệ lắm.
            - Vâng.
            - Cô có nguyện vọng gì không? Dạy sáng hay chiều? Thích khối mấy?
            - Dạ, răng cũng được.

Dũng nghe như hút hồn, anh la cà hỏi vớ va vớ vẩn chuyện trên trời dưới đất:

- Lên dạy cấp 2 cô có thích không?
            - Trở lại cấp 2 chứ. Em học Cao đẳng mà.
            - Cô ở Huế được mấy năm rồi?
            - Dạ, từ hồi em học cấp 3. Thầy Hiệu đọc lí lịch của em chưa kĩ đó.

Dũng chuyển đề tài:

- Thích Huế không?
            - Vâng, cũng thích chứ sao.

Khi dạ khi vâng, khi răng khi sao, Dũng cười thầm trong bụng. Tính anh cũng ham lông bông, ham vui. Dũng vốn thích ca hát, biết đánh đàn nhưng cũng chỉ đủ để du ca vớ vẩn trên chiếu bia, chiếu rượu mà thôi. Xui cho anh ở cái huyện nhà quê ven thành phố này. Đây là một Phòng giáo dục rất mê thi: thi sổ sách, thi hát hò, thi dạy dỗ, thi đồ dùng dạy học, thi học bồi dưỡng, thi tìm hiểu, thi học sinh giỏi, thi thể thao, thi giải toán, thi viết văn… thi tuốt tuồn tuột cái gì có thể thi. Thi với kiểm tra như là một sách lược để thúc giáo viên, kiểu như thúc gót giày vào bụng ngựa, quất roi tre vào lưng trâu vậy. Cuống cuồng hết đợt thi này qua đợt thi khác như thể sóng trường giang, lớp này đùa lớp nọ. Mấy cái trường sư phạm cao đẳng lẫn đại học nó đào tạo cái gì nhỉ mà sao tốt nghiệp rồi lại còn cứ thi cử hoài, kiểm tra kiểm trẻ hoài như ri. Lí đâu mấy cái bằng tốt nghiệp loại giỏi, loại khá kia không một xu giá trị. Không có cái gì đáng tin trong ngành giáo dục này ư? Mọi người, bất kể ai trong trường, thậm chí cả giáo viên sắp về hưu sau ba mươi lăm năm giảng dạy, cũng loay hoay hụp lặn sôi nổi với các cuộc thi, miệng hô hào mà bụng rên rĩ. Ai cũng lo, ai cũng quýnh lên, chẳng còn hồn vía nào để ý các chuyện khác, lo cái phận mình cho xong đã thấm mệt rồi, thoát cái nào là mừng cái nấy. Giảng dạy cho tận tâm bao nhiêu mà mấy cái tiết kiểm tra, mấy bộ hồ sơ sổ sách hạng Khá là tiêu tùng rồi. Thậm chí là Ban giám hiệu như Dũng, điều hành sắp xếp cho xong các cuộc thi đó anh đã phờ cả râu. Giáo viên dự thi, giáo viên đi chấm, lớp đi học, lớp ở nhà, lớp học bù….ôi chao đó là chuyện dài chẳng thể nói một câu mà hết. Đôi khi Dũng tự hỏi phải chăng chỉ là một trò tung hoả mù hay nói theo dân gian là làm cho tứng lựng lựng lên. Đâu cũng vào đấy thôi, có giáo viên nào kém mà bị đuổi khỏi ngành đâu. Ui chao, chắc có ngày anh cũng hoá điên theo mấy cuộc thi này mất.

Mỗi lần đến kì thi văn nghệ giáo viên là anh lo sốt vó. Giáo viên cứ đùn đẩy nhau. Vô lẽ không có cái giải khuyến khích nào? Trăm thứ đều có xếp hạng, mà xếp hạng thì không thằng này thì cũng thằng khác phải chạy đua. Ai nỡ để trường mình trớt tay với hội thi. Đây là cái mặt nổi của nhà trường, chứ chất lượng học tập dẫu chính mà lại hoá ra phụ, tay nào cũng bưng lên cao một cách quá dễ dàng. Chí ít cũng có cái để sơ tổng kết mà nói với quần chúng cho nó dài thời gian. Nói cho dài dù nói lảm nhảm là cái thói của lắm ngài hiệu trưởng trường làng, của lắm xếp cấp huyện xã mà. Họ mà nói không dài là  không chịu nổi, như thể đi ra phố mà không mặc quần vậy. Ôi chao! Nghe bọn họ nói thì muốn nôn mửa ngay, họ nói những cái điều mà trăm vạn báo đài đều nói tỉ như giáo dục là quốc sách, là chìa khoá mở cửa tiến bộ, vì tương lai con em, vì nâng cao trình độ, vì hội nhập vào thế giới hôm nay…. Vì sao họ phải nói vớ vẩn như thế? Vì họ phải họp. Vì sao họ phải họp? Vì không họp thì họ là xếp của ai. Mà đã xếp thì phải có quyền hành hạ thuộc cấp, chi bằng hành chúng nghe những điều vô thưởng vô phạt, cho chúng mềm đi dễ bảo. Hãy nhìn vào các buổi họp mà xem: những cái mặt méo xẹo, những cặp mắt buồn ngủ trít cả hai mí, những lỗ tai mỏi mệt chừng muốn rủ xuống đang trông chờ cái máy nói hùng hồn hớn hở trên kia tắt đài. Ông chủ tịch công đoàn thì khác, ông đâu quan tâm những cái quái quỉ vớ vẩn đó. Ông khô khốc, lo vợ với con, gạo với tiền là chính, thêm lại hay lí sự cùn, cãi với ông thêm mệt. Lắm khi thấy ông cũng ngơ ngơ nghệt nghệt như anh. Chê bai ông thì cũng kẹt, chính anh ‘bồng’ ông lên mà. Có ai chê thì cũng bảo trường ông Dũng kém, không ra gì chứ ai lại lôi tên ông chủ tịch công đoàn ra nói đâu. Thế là lần nào anh cũng xăn tay áo lăn vào.

 Luyến về quả như bưng cả gánh nặng đổ đi. Đi thi à? Cô tham gia một cách nhẹ nhàng thoải mái và đều đặn ôm về cho trường một cái giấy khen. Tập tành sơ sơ bởi cô sẵn có giọng hát rất truyền cảm.Với lại anh nhận ra Luyến còn khéo lấy cảm tình của mấy ngài giám khảo háo sắc với những uốn éo nghệ thuật của mình. Mọi chuyện xảy ra từ đó. Anh em bắt đầu xầm xì, Hiệu trưởng mình dạo này văn nghệ quá hè! Bữa mô tập hát cũng có thầy! Trường mình ngon quá hè! Năm nào cũng có giải! Dũng nghe như chọc vào tai, cãi lại sao được khi mọi việc đều là sự thật. Dẫu vậy, anh thừa biết mấy cái lưỡi không xương kia đâm thọc anh cái gì. Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Anh đành giả lơ như không nghe. Mà đúng ra, mọi sự cũng phát xuất từ Luyến. Cô cứ nũng na nũng nịu trước mắt các giáo viên khác:

- Thầy Hiệu chở em đi thi nghe! Chạy xe ra Huyện mệt đứ đừ hơi rồi hát hỏng cái nỗi chi. Thầy không chở là em đau, ở nhà đó.
            - Chuyện của Công đoàn mắc chi tui lo. Anh chống chế.

Vẫn cái giọng nũng nịu:
             -  Bộ thầy Hiệu ở ngoài Công đoàn chắc, bộ thầy không phải đoàn viên Công đoàn chắc? Không chở thì thôi vậy.
            - Thì thiếu chi anh em khác.

Luyến nói trông trổng với anh:

- Phải quan tâm sâu sát quần chúng chứ. Động viên mà cũng không làm được à? Chỉ hành giáo viên là giỏi. Ngao ngán thật.

Rốt cuộc lại, anh đành phải chở Luyến đi. Giáo viên cứ tránh né như sợ mang tiếng tranh giành với anh không bằng. Họ còn nói thêm vào, nửa đùa nửa thật, chở người đẹp hát hay đi thi là đặc quyền của thủ trưởng mà. Chuyện thường tình, đàn ông chí ít cũng biết ga-lăng, anh tự nhủ vào lần đầu tiên. Thật ra trong bụng anh thấy thích thích. Anh tự bào chữa, khối thằng còn lem nhem này nọ chứ chết chóc gì cái chuyện chở giáo viên đi thi văn nghệ hơn mươi cây số. Mấy lần họp hiệu trưởng ở Huyện, cả một đoàn chức sắc tha hồ mà bình phẩm giáo viên: cô này hóm hém ra sao, cô kia hấp dẫn thế nào. Cái thế giới đàn ông có thích gì hơn là nói chuyện gái. Hiệu trưởng không là đàn ông à? Thằng Hồng hiệu trưởng cái trường dưới vùng biển chẳng hạn. Tụi nó đồn ầm cả lên, hắn cặp kè với cô kế toán đã li thân với chồng, ăn ngủ toạ loạ, chi tiêu lung tung. Ngoại tình rồi như cơn dịch, cơn nghiền, mốt thời trang… Hình như ai không làm, không theo là lạc hậu, là tâm tẩm, là dân keo kiệt không dám chơi sang. Quan lớn, quan bé có tiền rồi thì gái gú như báo chí nói đầy. Có quan bao đến cả ba bốn em một lúc, cả tuần không ngủ với vợ được một đêm. Người ta bảo, ai không ngoại tình chẳng qua là trong bụng thì thích mà chẳng có gan làm thôi.

53 nhận xét:

  1. Truyện rất hay dẫu chỉ mới khởi đầu. Chúc anh ngày mới an vui nhé !

    Trả lờiXóa
  2. MUNG ANH DA VIET TIEP EM XIN PHAN UU VOI ANH VA GIA DINH TRUOC SU RA DI CUA BA CU

    Trả lờiXóa
  3. Hấp dẫn . Mà cái vụ " quất roi tre vào mông trâu khó thúc nó đi lắm , phải là ... chọc đinh vào ... đít trâu thúc nó đi mới dễ anh Ba ơi ! hihi ...

    Trả lờiXóa
  4. Giáo chờ phần tiếp nhe. Đọc đã thấy... tò mò, hehe...

    Trả lờiXóa
  5. Câu chuyện “giỡn” rất thật...!
    Lối hành văn, ngôn ngữ giản dị, hiện thực rất hấp dẫn và sâu xa… (ý cá nhân).
    @TN rất thích (vì sự hiếm hoi) tính cách thẳn thắn…phê phán đầy bao dung của anh Vĩnh ba.

    Trả lờiXóa
  6. ALO VỚI MỌI NGƯỜI CHUYỆN CỦA ANH V3 LÀ CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA !

    Trả lờiXóa
  7. Anh viết về cái chuyện xưa. Cái chuyện xưa bao giờ cũng dễ thương, lời Huế cũng dễ thuơng nữa.
    Qua góp chuyện với anh, lâu quá rồi.

    Trả lờiXóa
  8. - Phải quan tâm sâu sát quần chúng chứ.=- Phải quan tâm sâu sát quần chúng (em)chứ.
    Thêm một chữ "em" cho vui (vui thôi mà).

    Trả lờiXóa
  9. Sang thăm anh và đọc tiếp phần II .Chúc anh an lành !

    Trả lờiXóa
  10. Anh đang viết về ai rứa anh VB . Chắc có nguyên mẫu mô rứa ? Thật tuyệt ! tiếp tục viết hay nha .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện mà. Tưởng tượng là chính. Không nhắm một ai hết để có tính PHỔ QUÁT.

      Xóa
  11. Cuối năm nên họp hành liên miên, mãi đến hôm nay mới sang thăm Anh, chúc anh vui khỏe và an lạc nhé

    Trả lờiXóa
  12. Câu chuyện Anh viết mang tính thời sự cao, như là mãng văn học hiện thực phê phán hiện đại...Khoái!!!
    Mến chúc Anh luôn vui khỏe và viết mạnh. Hihih...

    Trả lờiXóa
  13. Càng đọc lại càng hồi hộp chờ sau đó sẽ là gì nữa anh ạ! Em đang chờ đọc tiếp!

    Trả lờiXóa
  14. Truyện ngắn hay hấp dẫn thời sự.chúc A nhiều niềm vui

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện DÀI chứ. Xưa rồi Diễm ơi! Bây giờ nó ác liệt hơn nhiều.

      Xóa
    2. Bác treo ảnh cổng trường Đồng Khánh, họ tưởng ảm chỉ, có người la làng đó...

      Xóa
    3. Bác Vuu Ngo ơi! Bảo họ đọc cho tui nhờ. Trường ven đô mà.

      Xóa
  15. Có gan làm giàu phải không bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có máu liều mới cua được gái chứ! Đây lại khác cơ.

      Xóa
  16. Kiểu này cả trường mắc tất mất!

    Trả lờiXóa
  17. Truyện hấp dẫn ghê, huynh VB dấu kỹ quá, cs chờ đọc tiếp đây, mờ cái hình trên tê là cổng trường ĐK khi xưa đó aVB hở?
    Chúc mừng mới ra tập thơ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thơ mô? Mấy bài đăng ở blog này đóng lại thành tập đó. Hình trường ĐK có tính minh họa thôi.

      Xóa
  18. Em lại sang đọc và chờ...Anh nghỉ mấy ngày cuối thuần vui rồi viết tiếp nhé! Anh nói chỉ là chuyện hư cấu, nhưng ngoài đời có thật đó anh vì nhân vật dù có hư cấu đến mấy thì vẫn gần với đời. Em rất thích truyện như vậy vì đọc xong mình rút ra được nhiều điều lắm!

    Trả lờiXóa
  19. Em chờ xem tiếp anh ạ
    Chúc anh tuần mới luôn vui khỏe và bình an anh nhé.

    Trả lờiXóa
  20. Cảm đề GIỠN CHỐN SÂN TRƯỜNG của
    Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
    Cái thời nhếch nhác mới không xa
    Chuyện cũ dồn lui giáo dục nhà
    Quanh quẫn mô hình theo kiểu nớ
    Quạng quờ mẫu mã dõi khuôn nà
    Có tiền có gạo thêm thi thố
    Có thịt có đồ lơ kiểm tra
    Người viết có tài khơi sự chuyện
    Cảm ơn chờ đọc tiếp kia mà
    Nha Trang,10.12.2013
    Võ Sĩ Quý

    Trả lờiXóa
  21. Chiều hôm ni mưa dầm, răng Nhớ Huế
    O nhớ En O nhớ Huế En ui

    Trả lờiXóa
  22. Đã đọc và sẽ đọc nữa.
    THI ĐUA cũng là một cách quản lý Mệ Ba ơi!

    Trả lờiXóa
  23. Đương nhiên. Ban THI ĐUA là một bộ phận quan trọng trong cách quản lý XHCN, nhằm phát hiện ra bọn trái tư tưởng đấy.

    Trả lờiXóa
  24. Chỉ có bấy nhiêu sao? LB hơi tiếc

    Trả lờiXóa